Đến lúc cần cỗ máy tạo việc làm

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này dự báo, với đà phát triển dân số và diễn biến kinh tế hiện nay, thế giới cần tạo thêm 600 triệu việc làm mới trong vòng 8 năm tới. Đây là yêu cầu không dễ và câu hỏi đầu tiên được đặt ra: Việc làm đến từ đâu?

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này dự báo, với đà phát triển dân số và diễn biến kinh tế hiện nay, thế giới cần tạo thêm 600 triệu việc làm mới trong vòng 8 năm tới. Đây là yêu cầu không dễ và câu hỏi đầu tiên được đặt ra: Việc làm đến từ đâu?

Nhà kinh tế học Robert J. Gordon thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) nhận định, các quốc gia, nhất là những nước phát triển đang đối mặt với thực tế: sáng tạo, cải tiến trong công nghệ không còn là điều kiện đủ để tạo nên nguồn việc làm dồi dào. Còn nhớ, trong giai đoạn 1996-2004, thời hoàng kim bùng nổ phát triển công nghệ, nhất là Internet, người học các ngành khoa học công nghệ không lo thất nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ phát triển công nghệ không đi cùng tốc độ tăng chỗ làm. Công nghệ càng phát triển thì càng tiết kiệm nhân công, và đòi hỏi người lao động kỹ năng thật cao. Sự bão hòa này buộc các nhà hoạch định chính sách của mỗi quốc gia cần chú trọng hơn đến yếu tố con người. Cụ thể là xây dựng chính sách phát triển giáo dục hài hòa với các điều kiện xã hội, cân bằng giới để phát huy tối đa nguồn nhân lực.

WB chỉ ra rằng, nhiều nước hiện nay cần cân nhắc việc có nên đi theo lối mòn chỉ dựa vào lợi thế xuất khẩu nữa không. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công lan rộng ở nhiều nước châu Âu dẫn đến chính sách thắt lưng buộc bụng ngày càng được tận dụng triệt để thì kênh tiêu thụ ở những nước này cũng bị thu hẹp. Sự suy thoái ở các nước giàu hơn đồng nghĩa với việc các nước nghèo nên nhắm vào thị trường nội địa hoặc những quốc gia láng giềng có điều kiện phát triển kinh tế tương đương nhiều hơn nữa.

Trong báo cáo thường niên “Xu hướng việc làm toàn cầu năm 2012: Ngăn chặn khủng hoảng lao động” của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cũng đề cập đến vai trò của những nhà hoạch định chính sách là có những cơ chế tích cực khuyến khích đầu tư vào khối doanh nghiệp tư, từ đó khởi động lại bộ máy tạo việc làm cho chính quốc gia và cho toàn cầu.

Viết trên tờ Huffington Post, tác giả Anna Yukhananov đã nhắc đến nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao ở một quốc gia không đồng nghĩa với việc có thêm nhiều công việc cho người trẻ, và càng không có nghĩa là đất nước đó thoát được tình trạng tham nhũng, quan liêu hoặc bất công trong xã hội. Tunisia là một ví dụ. Năm 2010, nước này rơi vào tình trạng bạo loạn do người trẻ thất nghiệp xuống đường biểu tình đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Đông sau đó. Hay như ở Mozambique, khi tốc độ tăng trưởng những năm gần đây thường ở mức 10% trở lên khiến nước này thuộc nhóm tăng trưởng mạnh nhất khu vực Sahara. Thế nhưng hệ quả là giá cả leo thang chóng mặt trong khi hơn 80% dân số nước này lại làm nông nghiệp, tỷ lệ nghèo ở mức cao với 55% dân số sống dưới mức 1,2 USD/ngày.

ILO cho rằng, việc làm không đơn thuần đem lại thu nhập mà nó còn là nền tảng căn bản cho sự phát triển, đẩy lùi tình trạng người trẻ thất nghiệp sa vào các tệ nạn. Đó mới chính là mục tiêu hiện nay: thiết kế cỗ máy tạo việc làm thay vì tạo những cỗ máy sản xuất to lớn, chạy theo lợi nhuận. Theo WB, toa thuốc để tạo việc làm phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà mỗi quốc gia phải đối mặt, còn các chính sách lao động không thể nào là giải pháp duy nhất mà kèm theo đó là nhiều chính sách xã hội kèm theo.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục