(SGGPO). - Đây là thông tin được lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được tổ chức ngày 6-12 tại Hà Nội.
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Quản lý Dược, những năm qua ngành Dược Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân.
Đến nay, cả nước đã có 133 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP. Cùng với đó là hệ thống phân phối thuốc với 177 doanh nghiệp đạt GSP (thực hành tốt phân phối thuốc) và gần 4 vạn nhà thuốc ở khắp các xã phường trên toàn quốc. Giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam năm qua đã tăng trưởng đạt trên 1,35 tỷ USD, cùng với đó tiêu dùng thuốc bình quân đầu người đạt 31,18 USD/người/năm.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng cho biết, hiện này ngành Dược Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó nổi lên là thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, còn lại lệ thuộc nhập khẩu, viện trợ. Nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu tới 90%.
“Đây là khó khăn nhất của ngành Dược Việt Nam đang phải đối mặt”- TS Trương Quốc Cường nhấn mạnh.
Đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước với chất lượng cao để phát triển ngành công nghiệp dược.
Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay chúng ta đã sản xuất được trên 12.000 loại thuốc nhưng chủ yếu là những thuốc có dạng bào chế đơn giản, trùng lắp như: nhóm vitamin, thuốc bổ, hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm. Trong khi đó, các loại thuốc đặc trị, bào chế phức tạp như thuốc giải độc, gây mê, thuốc tim mạch… vẫn phải nhập khẩu.
Trước thực trạng này, Cục trưởng Trương Quốc Cường cho biết, thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bộ Y tế và ngành Dược Việt Nam sẽ tập trung xây dựng phát triển ngành công nghiệp dược trong nước với mục tiêu đến 2020 sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Đồng thời nâng dần thị phần của thuốc nội với chất lượng cao, thay thế thuốc ngoại nhằm mục tiêu tới năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm.
|
TS Trương Quốc Cường cũng cho biết, để thực hiện mục tiêu quan trọng này, ngành Dược sẽ tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic bảo đảm chất lượng với giá thành hợp lý để từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Hơn nữa, việc tập trung sản xuất thuốc generic cũng phù hợp với năng lực thực tế của ngành công nghiệp dược Việt Nam và xu hướng tăng cường sử dụng thuốc generic trên thế giới tới năm 2020.
Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ giá thuốc, đảm bảo giá hợp lý tới tay người sử dụng, ngành Y tế sẽ xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nhằm giảm bớt đầu mối phân phối thuốc hiện nay, để giảm giá thuốc.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ lập Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc và xây dựng các danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá, danh mục thuốc trong nước đáp ứng đủ nhu cầu.
KHÁNH NGUYỄN