Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020)

Đền thờ Bác Hồ nơi cực Nam Tổ quốc

Sau ngày Bác Hồ mất, nhiều nơi trong vùng kháng chiến ở vùng đất cực Nam Tổ quốc, người dân đã xây dựng nhiều đền thờ tưởng nhớ Bác. Dù chiến tranh còn ác liệt, nhưng nhiều đền thờ Bác vẫn được người dân bảo vệ an toàn.
Người dân vùng đất cực Nam Tổ quốc dâng hương ở đền thờ Bác Hồ tại xã Viên An
Người dân vùng đất cực Nam Tổ quốc dâng hương ở đền thờ Bác Hồ tại xã Viên An

Xây dựng bí mật trong vùng kháng chiến

Hôm nay, đường Hồ Chí Minh đã về tận Mũi Cà Mau, nhờ đó mà về thăm đền thờ Bác Hồ tại xã Viên An cũng thuận lợi hơn. Từ đường dẫn cầu Năm Căn (nằm trên đường Hồ Chí Minh, bờ huyện Ngọc Hiển), rẽ phải (theo hướng Năm Căn - Đất Mũi), đi theo con đường ven sông Cửa Lớn tầm nửa tiếng đồng hồ là đến khu vực đền thờ Bác Hồ. Theo những người lớn tuổi trong vùng kể lại, khi nhận được tin Bác Hồ mất, nhân dân khắp cả nước đau lòng và để tang Bác. 

Ngày 6-9-1969, đồng chí Trần Văn Thế, Bí thư tổ đảng ấp Ông Trang, xã Viên An (bây giờ chia làm 3 xã Viên An, Viên An Đông và Đất Mũi) họp chi bộ và dân xin ý kiến xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bác. Ý kiến nhanh chóng được tập thể và người dân đồng tình. Sau đó, tổ xin ý kiến cấp trên và được thống nhất cao. Ngày 10-9-1969, đền thờ Bác Hồ bắt đầu xây dựng tại ấp Ông Trang. Do điều kiện chiến tranh còn thiếu thốn và khó khăn nên đền thờ ban đầu được xây dựng bằng cây gỗ địa phương. Tổ đảng ấp Ông Trang huy động lực lượng đảng viên, đoàn viên, nhân dân góp công, góp sức, phân chia những phần việc cụ thể để làm. Mọi công việc diễn ra trong bí mật.

Đền thờ Bác Hồ được thiết kế và xây dựng theo mẫu nhà sàn của cư dân sống ven biển. Do địa điểm xây dựng thấp, trũng và thủy triều lên xuống nên đền có cấu trúc 2 tầng, lợp tôn, trên đỉnh nóc có tạo hình con chim với ngụ ý là biểu tượng hòa bình. Nền nhà hình vuông, cột, đòn tay, sàn và vách được làm bằng ván đước, phía trước đền thờ có cổng chào Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên trong đền thờ, phần chính diện có bục thờ và di ảnh Bác. Khu vực đền thờ có sân, lễ đài… Sau nửa tháng xây dựng, ngày 25-9-1969, lễ khánh thành đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể và trang nghiêm. Hàng trăm cán bộ đảng viên và nhân dân địa phương đến dự lễ, dâng hương. Để buổi lễ khánh thành diễn ra an toàn, lực lượng du kích địa phương và người dân thay nhau canh gác. Còn để bảo vệ đền thờ, người dân làm hầm chông, gài bẫy xung quanh nhằm chống giặc vào càn phá. 

Ông Nguyễn Văn Bảy (người được phân công trông giữ đền thờ Bác Hồ ở xã Viên An) chia sẻ: “Trong suốt thời gian kháng chiến, đền thờ Bác Hồ được bảo vệ an toàn giữa rừng đước bạt ngàn của vùng đất cực Nam Tổ quốc. Mặc dù, bọn chỉ điểm đã nhiều lần dẫn biệt kích Mỹ - Ngụy vào bắn phá, nhưng được người dân và du kích quyết liệt bảo vệ, khu vực xây dựng đền cũng là nơi thành trì cách mạng trong rừng, nên địch không dám tiến sâu”.

Tình cảm sâu sắc

Trong chiến tranh, hoàn cảnh thiếu thốn, những đền thờ Bác được xây dựng chủ yếu bằng cây gỗ địa phương. Lâu ngày, có đền thờ bị hư hỏng; cũng có đền thờ bị địch bắn phá ác liệt nên cũng hư hỏng. Vì vậy, sau khi đất nước thống nhất, nhiều đền thờ Bác Hồ đã được xây dựng kiên cố hơn. Ông Hai Ở (Nguyễn Hoàng Ở, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Viên An) nhớ lại: Sau khi hòa bình lập lại, người dân Viên An quyết định di dời đền thờ Bác Hồ trong rừng đước về ấp Ông Trang để tiện việc bảo quản và hương khói”. Khi di dời, lãnh đạo và người dân địa phương không đưa về ngay mà đưa đền thờ Bác Hồ lên thị xã Cà Mau diễu hành, mừng ngày giải phóng. Sau đó, đền thờ Bác được đưa về và đặt tại ấp Ông Trang đúng ngày sinh Bác Hồ. 

“Khi đất nước được giải phóng, đền thờ Bác Hồ được xây dựng kiên cố hơn. Qua đó, cho thấy tình cảm vô hạn của người dân xứ Viên An đối với Bác. Hiện nay, đền thờ Bác Hồ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ về tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Hai Ở chia sẻ.

Theo ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, sau ngày Bác Hồ mất, trên địa bàn có đến 23 đền thờ Bác Hồ được xây dựng. Cà Mau là một trong những tỉnh xây dựng nhiều đền thờ Bác nhất vào thời điểm này. Hiện tại có 7 đền thờ, trong đó có 3 đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. “Để ghi nhớ công ơn Bác Hồ, một số xã, phường trên địa bàn tỉnh Cà Mau, người dân tự nguyện lập bàn thờ để thờ Bác Hồ. Người dân trang trọng lấy ảnh Bác đưa lên bàn thờ gia tiên thờ Bác. Không chỉ trong chiến tranh mà thời bình người dân Cà Mau vẫn sâu sắc ghi nhớ công ơn Bác Hồ đối với quê hương và đất nước”, ông Vĩnh tâm sự.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh được khởi công vào ngày 10-3-1970 đến ngày 26-1-1971 khánh thành trong niềm hân hoan của người dân. Trong thời gian xây dựng và bảo vệ đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Long Đức đã phối hợp nhuần nhuyễn 3 mũi giáp công, bẻ gãy hàng chục trận càn quét, hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo binh, tàu chiến của địch, loại ra khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch. Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo ngôi đền. 

Năm 1989, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Trà Vinh được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, theo quy hoạch của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê chuẩn, phiên bản nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản đã được dựng lên trong khuôn viên của khu di tích.

TÍN HUY

Tin cùng chuyên mục