Đền thờ vua Hùng (còn được gọi là Đền Hùng Vương, Đền Hùng hay Đền Quốc tổ Hùng Vương, tọa lạc tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) là một trong những nơi thờ vua Hùng Vương lâu đời nhất tại TPHCM. Không chỉ tập trung vào những dịp lễ tết mà hàng ngày, nơi đây cũng thu hút hàng chục ngàn lượt người dân TPHCM và du khách thập phương đến chiêm bái, thắp hương tưởng nhớ công lao tổ tiên, các bậc tiền bối đã có công dựng nước. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, ngôi đền đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, hư hại nặng nề.
Thu hút hàng chục ngàn du khách
Theo một số tài liệu, Đền thờ vua Hùng được người Pháp xây dựng năm 1926 (cũng có tài liệu khác cho rằng di tích này được xây dựng khoảng năm 1930 - 1932), ban đầu có tên là Đền kỷ niệm. Về sau, nơi đây được người dân tín ngưỡng, sử dụng thờ Khổng tử và Vua Hùng (do Hội Khổng học tại Sài Gòn quản lý) nên từ năm 1956 được đổi tên thành Đền Quốc tổ Hùng Vương.
Năm 1975, đền được giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM quản lý, đồng thời chính thức gọi tên đền thờ Hùng Vương. Trong nhiều năm, TP đã đưa các tư liệu, hiện vật khảo cổ học thuộc thời đại Hùng Vương trưng bày tại đây nhằm giới thiệu lịch sử thời đại các Vua Hùng đến đông đảo công chúng.
Ngôi đền được xây dựng với hoa văn đẹp và kiến trúc truyền thống phương Đông, xây dựng trên nền cao với ba tầng mái ngói âm dương, trong một không gian mở. Trên đỉnh mái là hình hồ lô, bốn góc tầng mái trên cùng là tượng rồng và tầng giữa là hình tượng cá hóa rồng trong tư thế uốn lượn. Bốn góc tầng mái dưới cùng được trang trí hình chim phụng, bên trên trần gỗ là các phù điêu rồng uốn lượn trên nền mây thếp vàng. Mái được trụ bởi bốn hàng cột gỗ quý, đế cột hình bát giác. Nền của đền tạo thành hành lang bao quanh bốn mặt, mỗi cửa lên xuống là các bậc thềm được xây bằng những tảng đá xanh.
Các bậc lên xuống ở ba cửa chạm khắc hình rồng lượn trên mây - đuôi phía trên hướng đầu chúc xuống dưới. Các hoa văn, hình tượng được chạm khắc rất tinh xảo. Trong đền có lưu giữ đất và nước được đưa về từ đền Hùng ở Vĩnh Phúc do chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc trao tặng. Chánh điện có ba bàn thờ, gian thờ chính ở giữa, trên bài vị có hàng chữ Việt Nam quốc tổ tiên đế Hùng Vương ngọc lục hội.
Hai bên là hai bàn thờ nhỏ bằng đồng… Trước đây, vào mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, đền thờ này được sử dụng để tổ chức lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương, do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức.
Đến năm 2009, khi đền thờ Hùng Vương tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở quận 9 hoàn thành, lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương được TP tổ chức ở quận 9. Tuy nhiên hàng ngày, vẫn có hàng trăm lượt người dân và du khách đến đây thành kính thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức các bậc tiền nhân.
Đối mặt với tình trạng xuống cấp
Qua nhiều năm, theo thời gian, ngôi đền này đã bị xuống cấp, nhiều trang thiết bị đã bị hư hại. Theo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM (đơn vị quản lý đền thờ vua Hùng), từ 5 - 6 năm trước, trước nguy cơ xuống cấp của đền, đơn vị này đã có công văn gởi Sở VH-TT-DL TPHCM đề nghị sớm có biện pháp trùng tu tôn tạo, tuy nhiên sự việc đã rơi vào quên lãng.
Hiện nay, đền thờ vua Hùng đang đối mặt với tình trạng hư hại. Các đầu hồi, cây gỗ có triệu chứng mục, xuống cấp. Do mái ngói bị xô lệch, nứt vỡ nên mỗi khi trời mưa, nước đọng từ trên trần tràn xuống theo đường cột làm mục cột gỗ, các khung gỗ trang trí hoa văn trên trần (còn gọi là vách lá gió) cũng bị hư hại nặng. Trải qua trên 80 năm xây dựng, từ đó đến nay ngôi đền này mới chỉ được trùng tu một lần duy nhất vào năm 1985, chủ yếu là sơn phết lại và thực hiện đảo ngói.
“Do mái ngói bị hư hại, nước mưa chảy tràn dẫn đến mục gỗ, đầu hồi và ảnh hưởng xấu tới nhiều chi tiết khác, tình trạng này sẽ càng nặng nề hơn nếu cứ để kéo dài. Chúng tôi đang rất lo lắng trước tình trạng xuống cấp của đền bởi mùa mưa đã cận kề”, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, tâm tư.
Được biết từ năm 2010, UBND TPHCM đã quyết định thực hiện kiểm kê, bảo tồn đối với 168 công trình, địa điểm có dấu hiệu đủ tiêu chuẩn xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM, trong đó có Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM được lập hồ sơ để xếp hạng di tích cấp thành phố.
Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, Sở VH-TT-DL TPHCM vừa cho người xuống khảo sát thực trạng xuống cấp tại đền thờ vua Hùng, lập báo cáo chi tiết và phương án trùng tu, tôn tạo. Rất mong lãnh đạo TP và các ban ngành liên quan sớm có biện pháp khắc phục, trùng tu đền thờ vua Hùng, tránh tình trạng để xảy ra sự cố rồi mới khắc phục như trường hợp Phu Văn Lâu (ở Huế) mới đây.
MINH AN