Đến Vũng Tàu đắp tượng cát

Đến Vũng Tàu đắp tượng cát

Là một trong những hoạt động hưởng ứng Festival Biển 2006, hội thi đắp tượng cát với quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay sẽ khai mạc vào ngày 6-4, tại Khu du lịch Biển Đông (TP Vũng Tàu).

Đến Vũng Tàu đắp tượng cát ảnh 1

Điêu khắc đắp tượng cát là bộ môn nghệ thuật tạo hình sử dụng chất liệu cát trên bãi biển, được thực hiện trong thời gian ngắn, tạo thêm sự phong phú cho du khách trong các kỳ nghỉ biển. Nhiều nơi trên thế giới như Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hà Lan, Bỉ, Ukraina, Pháp, Úc thường xuyên tổ chức các cuộc thi đắp tượng cát được đông đảo người dân địa phương và khách quốc tế hưởng ứng. Hàng năm, Bộ Du lịch Pháp đều tổ chức cuộc thi đắp tượng cát kéo dài 15 ngày. Nội dung các cuộc thi thường lấy chủ đề từ các danh lam thắng cảnh, các công trình mỹ thuật, sinh hoạt đời thường, các loài thú, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, nhân vật lịch sử…

Thậm chí nghệ nhân Brazil đã tôn vinh thần tượng bóng đá của họ bằng những tác phẩm trên cát. Đến nay, tác phẩm được đánh giá hoành tráng nhất là công trình mô tả về nhân vật Thủy Hoàng Đế có tên “Thiên niên nghĩa địa” thực hiện tại Ninh Hạ, Trung Quốc trong 15 ngày, sử dụng hết 5.000m3 cát dưới đôi tay tài hoa của 5 nghệ nhân.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Quốc Chương cho biết, điều kiện để triển khai được loại hình này là phải có bãi tắm rộng để tập trung cát. Kỹ thuật đắp tượng cát tương đối dễ. Với những tác phẩm thông thường cao khoảng 3- 5m, các tác giả chỉ cần trộn cát với nước là có thể đắp tạo hình. Với những tác phẩm cao trên 5m hình ống (không có chân đế rộng), người ta phải sử dụng phần cốt làm bằng tre để giữ vững khối cát không bị đổ. Sau khi hoàn tất, họ cho nước thấm đều phần chân, đoạn trên sử dụng chất liệu Silicat pha nước xịt phủ lên bề mặt và quanh thân tượng.

Như thế, tượng cát có thể giữ vững hàng tháng trời, thậm chí có thể đứng trên tượng để chụp hình. Nhiều tác phẩm được tô bằng màu thực phẩm nên trông rất thật. Có thể nói, do chỉ cần có cát biển và nước, không mất nhiều thời gian mà lại thể hiện được nét mỹ thuật độc đáo nên trò chơi này rất được du khách ưa chuộng. Là người tiên phong du nhập loại hình nghệ thuật này vào Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Chương cho biết, Vũng Tàu rất thích hợp với việc tổ chức đắp tượng cát do nơi đây có những bãi cát mịn, dài và rộng…

Sau lần đầu tiên tổ chức thử nghiệm thành công việc đắp 2 con rùa biển (mỗi con dài 8m, cao 2m-ảnh) trong 3 ngày- nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- Ban tổ chức Festival Biển 2006 đã quyết định giới thiệu loại hình đắp tượng cát như là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của Bà Rịa- Vũng Tàu.

Cũng với sự chủ trì của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, Festival sẽ là nơi tranh tài của 5 nhóm tác giả đến từ các trường đại học, cao đẳng ở TPHCM và Đồng Nai, với những tác phẩm lớn, sử dụng từ vài chục đến cả trăm mét khối cát. Trường Đại học Hồng Bàng dự kiến lập kỷ lục Việt Nam với tác phẩm chủ đề Lạc Long Quân cao 6m...

Ngọc Bích - Ngô Quang

Tin cùng chuyên mục