“Phù phiếm truyện”

Đẹp dịu dàng mà vẫn chói lóa!

Đẹp dịu dàng mà vẫn chói lóa!

Đây là quyển sách không chỉ hay mà còn là một phát hiện lớn của giải Văn học tuổi 20 năm nay do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức. Nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương dù khá e dè và kiệm lời cũng nhận xét: “Phù phiếm truyện (*) là một trong rất ít tác phẩm độc đáo viết về tuổi hai mươi mà tôi đọc được trong mấy năm gần đây”.

Hẳn bạn còn nhớ trên văn đàn Việt Nam thập niên 1990, Phan Thị Vàng Anh phát sáng và được độc giả đặc biệt yêu thích bởi chị đã đi sâu vào mô tả cái tôi của những người trẻ - tạm thời bị lãng quên trước đó bởi nhiều yếu tố. Bằng giọng văn tỉnh táo, sâu sắc, thông minh, chị đã “nhảy” một bước ra khỏi những ràng buộc của các quan niệm cũ về văn chương, nói bằng tiếng nói từ tận thẳm sâu tâm hồn của những người trẻ, những trăn trở rất thực đồng thời cũng rất “thời cuộc” trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống hiện đại, những ước mơ, dằn vặt, khát khao…

Đẹp dịu dàng mà vẫn chói lóa! ảnh 1

 Tiếp sau đấy là Phan Triều Hải, rồi hàng loạt các cây bút khác cũng mạnh mẽ xoáy sâu vào những vấn đề này. Vài năm gần đây lại thấy xuất hiện một Nguyễn Ngọc Thuần thông minh, mơ mộng và nhân hậu trên từng trang viết. Và bây giờ, thật mừng là chúng ta lại có một Phan Việt vừa bao hàm những yếu tố trên, vừa rất riêng bởi sự cá biệt và điều đáng trân trọng hơn cả, đó là bề rộng, bề sâu của tri thức hứa hẹn những hành trình dài và rất xa.

Trong tập truyện, tác giả và những nhân vật đại diện cho tuổi hai mươi vừa tự nguyện, lại vừa bị bắt buộc hội nhập với một thế giới đầy nhiễu nhương và giằng xé, đến phải thốt lên: “Cần quá nhiều dũng cảm và nhận thức để có thể sống một cuộc sống thực sự trong thế giới này” (trích Phù phiếm truyện). Thật vậy, xã hội, đất nước, con người đã và đang rất hối hả trên lộ trình hội nhập, thế nên văn hóa nghệ thuật hay văn chương cũng không thể đứng ngoài xu hướng toàn cầu hóa.

Chúng ta không phủ nhận những áng văn mộc mạc, chân chất, hồn hậu, thấm đẫm hồn quê… nhưng cũng không thể không công nhận các xu thế văn chương thời đại với các kết cấu mở, các luận đề tư tưởng - đôi khi khó rạch ròi đâu là lằn ranh giữa văn chương, triết học, bút ký, tùy bút, bởi sự chất chứa và dồn nén một lượng lớn kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội… trong chỉ vài câu hay vài trang viết.

Một thành công nữa của Phan Việt là tuy đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài nhưng cô đã bỏ qua được cái nhìn hậm hực, kêu gào, than khóc, “không cay cú, không đau đời, không mưu toan giải quyết các vấn đề thời đại”, càng không mang mặc cảm nhỏ bé, tự ti, nhược tiểu, cũng như chẳng cần phải “lên gân”… như ta vẫn thấy nhan nhản trên các website văn chương hải ngoại. Một tiếng nói khẽ thôi nhưng da diết, rất tự nhiên mà cũng rất dịu dàng…

Phù phiếm truyện và giải II văn học tuổi 20 là bệ phóng tốt, độc giả vẫn đang chờ mong những tác phẩm khác ngày càng vượt xa hơn từ cây bút trẻ đầy ý thức và bản lĩnh này.

Song Phạm
-------------
(*) Tác phẩm đoạt giải II cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần III - 2005.

Tin cùng chuyên mục