Đi cạnh 4.0

Sau khi lắng nghe nhiều luồng ý kiến, Bộ Tư pháp mới đây đã phát hành công văn số 1354/BTP-PLDSKT đề nghị Bộ GTVT - cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa khá nhiều quy định tại dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (thay thế Nghị định số 86). 

Trong đó, khoản 2, Điều 3 dự thảo Nghị định liên quan khái niệm kinh doanh vận tải bằng ô tô có nội dung như sau: “Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.

Bộ Tư pháp nhận định, với quy định như trên thì bất kỳ đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, thế nào là quyết định giá cước vận tải; điều này sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất. Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải. Bên cạnh đó, tuy nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm), song Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.

Theo nguyên tắc đó, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định tại khoản 5, Điều 6 dự thảo Nghị định (trong thời gian 1 tháng xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình) vì cho rằng việc hạn chế thời gian xe taxi hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu là “không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở khoa học, mang tính chất áp đặt hành chính”, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, nhưng lại hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan đến bảng điện tử trên xe taxi (mào), Bộ Tư pháp đề nghị bỏ điểm c, khoản 1, Điều 7 dự thảo Nghị định; theo đó, xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có hộp đèn với chữ “TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12x30cm. Mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường; tuy nhiên, với xe hợp đồng điện tử thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối.

Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy “ngay và luôn”. Còn nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe như quy định pháp luật. Trong lần góp ý lần này, Bộ Tư pháp tiếp tục đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bỏ quy định tại khoản 5, Điều 7 dự thảo Nghị định về việc đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo đến Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô thông tin về hành trình, thời gian thực hiện…

Có thể thấy, còn nhiều vấn đề liên quan đến “taxi công nghệ” vẫn chưa ngã ngũ. Câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi ông góp ý về chương trình xây dựng pháp luật đến nay vẫn chưa có lời đáp: “Uber đến rồi đi, ta còn chưa kịp nhận diện. Giờ Grab đã hoạt động khắp cả nước rồi, ta vẫn còn tranh luận họ là ai, đối xử với họ như thế nào. Vậy thì nền kinh tế 4.0 sao có thể phát triển”?

Trong một diễn biến khác có liên quan, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố một báo cáo cho thấy tăng trưởng của phân ngành thông tin và truyền thông thấp đến mức đáng ngạc nhiên và không tương xứng với quyết tâm phát triển nền kinh tế số của Chính phủ.

Quý 1-2019, phân ngành này chỉ đóng góp 0,71% vào GDP, chỉ cao hơn một chút so với mức 0,68% GDP trong năm 2018. “Việt Nam có thể chủ động lựa chọn đi cùng hay đi cạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung, nhấn mạnh.

Hơn 10 năm trước, dịch vụ OTT (ứng dụng được cung cấp trên nền tảng Internet) ra đời cũng gây “bão” tranh luận, bởi các nhà mạng đang hoạt động khi đó bị mất đi “miếng bánh” doanh thu ngon lành từ tin nhắn và các cuộc đàm thoại. Nhưng rồi các nhà quản lý đã có cái nhìn “cấp tiến”, cho phép phát triển hàng loạt dịch vụ mới trên nền tảng Internet. Kết quả là dịch vụ bưu chính viễn thông luôn nằm trong nhóm giảm giá trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính chỉ số giá cả tiêu dùng.

Giờ đây, chỉ có một hệ thống luật lệ được thiết kế hợp lý, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch mới có thể mở cửa cho những người chơi mới, cách chơi mới như Grab, FastGo, Be, Vietgo... tham gia hiệu quả hơn vào thị trường vận tải, đồng thời thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của các hãng taxi truyền thống.

Tin cùng chuyên mục