
Theo khảo sát và dự báo của Khu Đường sông (thuộc Sở GTCC TPHCM) hiện có 47 điểm thuộc các quận Bình Thạnh, Nhà Bè, quận 9 … có nguy cơ sạt lở hàng trăm căn nhà. 2 căn nhà gần cầu Phước Long (ấp 1 xã Phước Kiển huyện Nhà Bè) sụp lở xuống sông vào sáng ngày 26-5 vừa qua là một bằng chứng.
Chính quyền TP đã nhiều lần yêu cầu các quận huyện dời các hộ này ra khỏi vùng sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của dân, nhưng việc thực hiện vẫn hết sức chậm chạp!
Mất nhà, dân chưa biết đi đâu
Chúng tôi đến khu vực cầu Kinh phường 26 quận Bình Thạnh -nơi 4 căn nhà bị sụp xuống sông Thanh Đa hồi tháng 8 năm ngoái - những hộ bị sạt lở hiện tá túc tạm bợ dọc theo chân và gầm cầu. 16 hộ khác vốn ở tại khu vực báo động “đỏ”, sau 2 tháng lánh nạn, nay quay về dùng cừ tràm chống sạt lở một cách tạm bợ để… tiếp tục ở.

7 hộ tại cầu Phước Long đang có nguy cơ sụp xuống sông Phước Kiểng huyện Nhà Bè.
Ông Đoàn Văn Tú ở số 807/6 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26 Bình Thạnh) rầu rĩ, nói: “Phường đưa tiền mướn nhà khác ở tạm, thậm chí ai không đi sẽ bị phường ra quyết định phạt hành chính, thế nhưng mướn nhà được 2 tháng thì phường cắt các khoản tiền”. Hết tiền thuê nhà, họ chẳng biết đi đâu nên đã quay về chỗ cũ ở tiếp.
Bà Đoàn Thị Hường ở nhà cạnh bên cho biết, “những lúc mưa to, nước sông cuồn cuộn, sợ bị lở đất, bà con phải kéo nhau ra đường đứng, chờ êm êm mới vào nhà”. Bên bờ cầu Kinh, Khu Đường sông gắn bảng cảnh báo “Nguy cơ sạt lở cao” nhưng vẫn còn hàng trăm căn nhà đứng chênh vênh bên con nước chảy xiết. Hàng ngàn con người chưa thể rời vùng sạt lở với lý do “chưa biết đi đâu”.
Không chỉ bán đảo Thanh Đa, tại cầu Phước Long (xã Phước Kiểng huyện Nhà Bè), ông Nguyễn Văn Nhiều - chủ nhà số 118B ấp 4 bị sập ngày 26-5 vừa qua - đang dựng tạm một căn lều bên dưới gầm cầu để ở. Ông nói giọng buồn bã: “Bị giải tỏa nhà ở quận 4, gom được ít tiền về Nhà Bè mua được căn nhà nhưng ở chưa được 2 năm thì nhà trôi tuột xuống sông. Giờ coi như trắng tay…!”.
Di dời : Chờ !
Tình trạng sạt lở, theo ông Tạ Vĩnh Ảnh, Phó Giám đốc Khu Đường sông, một số nguyên nhân: nhiều cây xanh chắn sóng và giữ đất bờ tự nhiên bị đốn phá; tàu, thuyền qua lại tạo sóng, hố xoáy cục bộ tại các chân cầu; nền đất yếu không chịu được dòng chảy có lưu tốc lớn và sóng lớn. Khu đã có văn bản gởi các quận, huyện đề nghị di dời các hộ ở gần các khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng công tác triển khai quá chậm do quận huyện chưa tìm được chỗ tái định cư.
Ông Đinh Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn TP thống kê số hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện để lập dự án di dời. Ước tính số này có 334 hộ phải được di dời.
Năm ngoái, UBND TP đã chỉ đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư cân đối, trình TP xét duyệt vốn năm 2004 cho huyện để thực hiện việc di dời các hộ dân. Nhưng đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” vì lý do: Sở Kế hoạch-Đầu tư chưa ghi vốn! Còn ở phường 26 quận Bình Thạnh, “105 hộ tại khu vực cầu Kinh phải di dời, nhưng nơi di dời thì không có”, ông Nguyễn Văn Tiên, Chủ tịch UBND phường cho biết.
Ông Tần Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, phân bua: “Quỹ nhà, đất của quận không có nên chưa thể lo cho hàng trăm hộ này. Quận đã có văn bản kiến nghị TP hỗ trợ chỗ tái định cư cho dân…”.
Di dời dân đi đâu, câu trả lời vẫn còn bỏ lửng…
TRẦN THANH
Những địa điểm dự báo có nguy cơ sạt lở cao |