
Tuần qua, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Doãn Thọ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son, các cảng và Nhà máy đóng tàu Ba Son-những đơn vị phải di dời ra khỏi nội thành TPHCM trước 2010, đã họp kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác di dời.
Khởi động tích cực

Bốc xếp hàng ở cảng Sài Gòn. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Báo cáo của các cảng và Nhà máy đóng tàu Ba Son đều cho thấy, đã có những khởi động di dời khá tốt. Cảng Sài Gòn, đơn vị có khối lượng di dời lớn nhất với 2 khu phải đi là cảng Nhà Rồng và cảng Khánh Hội, đã khởi công xây dựng được một số cảng mới ở khu vực được yêu cầu di dời tới là Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tới, cán bộ Tổ công tác di dời của cảng Sài Gòn, đơn vị liên doanh giữa cảng Sài Gòn và một đối tác Singapore ở Cái Mép-Thị Vải đang có tiến độ xây dựng cảng khá tốt và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2009.
Một cảng khác liên doanh giữa cảng Sài Gòn với một đối tác Đan Mạch và một đối tác Mỹ cũng ở Cái Mép-Thị Vải, dù triển khai sau nhưng khoảng giữa năm 2010 cũng sẽ xong.
Còn ở Hiệp Phước - một địa chỉ khác mà cảng Sài Gòn sẽ di dời một phần, cũng được chuẩn bị tốt. Công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đã thực hiện được hơn 98%, dự kiến trong năm nay sẽ dứt điểm được công tác này.
Nhà máy đóng tàu Ba Son với địa điểm được chỉ định tới là Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã giải phóng xong khu đất được giao rộng 94,5ha. Thậm chí Nhà máy đóng tàu Ba Son đã lập xong dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về việc xây dựng Nhà máy Ba Son ở vị trí mới, lãnh đạo nhà máy đã đàm phán và ký hợp đồng tư vấn một phần công việc với nhà thầu nước ngoài. Hiện các nhà thầu đã thực hiện xong báo cáo giữa kỳ. Cảng Tân Thuận Đông thuộc phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM cũng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2010 như cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son. Tuy nhiên, cảng Tân Thuận Đông lại không được “đầu xuôi đuôi lọt” như 2 đơn vị trên.
Theo quy hoạch di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông sẽ di dời ra Cát Lái, quận 2 TPHCM. Tuy nhiên, khu đất này đã được giao cho một đơn vị khác. Do vậy, mãi đến khoảng giữa tháng 6-2008 cảng Tân Thuận Đông mới có được kế hoạch di dời ra một khu đất mới trên sông Soài Rạp thuộc Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Hiện nay cảng Tân Thuận Đông đang thực hiện các thủ tục cần thiết để có thể di dời ra đây.
Cùng di dời ra khỏi nội thành TPHCM trước 2010, đến nay chỉ có Tân Cảng đã cơ bản hoàn thành công tác di dời ra Cát Lái. Cát Lái và Tân Cảng với lợi thế của người đi trước đã trở thành nhà khai thác cảng container lớn nhất Việt Nam với sản lượng container thông qua đạt khoảng 64% sản lượng container khu vực TPHCM, đạt 40% sản lượng container của cả nước.
Hiện nay Tân Cảng đang triển khai xây dựng cảng container Cái Mép Thượng (giai đoạn 1 và 2) với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.
Chưa gút được
Không khí di dời chộn rộn là thế, song thực ra mới chỉ có Tân Cảng là có khả năng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ di dời trước 2010 như kế hoạch đề ra. Các đơn vị còn lại đang gặp nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là vốn cho di dời.
Cảng Sài Gòn cho biết, tổng mức đầu tư cho 2 giai đoạn xây cảng ở Hiệp Phước là khoảng 6.700 tỷ đồng. Cảng Sài Gòn cùng với các liên doanh đã cố gắng tiếp xúc với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm nguồn tài trợ, nhưng chưa tìm được vì nguồn vốn quá lớn.
Nhà máy đóng tàu Ba Son khẳng định, đơn vị cần vốn để xây dựng nhà máy ở vị trí mới. Ngay cả Tân Cảng - nhà khai thác cảng container lớn nhất nước cũng nói: đơn vị rất cần tiền để đầu tư trang thiết bị cho dự án cảng container Cái Mép Thượng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc dự án của Công ty cổ phần Tư vấn cảng-kỹ thuật biển (Port Coast) - đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn, điều mà các đơn vị mong muốn là được chuyển đổi công năng các khu đất cảng và nhà máy hiện hữu trong nội thành để tạo vốn phục vụ công tác di dời.
Tuy nhiên, cái khó là việc chuyển đổi công năng phải phù hợp với quy hoạch khu vực trung tâm của TPHCM mà quy hoạch này lại mới chỉ dừng lại ở giai đoạn hoàn thành ý tưởng. TPHCM còn đang chờ Nikken Sekkei, đơn vị đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng thiết kế khu trung tâm TPHCM, triển khai quy hoạch.
Cũng theo Port Coast, các cảng và Nhà máy đóng tàu Ba Son cũng có một đề nghị thêm, đó là trong khi chờ được chuyển đổi công năng các khu đất, Nhà nước có thể chỉ định một ngân hàng ứng tiền trước cho các đơn vị này vay. Có kinh phí thì các cảng và Nhà máy đóng tàu Ba Son mới có khả năng di dời kịp tiến độ đề ra.
Thế nhưng, với giải pháp này cũng chưa phải hết khó vì ngân hàng cũng cần phải biết mức độ được chuyển đổi công năng của các khu đất trước khi có kế hoạch cho các cảng và Nhà máy đóng tàu Ba Son vay tiền. Tất cả những bất cập này đã làm cho công tác dời cảng chưa gút lại được.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã thống nhất nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực Nhà máy Ba Son và đang trình UBND TPHCM xem xét. Theo nhiệm vụ này, nơi đây sẽ được xây dựng cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và phải giữ lại một phần để tạo cảnh quan và giữ mảng xanh dọc sông Sài Gòn. Tuy nhiên, mức độ xây dựng như thế nào thì còn phải cân nhắc vì đây là khu vực trung tâm thành phố. Cảnh quan nơi đây không chỉ ảnh hưởng đến trung tâm hiện hữu mà còn ảnh hưởng đến đô thị mới Thủ Thiêm. Hiện nay TPHCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch khu trung tâm để tạo điều kiện tạo vốn cho các cảng và Nhà máy đóng tàu Ba Son. Ông Trần Chí Dũng, Quyền Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, sở đang khẩn trương triển khai công tác này. |
NGUYỄN KHOA