Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất xen cài trong các khu dân cư trong nội thành, năm 2012, UBND TPHCM đã phê duyệt “Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận”. Theo đó, tổng số địa điểm sản xuất gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời, chuyển đổi ngành nghề, ngưng sản xuất hoặc ngưng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm là 1.402. Thế nhưng, số doanh nghiệp tái ô nhiễm vẫn còn rất nhiều.
Chất thải để lung tung ở một cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Đến nay, trong số 1.402 doanh nghiệp, chủ yếu các cơ sở hoạt động ngành nghề ô nhiễm nặng như nhuộm, xeo giấy, cồn, cao su… nằm trong danh sách phải di dời năm 2012, chỉ còn 6/1.402 đơn vị chưa triển khai di dời. Nguyên nhân là do chưa tìm được khu vực quy hoạch phù hợp theo ngành nghề (2 cơ sở đóng tàu, 2 cơ sở dệt nhuộm, 1 cơ sở nước mắm, 1 cơ sở xeo giấy). Thế nhưng, bên cạnh những việc tích cực mà chương trình di dời này mang lại thì cũng tạo ra những bất cập do thành phố chưa làm tốt công tác quy hoạch, chưa xây dựng đảm bảo hạ tầng để tiếp nhận các cơ sở di dời. Điều này dẫn đến hệ quả, hình thành một số cụm công nghiệp tự phát gây ô nhiễm môi trường như cụm sản xuất khu phố 4, 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12; cụm nhuộm, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân; dọc kênh An Hạ thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Để giải quyết vấn đề trên cần phải có giải pháp căn cơ và lộ trình thực hiện. Theo đó, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ xen cài khu dân cư. Cần thiết cho phép áp dụng hình thức xử phạt nóng trong một số hành vi vi phạm môi trường như niêm phong công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ sản xuất, buộc di dời đối với cơ sở tái phạm nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng đối với những doanh nghiệp đang được xác định sản xuất gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sẽ thực hiện phân loại và lập danh mục. Kế đến, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện xây dựng quy trình, biểu mẫu thống kê, xác định cơ sở nhà đất không phù hợp quy hoạch và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng, kiến nghị cơ chế chính sách tài chính đối với các cơ sở di dời; xác định địa điểm tiếp nhận và lộ trình di dời cho các cơ sở kết hợp kiến nghị một số cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng phải tiếp nhận các ngành nghề ô nhiễm buộc di dời. Trước mắt, đã xác định 41 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó có 18 cơ sở thuộc Bình Chánh, Củ Chi, quận 12 sẽ phải di dời trong đợt đầu.
Về giải pháp vĩ mô, UBND TP cần thiết áp dụng thực hiện quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải để kiểm soát các nguồn xả thải đúng quy định và từng bước nâng cao chất lượng xả thải. Đồng thời, hạn chế cấp phép mới cho ngành nghề nhạy cảm với môi trường hoặc đầu tư trong khu dân cư. Với những nguồn thải lớn tập trung hệ thống xử lý khu chế xuất, khu công nghiệp, cần bắt buộc triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các cửa xả nước thải, có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý. Có thể nói, nếu kết hợp đồng bộ các giải pháp trên thì chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu ngăn chặn, không làm ô nhiễm môi trường bao gồm ô nhiễm nước mặt, không khí, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại. Đồng thời, khắc phục ô nhiễm và khôi phục môi trường những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, từng bước cải thiện chất lượng môi trường ngày càng tốt hơn mới có thể đạt được những hiệu quả nhất định.
ÁI VÂN