Đi dưới sông Sài Gòn

TPHCM như một chốt quan trọng trên trục đường xuyên Việt. Nó nối miền Tây đầy lúa, thủy sản với miền Đông công nghiệp, tạo thành đầu mối xuất khẩu quan trọng. Thế nhưng đến nay, hai đầu Đông Tây mới được thông suốt. Hòn ngọc Viễn Đông - danh hiệu được mệnh danh một thời, đang từng ngày bừng sáng.
Đi dưới sông Sài Gòn

TPHCM như một chốt quan trọng trên trục đường xuyên Việt. Nó nối miền Tây đầy lúa, thủy sản với miền Đông công nghiệp, tạo thành đầu mối xuất khẩu quan trọng. Thế nhưng đến nay, hai đầu Đông Tây mới được thông suốt. Hòn ngọc Viễn Đông - danh hiệu được mệnh danh một thời, đang từng ngày bừng sáng.

Giấc mơ một thập kỷ

Tám năm trước dọc bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé không ai dám mơ mai này sẽ có một đại lộ chạy xuyên trung tâm TP chui xuống lòng sông như ngày nay. Thế mà giờ đây đứng trên cầu vượt An Lạc thả tầm mắt nhìn xuống, những làn đường đại lộ Võ Văn Kiệt trông đẹp như dải lụa buông mềm trong gió trời lồng lộng. Mặt đường phẳng lì, vạch sơn uốn lượn qua hàng chục cây cầu vượt... Hai bên đường, những hàng cây đang đâm chồi xanh mượt.

Dòng kênh đen đặc, hôi thối xưa giờ cũng đang dần trong xanh. Người dân TPHCM giờ đây có thể tự hào rằng TP mà mình đang sống có công trình giao thông hiện đại bậc nhất cả nước.
 
Đại lộ rộng mênh mang và lồng lộng gió. Chưa bao giờ nhà phố và đường gần đến thế. Những khu đất sẽ giũ bỏ cảnh sình lầy, lụp xụp để trở thành những tòa cao ốc, từng ngày vươn mình mọc lên tạo thêm vẻ hiện đại, điểm nhấn cho đại lộ này. Và trên tất cả, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng cao hơn… Đấy là cảm nhận chung của hầu hết những ai đã ngao du trên cung đường này.

Bác Huỳnh Thanh Mẫn, nhà ở bến Chương Dương, quận 1, người chứng kiến và theo dõi từ những ngày mới khảo sát dự án cho đến nay, trầm trồ: “12 năm về trước, kênh Tàu Hủ tấp nập trên bến dưới thuyền nhưng dơ bẩn lắm, người người chen nhau trong những căn nhà ổ chuột lấn ra gần giữa bờ kênh. Ngày cũng như đêm không khi nào mà không nghe choảng nhau. Phức tạp lắm! Ngót nghét gần 10 năm, nay con đường đã hoàn thành lại có hầm chui qua sông. Không chỉ là ước mơ của người dân nơi đây mà còn mơ ước chung của người dân TP”.
 
Kết nối giao thông, tạo đà phát triển
 
TPHCM như một chốt quan trọng trên trục đường xuyên Việt. Nó nối miền Tây đầy lúa, thủy sản với miền Đông công nghiệp, tạo thành đầu mối xuất khẩu quan trọng. Thế nhưng từ thời được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông đến nay, những con thoi kinh tế từ hai đầu Đông Tây vẫn thường kẹt nhau giữa lòng thành phố. Giải pháp hiện đại hóa đại lộ Đông Tây tháo gỡ được khó khăn này, mang lại nét hiện đại, công nghiệp không chỉ trong quy hoạch mà còn đóng góp lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Đại lộ Đông Tây chạy dọc theo bến Hàm Tử, một bên là kênh Tàu Hủ. Thời Pháp con đường này có tên là Route Basse (đường Thấp) sau đổi là Bến Chợ Quán. Năm 1952 đổi tên là Bến Ngô Quyền, năm 1955 đổi thành Bến Hàm Tử. Trong những năm tháng ấy, nó chỉ là một con đường nhỏ, chạy ngoằn ngoèo với dòng kênh ô nhiễm, với những nhà tạm trên kênh, nơi sinh sống của những người lao động nghèo.
 
Sau nhiều năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng, ngày 31-1-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn nút khởi công xây dựng dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt). Trong đó, hạng mục xây dựng hầm Thủ Thiêm là công đoạn phức tạp và khó khăn nhất của dự án này.

Hầm sông Sài Gòn nối quận 1 và quận 2.Ảnh: Thái Bằng

Hầm sông Sài Gòn nối quận 1 và quận 2.Ảnh: Thái Bằng

Hầm Thủ Thiêm (nay là hầm sông Sài Gòn) hạng mục cuối cùng đồng thời là hạng mục quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây. Đây là đường hầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á, có công nghệ xây dựng hiện đại và phức tạp nhất hiện nay. Kỹ sư Nguyễn Đỗ - người trực tiếp tham gia đúc các đốt hầm nói, đây là một công trình rất mới mẻ đối với các kỹ sư trẻ của VN, nhất là công nghệ dìm hầm dưới nước.
 
Đường Võ Văn Kiệt đưa vào sử dụng, các phương tiện sẽ không lưu thông qua khu vực nội thành vốn đã quá tải, nhờ vậy giảm ách tắc giao thông cho các trục đường xung quanh khu vực phía Nam nội thành, đáp ứng nhu cầu lưu thông cho các cảng ở TPHCM đi về phía Đông Bắc, Tây Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tạo cảnh quan và cải tạo môi trường dọc theo tuyến đường ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Tạo tuyến giao thông mới nối trung tâm thành phố với khu Thủ Thiêm để phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2 cũng như các khu đô thị mới dọc theo tuyến đường.

Một sắc mới của cuộc sống đang bừng lên, làm thay đổi từng ngày bộ mặt thành phố từ ngày đại lộ này đưa vào vận hành.

QUỐC HÙNG

Dự án có đến 24 cầu các loại và hầm vượt sông Sài Gòn. Toàn bộ hầm dài 1.490m, bao gồm 371m hầm dìm, phần còn lại là đường dẫn. Hầm dìm gồm 4 đốt, mỗi đốt dài 98m, rộng 33,3m, cao 9m, dày 1 - 1,2m bằng bê tông cốt thép. 

Tin cùng chuyên mục