Đi làm “eo -bum”

Đi làm “eo -bum”

Những năm gần đây, ở TPHCM,  các studio không chuyên mọc lên như nấm. Đa phần thượng đế đến phòng thu nghiệp dư đều là những bạn trẻ với mong muốn trở thành y chang... thần tượng. Có không ít chuyện “cười ra nước mắt” diễn ra hàng ngày tại khắp các phòng thu...

  • Tranh nhau làm ca sĩ

V. bĩu môi cự nự: “Giọng của em như thế này mà anh không chỉnh cho giống giọng Mỹ Tâm được sao…?”.

Đi làm “eo -bum” ảnh 1

Nhân viên Mix nhạc tại phòng thu. Ảnh: V.D.

Anh H. (Phòng thu T. ở quận 3) thì thầm với tôi: “Hát giọng nam mà đòi chỉnh giống giọng Mỹ Tâm, tôi không biết phải làm sao để chỉnh nữa?”. Chỉ cần vài ngày lân la tại các phòng thu (studio) nghiệp dư, nhất định bạn sẽ chứng kiến rất nhiều chuyện “cười ra nước mắt”. Đa phần những thượng đế đến các phòng thu nghiệp dư đều là những bạn trẻ mang tư tưởng: “Thằng B. hát dở như vậy mà còn có eo-bum (album) riêng, giọng em hay hơn nó nhiều chẳng lẽ không “lên đĩa” được sao?”. Từ xu hướng này mà hàng loạt phòng thu nghiệp dư ra đời khắp TPHCM.

Có dịp trò chuyện với các nhân viên chỉnh nhạc mới “thấm” hết những khó khăn của “công nghệ lăng xê” này. “Thật khó làm vừa lòng các thượng đế khi có những người hát “giọng lai”, vừa giống Siu Black vừa giống Thanh Lam, đầu câu họ hát rất rock nhưng đến cuối câu họ lại cố tình luyến láy, nghe rất chói tai. Vậy mà mình góp ý, yêu cầu sửa, họ đâu chịu nghe, cứ nhất định đòi làm “Thanh Lam”, chẳng biết phải làm sao”, H. than.

Thật ra, việc thực hiện một album khá đơn giản, có người làm một album chỉ trong vòng không đầy... 2 tiếng đồng hồ. Họ vào phòng thu sau khi đã chọn xong những bài hát tâm đắc, lấy giọng rồi hát như máy một loạt… mười mấy bài mà chẳng cần chỉnh sửa, dưỡng giọng hay nghỉ lấy hơi gì cả, trong khi ca sĩ chuyên nghiệp muốn hoàn tất một album cũng phải mất vài tháng. Dĩ nhiên không chỉnh sửa, không sử dụng kỹ thuật thì thật khó có được một album tàm tạm, thế nhưng có một số trường hợp hát xong và đã được cắt nối chỉnh sửa rất nhiều lần nhưng cũng “lớn hổng nổi”. Nhân viên T. (studio M., quận 1) kể: “Có người hát dở đến mức không thể chỉnh sửa chứ đừng nói đến chuyện mix nhạc, đành phải thuyết phục họ đừng mơ thành “ca sĩ” nữa”.

Thời buổi hiện đại, công nghệ phát triển, những phần mềm hỗ trợ giọng hát có thể giúp giọng mạnh hơn, dày hơn, vang hơn, nhưng cũng có những lỗi mà kỹ thuật không thể che giấu được. Được anh T. cho nghe thử một số CD của vài “ca sĩ”, tôi không khỏi bật cười vì những lỗi khó ngờ. Chẳng hạn, “ca sĩ” H.Y trình bày bài Sao em nỡ vội lấy chồng như sau: “… bướm vàng, đã đậu chái mù u gồi lấy chồng sớm làm gì để lời gu, thiêm buồn. Gu em thời con gái…”.

Bìa album của N. được chụp và thiết kế giống y bìa một CD chuyên nghiệp, vậy mà khi nghe qua đĩa của cô, tôi đã không thể ngăn được... stress.

  • Công nghệ “lên đĩa”
Đi làm “eo -bum” ảnh 2

Tác giả đang tập làm “ca sĩ”. Ảnh: V.D.

“Phóng lao thì phải theo lao”, dù hát không hay, tôi cũng quyết định thực hiện một “eo-bum” riêng tại một phòng thu trên đường C.T. Tiếp tôi là một phụ nữ khá duyên dáng, chị tươi cười hỏi: “Cưng đến làm eo-bum phải không? Studio của chị giá chỉ 90.000 đ/g nhưng khi thu xong cưng phải gửi thêm 100.000 đồng tiền mix đĩa, bảo đảm là giọng cưng sẽ y như ca sĩ chuyên nghiệp” rồi chị khen tôi có chất giọng hay (mặc dù chưa hề nghe tôi hát!) lại… có dáng!? Sau đó, chị đưa tôi mấy quyển album danh sách các bài hát để chọn.

Cuối cùng, tôi chọn 5 bài hát “tủ” rồi bước vào phòng thu có lót mousse cách âm cùng các loại máy móc để chật cả phòng. Anh H. người trực tiếp thu đĩa cho tôi, trông rất Hip-Hop. Nhìn clip bài tôi chọn sẵn, anh cười hỏi thẳng: “Em muốn thu kiểu nào? 2 tiếng 5 bài hay thu kỹ”. Tôi chưa kịp trả lời, anh đã giục: “Thôi, em vào phòng thử giọng đi”.

Vào phòng kín dành cho “ca sĩ”, tôi hát thử một đoạn bài Tình mẹ, hát xong anh H. ra dấu kêu tôi ra khỏi phòng, nói: “Giọng em khá đó, nếu cố gắng luyến thêm phần kết nữa thì rất tuyệt. Với lại câu mở đầu như vậy là hay rồi nhưng cần phải ngọt thêm chút nữa”. Bài đầu tiên thu xong thì bắt đầu giai đoạn chỉnh sửa. Từng câu, từng chữ một được tôi hát lại, rồi lồng ghép… đủ thứ công đoạn rắc rối. Có những chỗ quá cao, tôi phải hát đi hát lại rất nhiều lần cho đến khi hoàn thiện. Trầy trật suốt mấy buổi tôi mới hoàn tất xong 5 bài hát của mình.

Sau đó đến giai đoạn làm bìa, mix nhạc, ra đĩa, sang đĩa. Mỗi giai đoạn đều phát sinh lắm chi phí. Tính ra tôi mất tổng cộng 700.000 đồng. Vì vậy, khi nghe lời mời: “Lần sau nhớ ghé lại tiệm chị nha cưng, có bạn thì giới thiệu đến đây cho chị”, tôi nghĩ thầm: “Trời! Một lần làm ca sĩ chưa đủ khổ sao mà còn quay lại…”.

Hiện nay, để đầu tư một phòng thu tạm gọi là hiện đại, bạn phải có trung bình từ 60 đến 90 triệu đồng. Một phòng thu được xem là chuyên nghiệp phải có những thiết bị cơ bản như micrô chuyên dụng, đầu VCD, DVD, đầu karaoke, máy vi tính, mixer (bàn trộn tiếng), phone, loa chuyên dụng, amply, card âm thanh, máy tạo độ vang, độ lập và nén tiếng… Và mỗi phòng thu đa phần đều kinh doanh thêm lĩnh vực chụp hình, thiết kế đĩa CD với kỹ thuật photoshop hiện đại.

Thêm vào đó, với nhiều mức giá khác nhau, khách hàng có thể lựa chọn những phòng thu phù hợp với túi tiền của mình. Có phòng thu giá chỉ 100.000 đ/g nhưng cũng có phòng thu lên đến 220.000 đ/g. Đó là tiền thu đĩa, ngoài ra còn có những phát sinh khác như tiền mix đĩa. Công việc mix đĩa cũng được phân ra nhiều loại giá khác nhau tùy theo chỗ. Mix thường chỉ 100.000 đồng 1 đĩa, mix đặc biệt cho “giống ca sĩ” bạn phải trả 120.000 đồng cho một bài hát.

Để giống ca sĩ hơn nữa, việc chụp hình làm bìa đĩa cũng không kém phần quan trọn và một lần chụp không dưới 200.000 đồng. Khi đĩa đã thu xong, nếu ưng ý thì không có gì để nói, “tốn bao nhiêu cũng được”. Nếu quá dở, có người đã không chịu được “sự thật phũ phàng”, trở lại phòng thu để làm khó, làm dễ những người đã hứa hẹn biến mình thành ca sĩ!

Vương Trân

Tin cùng chuyên mục