1. Trong mười lăm năm trở lại đây, chưa có năm nào tình hình thế giới biến động, nhiều khó khăn, bất trắc, trong đó đối với những người di chuyển xa phải chịu thêm nỗi lo sợ mơ hồ về sự sống - chết luôn rình rập trên chặng đường bay, trên các tuyến điểm trong thời điểm tranh chấp lãnh thổ - lãnh hải, hoặc thậm chí ngay cả trung tâm Paris hoa lệ nổi tiếng thanh bình cũng rơi vào vòng nguy biến vì nạn khủng bố mang tính tôn giáo… Nhưng khá bất ngờ, theo thống kê mới nhất của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đã có hơn 1,1 tỷ lượt du khách đi du lịch trong năm 2014. Con số kỷ lục từ ngàn đời nay, nếu nhà du hành cổ xưa và nổi tiếng nhất thế giới Marco Polo sống lại cũng không thể hình dung thế hệ đời sau đã xem “thú đi” trở thành niềm vui sống trong tế bào huyết quản của từng người.
1,1 tỷ chỉ tính lượt du khách - những người đi theo tour, đăng ký theo hành trình nhất định. Nếu tính cả lữ khách - những người tự đi theo hành trình của riêng họ, con số này sẽ cao hơn nhiều.
Tác giả và người dân bản địa tại vùng Tây Bắc
Người ta có thể không đam mê danh vọng, tiền bạc, sắc dục, không thích đàn-ca-sáo-nhị, chém gió chuyện triều chính, nhưng chẳng ai đang tâm từ bỏ quyền đi, hạnh phúc đi, kể các các bậc thánh nhân, chính khách, tu sĩ... Vì, đi, xét ở cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, là cách tốt nhất dung nạp nguồn năng lượng mới và xả bớt ứ đọng tù túng trong từng tế bào. Đi, còn là con đường ngắn nhất nối dài cho trái tim đang ngày càng khô cằn, ích kỷ. Chỉ có đi ra ngoài ngôi nhà nhỏ, con đường nhỏ thì mới có khả năng tiếp nhận cho riêng mình tình yêu thương lớn hơn, sự vị tha cao hơn, suy nghĩ và hành động nhân văn hơn. Dĩ nhiên, nguồn tri thức thu hoạch cũng sẽ nhiều, đầy đặn hơn.
1,1 tỷ lượt du khách năm 2014 đã là người hạnh phúc! Họ sẽ tiếp tục sưu tập cho mình những hạnh phúc mới, chắc chắn như thế. Đã một lần đi, cho dù chuyến đi còn nhiều dang dở, bão táp phong ba, ngàn cân treo sợi tóc, thì đi vẫn là một phương trình mang nhiều hấp lực. Mà chẳng nhất thiết phải nhọc công mệt sức giải mã phía sau ấy là gì, vì phương trình ấy đã vô nghiệm!
Sẽ có một ngày, chúng ta tiếc nuối vì quá khứ và hiện tại đã bỏ lại phía sau lưng quá nhiều cơ hội được đi bằng chính đôi chân còn khỏe khoắn và trái tim còn nóng bỏng của mình qua bao cung đường xa gần.
Đời người hữu hạn. Có thể chết vì thiếu tiền tài danh vọng, trong đói nghèo bệnh tật, hoặc vì lý do tào lao lãng xẹt, nhưng tốt nhất không nên “đi về thế giới bên kia” khi vẫn còn thiếu trải nghiệm những chuyến đi gió bụi mịt mù trong thế giới ta bà hiện hữu.
Ai bảo lữ khách, kẻ viễn xứ chỉ là sự buồn bã, u sầu và cô đơn? Không, đó chỉ là sáo ngữ của thời văn nghệ nặng mùi tán tỉnh gái làng! Họ - trong đó có chúng ta, luôn có niềm khoái cảm, rung cảm và sướng cảm của riêng mình!
2. Hạnh phúc của tất cả mọi người khi sở hữu, xác lập được nhiều chuyến đi khám phá ngoại cảnh, và có một ngôi nhà ấm áp nội cảnh quay về. Trong ma trận phức tạp, tù túng chuỗi ngày tồn tại, các chuyến đi chẳng khác liều thuốc bồi bổ cơ thể rệu rã qua tháng năm, xua tan niềm cô đơn luôn thường trực; có khi, chuyến đi đóng vai trò vòng tay ấm áp của người mẹ; có lúc, như nỗi khao khát cháy bỏng nụ hôn thơm ngát người tình.
Người ta không ai chết vì thiếu đi, nhưng chẳng ai hạnh phúc nếu có điều kiện vật chất và thời gian mà đôi chân phải quẩn quanh trong góc sân chái bếp, trong khi sức khỏe luôn tỷ lệ thuận với quỹ thời gian ngắn ngủi
đời người.
Người có suy nghĩ chín chắn thường không khoe tiền của, quyền lực, các mối quan hệ xã hội, sự thành đạt. chẳng ai thích nhìn cách người khác khoe khoang điều này. Nhưng đa phần đều muốn khoe chiến tích đi. Cũng ít người ganh ghét người khác vì họ được đi. Nhiều người chia vui và chúc mừng trải nghiệm đường gần và cung đường xa của người thân, bạn bè. Đi được, đồng nghĩa người thân và bạn bè của ta đang trong tình trạng sức khỏe tốt và lạc quan; tất nhiên, cả yếu tố có chút ít điều kiện kinh tế (trừ trường hợp người đi hoạt động trong ngành du lịch, đi, với họ là nghề kiếm sống).
Ảnh: TIẾN ĐẠT
Người đi nhiều, hạnh phúc trải nghiệm nhiều, nhưng họ cũng sẽ phải nhận nỗi cô đơn nhiều hơn người chưa có điều kiện đi. Vì, bên cạnh sự mở mang nhãn quan tiếp đón cái đẹp, cái thiện, tiếp cận nhiều nền tri thức, văn hóa bản địa khác nhau, cùng lúc phải chấp nhận sự hữu hạn của không gian, thời gian, đón nhận sự bất lực của chính bản thân trước cái ác luôn hiện hữu khắp mọi nơi, và tất nhiên, phải tiếp nhận tất cả những phi lý khác trong chốn ta bà. Ngoài ra, đi nhiều, cũng đồng nghĩa rủi ro cao khi tiệm cận với tích tắc sống-chết cận kề. Xã hội thời nào cũng có xung đột và bất trắc.
Luôn có luật bù trừ, luôn có sự công bằng từ hạnh phúc và mất mát từ các chuyến đi, từ người đi nhiều và người ít đi. Nên, ta chẳng có gì buồn khi ta chưa có điều kiện đi, và cũng chẳng có gì quá vui khi ta đã đi qua quá nhiều nơi chốn từ thiên đường cho đến hoang vu.
Nhưng, cho dù những chuyến đi phía trước còn chứa rủi ro, bất trắc, thì đi vẫn tốt hơn nhiều so với việc chấp nhận ngồi một chỗ mà nghĩ đến chuyến đi không mang lại sức quyến rũ, hoặc không vui trước hạnh phúc trải nghiệm của người khác.
3. Du ký là thể loại văn học chiếm vị trí nhất định và hấp dẫn độc giả trong văn hóa đọc mang tính toàn cầu, chứ không riêng gì ở nước ta. Vì thông qua những trang viết trải nghiệm chuyến đi, người viết (nhà văn) tuy chuyển tải những ý nghĩ, chia sẻ mang tính chủ quan cá nhân nhưng đã “nói hộ, đi giúp” độc giả thông qua các cung đường, các nền văn minh, văn hóa, lịch sử, sự bí ẩn của thiên nhiên đất trời…
Ảnh: HỮU ĐỨC
4. Đi khắp chân trời góc biển là niềm cảm khoái, nhưng được “đi” trên chính quê hương xứ sở là chuyến đi trọn vẹn và ý nghĩa nhất! Cách đây gần trăm năm, nhà văn Phạm Quỳnh - một trong những cây bút chủ lực thể tài du ký hấp dẫn độc giả trên tạp chí Nam Phong (giai đoạn 1917-1934) đã bộc bạch trong bài “Một tháng ở Nam Kỳ”: Huống chi tuy khác xứ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương.
Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế về du lịch nhất trong khối ASEAN. Nên, chẳng có lý do gì chúng ta bỏ quên chính vẻ đẹp, sự diễm ảo, quyến rũ từ hơi thở đất Mẹ, ngay trên chính đôi chân du khách/lữ khách đầy đam mê lang bạt của mình.
Sài Gòn 1-2015
Tiến Đạt