Đi ngắm chim trời

Đi ngắm chim trời

Giữa trời mưa gió não nề, trong chốn thâm u của núi rừng Cúc Phương, một nhóm nam thanh, nữ tú xúm xít ghé mắt vào ống nhòm, rồi xuýt xoa, bình phẩm một cách hào hứng, mặc mưa trút, gió gào... Cảnh tượng lạ lùng ấy khiến kẻ ham vui là tôi năn nỉ để được bám gót họ...

  • Hành trình săn tìm “bóng chim, tăm cá”
Đi ngắm chim trời ảnh 1

Cò thìa - xếp hạng nguy cấp trên toàn cầu - được CLB ghi nhận trong chuyến thực địa tại VQG Xuân Thủy, Nam Định.

Cửa ải đầu tiên mà tôi phải vượt qua trước khi nhập đoàn đi ngắm chim trời là học sử dụng thành thạo ống nhòm cá nhân. Sau đó là làm quen được với cách chia góc thấu kính ống nhòm theo kiểu xem đồng hồ, tiếp đến mới là công đoạn phản ứng nhanh với cuốn cẩm nang dày cộp, chi chít hình ảnh và đặc ngôn từ chuyên môn... để nhận dạng các loài chim.

Rồi chuyện đi đứng nhẹ nhàng, nói cười khe khẽ... cũng được quán triệt để tránh làm chim sợ hay bị nhiễu. Tiếp đến là giai đoạn nan giải nhất: thờ chữ “nhẫn”. Ngay trong lần bird-watching (quan sát nhận dạng loài chim) đầu tiên, tôi đã thấm thía sự cơ khổ của hành trình săn tìm “bóng chim tăm cá”.

22 người xếp hàng một, âm thầm len lỏi trên thảm lá mục dày đặc những con đường mòn nhão nhẹt bùn đất của chốn đại ngàn. Phát hiện được tiếng chim, những chiếc ống nhòm cá nhân lập tức quét ra tứ phía để định dạng. Khi may mắn bắt được vị trí đậu của một cá thể chim, những chiếc telescope chuyên dụng bắt đầu hạ chân để lần lượt từng người được ngắm nghía đối tượng. Nói cho đầy đủ lệ bộ vậy thôi chứ đâu phải lúc nào chim chóc cũng đậu yên một chỗ cho mà ngắm. Lắm khi trầy vi tróc vẩy, những chiếc ống nhòm cá nhân mới xác định được tọa độ nhưng khi mắt thần telescope vừa yên vị thì cũng là lúc chim bắt đầu sải cánh.

Cả nhóm đành bấm bụng hùi hụi tiếc. Đọc được ánh mắt thất vọng nơi các thành viên mới lần đầu đi ngắm chim trời, trưởng đoàn Lê Mạnh Hùng an ủi bằng câu chuyện xương máu: “Có những chuyến cuốc bộ xuyên rừng cả ngày trời mà tôi cũng chỉ được đền đáp được bằng... một tiếng chim gù. Ngắm chim trong rừng mà cũng dễ dàng như lúc xem chim trong lồng thì đâu còn thú vị nữa”. 

Hai tiếng đồng trôi qua, cơn mưa rừng lại bất thần kéo đến. Những chiếc dù, những tấm áo mưa chỉ đủ sức chở che cho đồ nghề trị giá cả ngàn USD, ai nấy ướt như chuột lột. Nửa giờ sau, mưa tạnh, Hùng, Tú, Trung - những birder chuyên nghiệp ngửa mặt nhìn trời như thách thức, đồng thanh bật lên những tràng cười sảng khoái rồi khoát tay ra hiệu cho mọi người: “Ra bìa rừng đón chim thôi!”.

Quả đúng như vậy, sau cơn mưa, trời trong dần, chim chóc từ muôn nẻo bắt đầu túa ra rỉa lông rỉa cánh, vạch lá bắt sâu, hù gọi bạn tình. Và chúng tôi thỏa chí mà ngắm nghía và thả những dòng chữ nhảnh múa trên cuốn sổ tay. Cành cây khô trước mặt, góc 4h, ba mẹ con cắt nhỏ bụng trắng no mồi, đang thảnh thơi rỉa lông rỉa cánh; cành bổng cây trò chỉ bên trái, góc 7h, thầy chùa mày xám đang gõ mõ; bụi cây dại bên phải, góc 11h, chú choai chiền chiện đang ngấu nghiến một con sâu…

Kia nữa, chú tìm vịt tím bình thản đậu trên cành cây khô bên suối nước róc rách, thảnh thơi rỉa lông rỉa cánh để hong khô tấm áo choàng nâu pha những sợi khoang trắng vằn vện ở đầu và bụng; ba mẹ con cu xanh mỏ quặp (mắt xanh biếc, mỏ ngà, lông xanh, đuôi xanh thẫm) lích chích chuyền cành kiếm những trái đa chín, ních căng bụng; chú ưng Nhật Bản đang đậu giữa những cành cây khô, mắt sắc lạnh tinh quái quét khắp nơi, hễ định dạng được con mồi là xuất thần vút đi như tên bắn.

Rồi chích bông đuôi dài, chèo bẻo mỏ quạ, bông lau tai trắng, đớp ruồi nâu, rẻ quạt... lần lượt trình diện để đền đáp những ánh mắt hau háu của chúng tôi. 28 loài chim được ghi nhận (đáng kể nhất là lần đầu tiên tôi được thấy 3 mẹ con cắt nhỏ bụng trắng - một mẹ, hai con - loài chim ăn thịt nhỏ nhất thế giới tự nhiên, sinh sản ở Ấn Độ, cư trú ở Đông Nam Á nhưng theo ghi nhận của giới birder chuyên nghiệp thì chí ít phải dăm năm nay mới thấy xuất hiện cùng lúc 3 cá thể ở rừng Cúc Phương) chỉ trong một chuyến đi ngắn ngủi có hai ngày là thành công quá mỹ mãn của chúng tôi.

  • Chung sức để yêu
Đi ngắm chim trời ảnh 2

Ngắm chim qua mắt thần telescope.

Công tác tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật từ 8 năm nay, Lê Mạnh Hùng trải qua cả trăm chuyến lên rừng, xuống biển khắp trong và ngoài nước để nghiên cứu các loài chim. Trên cả tình yêu, đó là định mệnh của anh chàng khoáng đạt này.

Muốn chia sẻ niềm đam mê tới đông đảo mọi người, cũng một phần vì dẫn nhiều birder ngoại quốc quần thảo nhiều quá nên muốn kêu gọi đồng minh “nhanh lên kẻo người nước ngoài yêu hết thiên nhiên Việt Nam mất”, vậy là ngày 30-4, Hùng cùng nhóm các nhà khoa học trẻ đang công tác Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ chức WWF... góp sức thành lập “CLB chim hoang dã Việt Nam”.

Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, lại mới “thôi nôi” nhưng số thành viên của CLB đã lên tới gần 60 người, tuổi đời từ 12 - 54. Tuy khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp nhưng họ có điểm chung là mê đắm các loài chim hoang dã và muốn góp sức bảo vệ thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp. Anh Lê Mạnh Hùng, Chủ nhiệm CLB, cho biết, hoạt động thường kỳ của CLB là tổ chức cho các thành viên về với thiên nhiên để quan sát nhận dạng các loài chim. Đích cao hơn của CLB là hướng tới các hoạt động: chia sẻ kinh nghiệm xem và bảo tồn các loài chim hoang dã; tổ chức các tour khám phá thiên nhiên...

Tính đến nay, “CLB chim hoang dã Việt Nam” đã tổ chức thành công 2 chuyến thực địa. Chuyến đi đầu tiên tới Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy - Nam Định và Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Vân Long - Ninh Bình, các thành viên đã quan sát được 25 loài chim: bách thanh đuôi dài, choắt mỏ thẳng đuôi đen, cò ngàng nhỡ... đặc biệt là việc ghi nhận 11 cá thể cò thìa (Black-faced Spoonbill) hiện đang được xếp vào hạng nguy cấp trên toàn cầu. Chuyến điền dã thứ hai tại VQG Cúc Phương và KBTTN Vân Long (Ninh Bình), bất chấp trời mưa dầm dề, các thành viên của CLB vẫn thu vào tầm mắt được 28 loài chim: choi choi khoang cổ, cắt nhỏ bụng trắng, ưng Nhật Bản, hút mật ngực đỏ, phường chèo đỏ lớn, thầy chùa đầu xám, chèo bẻo mỏ quạ, đớp ruồi nâu, cu xanh mỏ quặp...

  • Thú chơi nhân bản

Bird-watching đã ra đời cả trăm năm nay trên thế giới và đặc biệt phát triển ở Anh, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Ở đó, trẻ em từ 3-4 tuổi đã được cha mẹ gieo vào lòng niềm say mê khám phá thiên nhiên, trong đó có đời sống của các loài chim, ngay từ khu vườn nhà. Tại Anh, tổ chức RSPB đã có tới hơn 1 triệu hội viên. Với dân birder chuyên nghiệp, chỉ cần tận mắt nhìn được một loài chim quý (thường là những loài đặc hữu hoặc mới được phát hiện), chứ chưa nói gì đến chụp được ảnh, đã là hạnh phúc.

Tại Việt Nam, loại hình du lịch xem chim trời đã khá nhộn nhịp từ chừng 10 năm nay nhưng chỉ dành cho người nước ngoài. Có rất nhiều birder nước ngoài vào Việt Nam nhưng họ không đi rầm rộ mà chỉ đến theo từng nhóm nhỏ hoặc thậm chí là đơn lẻ, bởi để tận mắt chiêm ngưỡng được cuộc sống hoang dã của những loài chim quý hiếm là rất khó khăn, phải lặn lội nơi biển sâu, rừng thẳm, núi cao... Một trong những điểm đến của dân birder chuyên nghiệp là VQG Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế).

Anh Nguyễn Đức Tú, cán bộ của Tổ chức BirdLife quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Ở nước ta có 15 điểm xem chim trời với sự góp mặt của hơn 70 loài chim có tầm quan trọng toàn cầu. Đó là: “Sa Pa và VQG Hoàng Liên (Lào Cai), VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc), VQG Cát Bà (Hải Phòng), VQG Xuân Thủy (Nam Định), VQG Cúc Phương (Ninh Bình), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), VQG Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), VQG Yok Đôn (Đắc Lắc), TP Đà Lạt và vùng phụ cận, VQG Cát Tiên (Lâm Đồng), Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), VQG Tràm Chim (Đồng Tháp), VQG U Minh Thượng, khu bảo tồn sinh thái Cà Mau và Bạc Liêu, VQG Mũi Cà Mau (Cà Mau). Trong 15 khu đó, nếu đi xem quanh năm thì đến VQG Cát Tiên, Cúc Phương, Tam Đảo; theo mùa thì đến VQG Tràm Chim vào tháng 2-3 để xem vũ điệu của loài sếu đầu đỏ, đến VQG Xuân Thủy vào tháng 10 để ngắm cò bay trắng trời”...

 

Hàng năm, trong số gần 2.000 du khách nước ngoài đến đây, có khoảng 100-150 birder. Chừng 10 năm nay, VQG Bạch Mã có 3 loài đặc hữu thu hút sự quan tâm của giới birder quốc tế là trĩ sao (chỉ có ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á), gà lôi lam trắng (chỉ có ở miền Trung Việt Nam) và gà so Trung bộ (chỉ phân bố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam). Ngoài ra, giới birder cũng rất quan tâm đến khướu mỏ dài, bởi loài đặc hữu chỉ cư trú ở Việt Nam và Lào này rất hiếm khi xuất hiện.

Không đơn thuần là thú chơi thời thượng, Bird-watching còn là một hoạt động đầy nhân bản, nhất là trong giai đoạn con người ngày càng đối xử cay nghiệt với tự nhiên như hiện nay. Với kinh nghiệm phong phú của mình, Lê Mạnh Hùng, Chủ nhiệm CLB chim hoang dã Việt Nam, đã thiết kế và tổ chức thành công rất nhiều tour ngắm chim, khiến ngay cả dân birder chuyên nghiệp đến từ nước ngoài cũng phải nể vì. Hùng bảo, tùy theo yêu cầu của khách mà thiết kế tour cho phù hợp.

Với dân amateur (xem chim và những loài động vật hoang dã khác) thì chỉ cần đi sâu vào rừng chừng 1km là họ thỏa mãn nhưng với dân birder chuyên nghiệp, những chuyến đi của họ chỉ để chú tâm chiêm ngưỡng 1-2 loài chim đặc biệt, thì có khi phải cuốc bộ cả ngày trong rừng rồi lại phải kiên nhẫn chờ đợi chán chê mê mỏi mà nhiều lúc cũng đành chấp nhận về không.

Giới birder hiện vẫn còn thán phục chuyền tai nhau câu chuyện của Richard Craik, Giám đốc Makerting của Hãng Du lịch Quốc tế Exotissimo (có trụ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), một birder chuyên nghiệp, một bird guide sành sỏi mà cũng phải mất tới 8 lần trèo đèo lội suối nơi VQG Bạch Mã mới rình xem được loài khướu mỏ dài, có lần anh ta ngồi chờ cả ngày mới được nghe... một tiếng kêu hoặc cái đập cánh vụt qua của chúng. Người ta gọi Bird-watching là thú tiêu khiển đầy may rủi là vì lẽ ấy.

Còn bạn, nếu muốn nếm trải niềm hạnh phúc khó diễn tả ấy, hãy liên hệ với CLB chim hoang dã Việt Nam (VietNambirdwatching Club): Điện thoại: 0903.294862; E-mail: hanoibirdclub2006@yahoo.com

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục