“Dị nhân” chơi “thạch ảnh”

“Dị nhân” chơi “thạch ảnh”

Lang thang dọc các con suối để nhặt sỏi; mài mặt nơi các quán nhậu đồ biển nhưng không phải để ăn chơi mà để cúi nhặt vỏ sò, vỏ ốc; rước những thứ người ta xem là rác rưởi ấy về bày khắp nhà rồi mê mệt đến quên ăn, mất ngủ để kỳ cạch đục đẽo; bán xe máy, gán nhà, để bầm dập cùng đá. Người lẩm cẩm ấy là Lê Nguyên Vỹ, trú tại tổ 29, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

  • Bầm dập vì đá
“Dị nhân” chơi “thạch ảnh” ảnh 1

Lê Nguyên Vỹ đang sáng tạo thạch ảnh.

Những hòn đá xù xì, đủ kích cỡ, nằm lăn lóc khắp nơi làm căn nhà vốn đã nhỏ lại càng thêm chật chội. Hòn được tạo dáng núi Bài Thơ, hòn mang dáng dấp hòn Phụ Tử.

Trên mặt những miếng đá sần sùi, thô ráp ấy là những tấm ảnh được phóng trực tiếp: Bùi Giáng gồ ghề và đơn độc, một nửa bóng đêm hiện lên trong ánh mắt ma mị; Trịnh Công Sơn với đôi mắt trầm mặc ẩn sau cặp kính to bản, dày cộp, bên cạnh là những câu tuyên ngôn cho chặng đường sáng tác, cũng chính là phương châm sống của một đời đa đoan; rồi đức Bồ đề Đạt Ma thảnh thơi vân du quá hải hành đạo; rồi Trúc lâm thất hiền; rồi ba anh em Lưu-Quan-Trương đạp tuyết đến gò Ngọa Long Cương cầu Khổng Minh...

Ngay từ trước năm 1975, khi được một người bạn dạy cho nghề ảnh, Lê Nguyên Vỹ đã nuôi hy vọng một ngày sẽ tự chế ra dạng ảnh của riêng mình. Mười ba năm trước, đón xu thế người ta đổ xô đi làm ảnh truyền thần, anh nghĩ ra việc phóng ảnh đen trắng trên mặt đá nhẵn. Lùng mua cả đống sách, ta - Tàu - Tây đủ cả, anh giam mình trong phòng để tự mày mò. Rồi bỏ tiền mua những tấm đá về xẻ, đánh bóng bề mặt. Mất hơn một năm nếm mật nằm gai, anh mới có được tấm ảnh đen trắng vừa lòng khách và hợp ý mình. Con tạo khéo trêu ngươi, khi ảnh đen trắng làm trên đá của Lê Nguyên Vỹ đã có chỗ đứng, công việc làm ăn bắt đầu tấn tới thì cũng là lúc thị hiếu của khách hàng thay đổi. Hàng ngàn phiến đá trắng được xẻ ra, mài nhẵn mà đành bỏ, nhiều tấm ảnh đã thành phẩm mà khách hàng cũng không buồn đến lấy. Cả đống tiền đổ vào đá và hóa chất, bỗng chốc thành hư ảo. Sau cú ngã quá đau đớn ấy, anh tự hứa với lòng: sẽ quên ngay cái nghề đã dày công đeo đuổi để khỏi hại đến vợ con.

Nhưng mối lương duyên giữa Vỹ và đá như thể là định mệnh. Gác kiếm được ngót một năm, một chiều ngồi ngắm hoàng hôn nhuộm tím thẫm bán đảo Sơn Trà, anh lại bị đá bỏ bùa. Vỹ quyết định se duyên cho ảnh màu và đá. “Nhưng không làm trên những phiến đá nhẵn nữa vì nó đơn giản quá, phải chơi độc”.

Quả quyết như thế rồi Vỹ lại bắt tay vào hành trình nghịch đá. Máy móc, nguyên vật liệu đều phải mua hàng xịn nhất vì đơn giản, những hòn đá sẽ “lên” ảnh chứ không phải những tấm giấy. Thế là, từ những đồng tích cóp ít ỏi đến chiếc xe máy đội nón ra đi, rồi đỉnh điểm là căn nhà phải cầm cố cho ngân hàng... để có vốn cho Vỹ chơi đá.

“Điểm nổi bật của những hòn đá cuội nhặt từ các khe suối và đồi trọc của vùng núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là có những thớ gân cách điệu, độc đáo nên rất hợp với thể loại tranh phong cảnh, cũng như các tác phẩm tranh, ảnh cổ điển. Các loại đá trắng muối ở Thanh Hóa, đá trắng sứ ở Yên Bái hay đá sa thạch ở Quảng Nam cũng rất đắc địa.

Khó nhất là công đoạn đưa ảnh lên đá. Phải tìm cho ra những hòn đá thật phù hợp với bức ảnh. Được như vậy thì chỉ cần một thớ gân chạy ngang qua mặt đá cũng đủ để bức ảnh toát lên cái thần mà không một loại nghệ thuật nào diễn tả được...” - Vỹ cho biết.

Một tác phẩm ra đời từ lúc lựa chọn đá, chụp ảnh đến khâu xử lý, bắn ảnh lên đá mất khoảng từ 3-5 tiếng đồng hồ. Công đoạn cuối cùng là tráng lên bề mặt đá một lớp men bảo vệ nhằm chống sự bong tróc. Đầu tiên anh lấy tấm ảnh gia đình mình đem ra thử nghiệm, trầy trật đến 4 lần mới xong nhưng nước ảnh cứ xin xỉn, được cái là mặt ai cũng rõ. “Bước đầu, thế cũng là được” - anh tự an ủi.

Công sức cho tấm ảnh, dù bám vào công nghệ hiện đại nhưng vẫn mất đến 70% làm thủ công. Anh quay như chong chóng, điều chỉnh các góc độ, màu - sắc, khâu nào cũng đòi hỏi sự tinh tế. Có những tác phẩm Vỹ phải làm cả tháng trời mới được mà cái hỏng trên cái hư dưới; cái mắt mũi đâu vào đấy nhưng vầng trán lại không chấp nhận được do độ cong của hòn đá làm hẹp lại. Có ngày, Vỹ hành xác đến 18 tiếng đồng hồ, còn trung bình là 15 giờ gửi hồn vào đá. Sau suốt hai năm thử nghiệm với cả ngàn sản phẩm lỗi, đủ lập một bảo tàng để ngày ngày chiêm nghiệm, anh mới dám nhận đơn đặt hàng của khách.

  • Tạo dựng thương hiệu
“Dị nhân” chơi “thạch ảnh” ảnh 2

Tác phẩm thạch ảnh “Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”. Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tháng 2-2006, Lê Nguyên Vỹ kết thúc quá trình thử nghiệm và chính thức ra mắt đứa con tinh thần của mình với tên gọi: Thạch ảnh.

Mất hơn 700 ngày, 600 triệu đồng và cơ man nào là đắng đót, anh mới có thể vững tin rằng mình đã bắt đầu bước vững chắc trên hành trình sáng tạo thứ nghệ thuật độc nhất vô nhị tại Việt Nam: phóng ảnh màu trên đá bằng công nghệ kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Lê Nguyên Vỹ cũng đã sáng tạo ra nghệ thuật in ảnh trên chất liệu: vỏ sò, vỏ trai, vỏ sam, cua biển... Những tác phẩm này cũng đã bắt đầu được khách hàng ưa chuộng bởi sự độc đáo, mới lạ.

Khi anh tính đường “Nam tiến”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã tặng 50 triệu đồng và đề nghị anh ở lại quê nhà để làm hàng lưu niệm. UBND thành phố cũng vừa quyết định giao cho anh 50m2 đất tại Bảo tàng Nghệ thuật Chăm để làm xưởng sản xuất, trưng bày, bán sản phẩm và anh đã quyết định sẽ lập dự án đầu tư với số vốn tới 2 tỷ đồng để quảng bá thạch ảnh. Hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dịch vụ Duyên Dáng (Đà Nẵng) đã ký hợp đồng độc quyền với anh để cung cấp sản phẩm cho thị trường Hội An và Đà Nẵng. Sắp tới, ngoài việc cho ra mắt một website để quảng bá sản phẩm, Lê Nguyên Vỹ sẽ tổ chức một triển lãm ra trò cho bõ công của bao đêm ngày đơn độc ngậm ngải tìm trầm. Kế đó là kế hoạch đưa thạch ảnh xâm nhập thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Hào hứng vẽ tương lai một chặp rồi anh đột ngột chốt một câu: “Cuộc chơi mới bắt đầu”.
- Nếu là chơi, thì nghề chính của anh là gì?

- Đừng bao giờ hỏi tui nghề nào là chính. Tui có thể thiết kế công trình xây dựng, trang trí nội thất, lập dự án kinh tế, rồi viết nhạc, làm thơ. Cái gì người ta làm được tui sẽ mày mò tự học cho bằng được để rồi làm theo cách riêng của mình.

Tôi sực nhớ, ở Đà Nẵng nhiều người gọi anh là “dị nhân đảo Sơn Trà”. “Ổng cứ nghĩ là mình còn trẻ lắm, cái gì cũng theo đuổi, cũng dốc thời gian, công sức, tiền bạc. Vợ con thường mất ăn, mất ngủ và bấp bênh vô định, vậy mà ổng cứ mải miết đi tìm những cái đâu đâu”. Nghe người vợ Trần Thị Chanh than phiền trong cái lườm yêu như vậy, Lê Nguyên Vỹ cười rổn rảng rồi quay về phía tôi: “Mỏi mệt vậy mà bả vẫn theo tui, ủng hộ tui hoài. Bả nói đúng, tui đâu còn trẻ nữa nhưng không già, bởi mình còn dư sức để sáng tạo”.

THẢO LƯ

Tin cùng chuyên mục