Đi qua những mùa nho đắng…

Tôi đã từng biết đến Ninh Thuận qua chuyến đi đầy bụi đất, nắng gió. Trong mắt tôi ngày đó, vùng đất này chỉ là “sa mạc” nắng. Ghé dăm ba vườn nho, tham quan một vài ngọn tháp… Chỉ thế thôi, không gì hơn nữa. Nhưng hôm nay tôi đã biết đến một Ninh Thuận rất khác. Bình dị, tưởng khô cằn mà ẩn chứa bên trong khao khát trỗi dậy mãnh liệt của một miền đất, của những đời người như qua tập truyện ngắn Nho đắng, tập tạp văn Sa mạc và những vệt nhớ của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa. Không chỉ bởi những áng văn chương của Hòa mà chính những con người thật như cô, rất thật như tôi biết, những thành tựu về nhiều mặt ở nơi này đã mãi mãi làm thay đổi ý nghĩ về một miền đất.
Đi qua những mùa nho đắng…

Tôi đã từng biết đến Ninh Thuận qua chuyến đi đầy bụi đất, nắng gió. Trong mắt tôi ngày đó, vùng đất này chỉ là “sa mạc” nắng. Ghé dăm ba vườn nho, tham quan một vài ngọn tháp… Chỉ thế thôi, không gì hơn nữa. Nhưng hôm nay tôi đã biết đến một Ninh Thuận rất khác. Bình dị, tưởng khô cằn mà ẩn chứa bên trong khao khát trỗi dậy mãnh liệt của một miền đất, của những đời người như qua tập truyện ngắn Nho đắng, tập tạp văn Sa mạc và những vệt nhớ của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa. Không chỉ bởi những áng văn chương của Hòa mà chính những con người thật như cô, rất thật như tôi biết, những thành tựu về nhiều mặt ở nơi này đã mãi mãi làm thay đổi ý nghĩ về một miền đất.

Nhà văn trẻ Kim Hòa và đồi cát quê mình

1.Ninh Thuận ngày tôi trở lại vẫn là những vườn nho xanh ngút ngàn như hôm nào, vẫn cái nắng, cái gió rát bỏng đó… Nhà văn Trịnh Bích Ngân đi cùng đã phải thốt lên về cảnh đẹp Ninh Thuận, của Phan Rang - Tháp Chàm, của đồi cát Mũi Dinh, của vịnh Vĩnh Hy, của những đàn cừu lững thững đi về sau một ngày rong ruổi in bóng giữa hoàng hôn…

Nhưng có lẽ, với tôi, khi nghe nhà văn Bích Ngân kể câu chuyện về một cô gái có cái tên Kim Hòa thật sự khắc sâu hơn về đất, về người Ninh Thuận. Chị kể, Kim Hòa là một nhà văn, rất trẻ sinh năm 1984. Năm 2 tuổi, Hòa bị liệt, tay phải không cử động được, tay trái co rút phần khớp sau một trận sốt cao. Thế mà cô gái không đầu hàng số phận. Dù vận động rất khó khăn, Hòa vẫn đến trường và đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM. Hòa mở lớp dạy học tại nhà, chủ yếu dạy cho những trẻ em nghèo. Gần 10 năm trôi qua, lứa học trò đầu tiên của Hòa nay đã trở thành sinh viên các trường tại TPHCM. Chính từ quê hương, Hòa đã cất lên tiếng nói của mình bằng những trang viết có sức lay động lòng người. Những trang văn của Hòa thường tập trung vào những thân phận đầy gai góc, đớn đau, thăng trầm, bất hạnh; những kiếp đời lắm khát khao mà vẫn chông chênh trên con đường đến hạnh phúc…

 Theo nhà văn Bích Ngân, chính cái nắng, cái gió của xứ Phan Rang đã giúp cho Kim Hòa viết nên những trang viết từ sâu thẳm trái tim và có sức lan tỏa rộng rãi. Giống như những trái nho quê nghèo, chắt chiu từ nắng gió khắc nghiệt, Kim Hòa cũng vượt lên những khó khăn của bản thân để học tập và sáng tác văn chương. Cứ thế, những nhân vật trong truyện cũng chính như bản thân Kim Hòa ở ngoài đời từng bước đi qua những mùa nho đắng, những mùa cát nóng của đời mình bằng ý chí vô cùng mãnh liệt. Ở nhân vật, ở cô hay ở chính biết bao con người Ninh Thuận luôn tràn đầy nhựa sống và khát khao vươn lên, dù giữa vùng nắng cháy. Quê hương xứ sở, nơi có biển, có những đồi cát nên thơ nhưng cũng khắc nghiệt với cuộc sống con người đã cho Kim Hòa biết bao cảm nhận: “Chỉ là vài vệt nhớ xước ngang khi tôi chạm vào một dáng hình, một vùng đất. Chỉ là chút mênh mang tôi chắt ra khi lần đầu tiên áp tai vào lòng Phan Rang, vào cỗi cằn “sa mạc trắng” quê mình. Mênh mang nào ghim lút tim? Vệt xước nào hóa khói lên trời bay mất?...”.

Nỗ lực không ngừng của Hòa đã được ghi nhận khi tập truyện Nho đắng (2012) được Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng giải tác giả trẻ. 2 truyện ngắn Thôi mùa cỏ cháy, Hương thôn dã đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2013-2014 và gần đây là giải nhất cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, giải C Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam 2015 cho tập Đỉnh khói.

2. Ai đó đã bảo rằng, Ninh Thuận ngoài cái nắng nung người và những cơn gió khô khan thì không còn gì để níu chân người? Mà có dừng chân thì không gì nhiều ngoài những điểm tham quan đã quá quen thuộc. Không, Ninh Thuận còn nhiều hơn thế. Ninh Thuận trong tác phẩm của Kim Hòa trĩu nhớ thương bao nhiêu thì trong các trang thơ, bài hát càng lưu luyến bấy nhiều. Trong bài hát Phan Rang lời nắng gió, nhạc sĩ tài hoa Phan Quốc Anh có viết: “Quê hương tôi lung linh giàn nho tím, đất mặn đồng trắng nở vụ bông/ Thổi qua tôi những chiều nghiêng tháp cổ, câu dân ca Chàm nặng tình em ơi/ Ôi mênh mang đâu đây lời của gió. Có con sông chở nặng phù sa/ Có chim ca trên cành hoa nắng vàng. Con gió vô tình đeo nắng vai em/ Gió ơi gió mang hương tình lặng lẽ. Nắng đợi gió về, gió chở nắng đi…”.

Nắng tự bao giờ đã trở thành “đặc sản” du lịch của Ninh Thuận. Khoảng không gian nào nơi đây cũng chói chang. Nắng phơi mình trên những đồi cát uốn lượn triền miên; nắng ẩn mình loang lổ trong những vườn nho, vườn táo xanh ngút ngàn; nắng gieo vị nồng nàn vào lòng phố thị Phan Rang, nắng vươn trên những cung đường ven biển; nắng đi vào đôi mắt thăm thẳm biếc xanh cô gái Chăm ngày hôm đó; nắng đi vào thơ ca như một lẽ tự nhiên…Và gió, rất dữ dội. Gió ùa vào người nghiêng ngả, chênh chao…

Vùng đất của gió mặn biển khơi, của những tia nắng vàng rực rỡ, những bãi biển đẹp mê hồn ngàn đời sóng vỗ, những tháp Chăm huyền bí với nền văn hóa Champa lâu đời, những đồi cát trắng phơi mình bên bờ biển hay những vườn nho, táo, tỏi bạt ngàn, những cánh đồng muối mênh mông…đã say lòng du khách tự lúc nào.

Với vẻ đẹp hoang sơ, bờ biển Ninh Thuận như một nàng công chúa đang trở mình tỉnh giấc. Những dãy núi cao đâm ra tận biển tạo nên những vũng, vịnh đẹp như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương - Mũi Dinh. Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và là một trong 9 vùng sinh quyển của thế giới.  Vườn quốc gia Núi Chúa cuốn hút khách du lịch với những nổi bật về địa hình, địa thế, khí hậu và tính đa dạng sinh học. Khu du lịch đồi cát Nam Cương - Mũi Dinh hiện đã có nhiều trò chơi thể thao mạo hiểm trên cát như High wire, Zipline, bắn cung, chinh phục sa mạc cát bằng xe địa hình phân phối lớn hoặc tham gia chinh phục núi Không Tên để trải nghiệm cảm giác sinh tồn.

Không chỉ là tiếng gọi thiên nhiên, miền đất ấy còn phong phú về lịch sử văn hóa, hội tụ của văn hóa tộc người Chăm và Raglai; gìn giữ nhiều di sản quý báu của nền văn hóa Chăm Pa từ chữ viết, trang phục, lễ hội, các làng nghề truyền thống đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước như Hòa Lai, Po Klong Garai, Po Rome gần như còn nguyên vẹn. Khách phương xa cũng không quên đến làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp để được thử nặn gốm bằng tay hay trổ tài dệt thổ cẩm thủ công. Khách có thể ghé vào bất cứ một ngôi nhà nào, chuyện trò với họ về nghề, về cuộc sống… Buổi tối, bên ánh lửa bập bùng, lữ khách lại được cùng múa hát với các thiếu nữ Chăm.

Ai đã từng lặn lội đến xứ cát Ninh Thuận, đến với những vườn nho tím mọng để nghe câu chuyện về tình đất, tình người hay một hôm nào đó đứng giữa bao la của núi rừng Bác Ái nghe một tiếng đàn Chapi… hẳn sẽ yêu hơn vùng đất tưởng như khô cằn sỏi đá này.

TIỂU TÂN

Tin cùng chuyên mục