Di sản Hoàng thành Thăng Long: Phục dựng điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên - cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vào thời kỳ Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX, điện Kính Thiên bị thực dân Pháp phá hủy chỉ còn lại một vài dấu tích nhỏ. Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến về việc phục dựng điện Kính Thiên. TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc trung tâm, đã trao đổi với SGGP về ý tưởng này.
Di sản Hoàng thành Thăng Long: Phục dựng điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên - cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vào thời kỳ Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX, điện Kính Thiên bị thực dân Pháp phá hủy chỉ còn lại một vài dấu tích nhỏ. Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến về việc phục dựng điện Kính Thiên. TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc trung tâm, đã trao đổi với SGGP về ý tưởng này.

° PV: Ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên bắt đầu từ bao giờ?

° TS Nguyễn Văn Sơn: Thực ra, từ nhiều năm trước, vấn đề phục dựng điện Kính Thiên cũng được nhiều nhà khoa học và lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra. Nhưng khi đó, việc nghiên cứu vẫn đang dở dang, thêm vào đó, công tác xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới vẫn còn đang ngổn ngang nên ý tưởng này tạm thời dừng lại. Cho tới thời điểm này, sau một thời gian phục vụ lắng nghe và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên nhằm giúp người dân có những cảm nhận gần gũi hơn với diện mạo của Thăng Long xưa, lại được khơi lại.

° Trước đây, cũng đã có nhiều đơn vị nghiên cứu và tiến hành việc mô phỏng điện Kính Thiên với công nghệ 3D song dường như kết quả không khả quan lắm?

° Việc phục dựng trên công nghệ 3D trước đây là sản phẩm của một đơn vị, một nhóm nghiên cứu và thiên nhiều về phục dựng hình ảnh. Còn đối với công việc phục dựng điện Kính Thiên là việc khá phức tạp, cần phải có sự chung tay của nhiều chuyên ngành, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà sử học uyên thâm, tâm huyết. Việc nghiên cứu, tìm hiểu không chỉ dựa trên dấu tích điện Kính Thiên hiện nay còn lại là khu nền cũ với những bậc thềm đá mà còn phải dựa vào các tư liệu, hình ảnh còn sót lại ghi nhận về kiến trúc này. Bên cạnh đó, việc khai quật khảo cổ, nhằm phát lộ các chất liệu xây dựng, cách thức bố trí các chân cột, nền móng của nền điện xưa… cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phục dựng.

Đôi Rồng đá, dấu tích ít ỏi còn sót lại của điện Kính Thiên xưa.

Đôi Rồng đá, dấu tích ít ỏi còn sót lại của điện Kính Thiên xưa.

Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của Thành cổ Hà Nội. Điện Kính Thiên là công trình trung tâm của hoàng cung thời nhà Lê (thế kỷ XV - XVIII) ở Thăng Long - Đông Kinh (Hà Nội). Năm 1428, sau chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ tiếp tục đóng đô tại Thăng Long, cho xây dựng sửa sang lại Hoàng thành bị hư hại. Điện Kính Thiên được xây dựng trong thời kì này. Đến năm 1886, điện bị phá hủy, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay).

° Theo dự tính thì tới thời điểm nào việc phục dựng sẽ được thực hiện?

° Mong muốn là vậy, nhưng chắc chắn việc phục dựng không thể thực hiện ngay mà cần phải có lộ trình. Hiện, toàn bộ nền điện vẫn còn, một số di vật liên quan đến kiến trúc điện như 2 lan can thành bậc, đôi rồng đá phía trước và phía sau nền điện vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Không chỉ có thế, hình ảnh về điện Kính Thiên thời Lê trước năm 1886, tức là trước thời điểm bị thực dân Pháp phá bỏ xây nhà pháo binh cũng vẫn còn được lưu giữ khá tốt trong các kho tư liệu.

Nếu làm việc tích cực và hiệu quả nhất với sự chung tay, đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng, các nhà khoa học thì việc phục dựng điện Kính Thiên cũng chỉ có thể bắt đầu sau 5 - 7 năm tới khi đã đầy đủ các thông số, thông tin cần thiết.

° Khi Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì việc phục dựng điện Kính Thiên có ảnh hưởng gì tới những cam kết?

° Quan điểm chung của các chuyên gia UNESCO là không khuyến khích phục dựng nhưng không cấm phục dựng khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng và có đầy đủ tư liệu.

° Việc phục dựng này đã có tiền lệ trong lịch sử đối với các kinh đô trên thế giới?

° Phục dựng lại các kiến trúc cổ trong kinh đô cũ cũng đã được thực hiện và đánh giá cao của các nhà nghiên cứu. Điển hình như công trình phục dựng Đại kim điện trong khu cố đô Naran của Nhật hay phục dựng cố đô tại Hàn Quốc.

° Xin cảm ơn ông!

VĨNH XUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục