Tại TPHCM, công tác bảo tồn, trùng tu các di tích nhìn chung chưa xảy ra tình trạng bị làm mới hay biến dạng, nhưng bức tranh toàn cảnh về di tích vẫn chưa mấy lạc quan. Bên cạnh nhiều di tích bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, trên thực tế vẫn còn không ít di tích vẫn bị xâm hại, bị lấn chiếm xây dựng trái phép. Đáng nói hơn là tình trạng xâm hại này đã kéo dài khá lâu, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có biện pháp xử lý khả thi.
Xây dựng lấn chiếm trên đất di tích
Một trong những nơi bị xâm hại là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) - một ngôi chùa cổ tại TPHCM. Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1744, hiện vẫn còn lưu giữ 113 pho tượng cổ bằng gỗ mít (chế tác từ đầu thế kỷ 18), 5 pho tượng đồng, 86 câu đối chữ Hán được chạm khắc trên các cột, liễn. Độc đáo nhất phải kể đến bộ tượng thập bát La Hán và hàng ngàn đĩa sứ kiểu được cẩn dọc theo mặt tường Tây đường, điện Phật, tháp tổ, nóc mái. Chùa vẫn còn lưu giữ nhiều sách cổ tạng bản và trùng khắc kinh sách Phật giáo. Suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là cơ sở của cách mạng, là nơi hội họp và nuôi giấu cán bộ. Trải qua bao thời gian, chùa không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hại, nhiều cột gỗ và tượng cổ bị mối mọt xâm hại, vỡ nứt. Nhưng tâm tư nhất là từ nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng một số người dân xung quanh (phía đường Lạc Long Quân) xây dựng nhà ở xâm lấn hàng trăm mét vuông vào khuôn viên chùa.
Trường hợp bị xâm hại nghiêm trọng nhất và kéo dài, phải nói đến di tích quốc gia chùa Phụng Sơn (Phụng Sơn Tự, còn gọi là chùa Gò, ở đường Ba Tháng Hai, quận 11). Hai lần khai quật khảo cổ trong vườn chùa năm 1988 và 1991 cho thấy dưới nền chùa có dấu tích của nền văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - thế kỷ VII). Từ nhiều năm qua, UBND quận 11 đã khảo sát và xác định có khoảng 113 hộ dân xây dựng lấn chiếm khuôn viên chùa. Được biết, từ năm 2008, TPHCM đã đưa di tích này vào danh sách trùng tu và giao UBND quận 11 thực hiện giải phóng mặt bằng, giải tỏa các hộ lấn chiếm, nhưng câu chuyện này vẫn chưa đi đến đâu. Để bảo vệ di tích, Sở VH-TT TPHCM đã kiến nghị UBND TP cho trùng tu khu vực 1 của di tích, trong khi chờ địa phương giải phóng mặt bằng. Thượng tọa Thích Trí Định, Trụ trì chùa Phụng Sơn, cho biết: “Lúc trước, có cán bộ ở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 11 đến khảo sát để thực hiện di dời các hộ dân lấn chiếm di tích trong khu vực 1. Từ đó tới giờ, tôi chưa nghe thấy có thông tin gì thêm”. Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM hồi tháng 9-2017, quận 11 cho biết, hiện còn 2 hộ lấn chiếm thuộc khu vực 1 và 63 hộ thuộc khu vực 2 di tích, mãi vẫn chưa thể giải quyết. Số hộ lấn chiếm ở chùa Phụng Sơn lên đến hơn 110 hộ.
Hoang tàn, nhếch nhác và ô nhiễm là thực trạng đau lòng đang diễn ra hàng ngày tại di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, tọa lạc trên địa bàn phường 16, quận 8. Một di tích hơn 300 năm tuổi và đã từng được xếp hạng từ năm 1998. Mặc dù đây là khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người dân vẫn thuê máy ủi san gạt đất, khiến cho di tích lò gốm bị biến dạng nghiêm trọng. Bước vào khu vực này, khó mà nhận ra đây là một công trình di tích quốc gia, vì nơi đây đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cái cổng trơ xương, không một dòng thông tin và cũng không có rào chắn bảo vệ do người dân đập phá, chiếm dụng làm nơi phơi đồ từ rất nhiều năm qua. Bên trong di tích không khác một gò hoang, cây cối bị chặt phá nằm trơ gốc, ngổn ngang gạch đá, rác thải, phế liệu… Một trong những nguyên nhân khiến cho di tích hơn 300 tuổi này hóa thành “phế tích giữa lòng thành phố” là do có sự tranh chấp về đất đai giữa gia đình bà Nguyễn Thị Phương, người dân sống cạnh di tích với chính quyền địa phương, kéo dài suốt nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Vì sao một di tích khảo cổ quốc gia 300 năm tuổi, với nhiều hiện vật quý hiếm đã được khai quật, lưu lại những giá trị lịch sử và văn hóa thuở Sài Gòn sơ khai, lại bị xâm phạm nghiêm trọng, trở nên hoang phế? Vì sao một di tích quốc gia đã được công nhận 20 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được bảo tồn, phát huy giá trị? Câu hỏi không chỉ khiến ngành văn hóa trăn trở, mà những người yêu di sản văn hóa cũng mang đầy tâm tư.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM (gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM), cho biết trước đây Lò gốm Hưng Lợi đã từng được quy hoạch ranh giới 1 lần, khoảng năm 1999. Tuy nhiên, với tình trạng hoang phế hiện nay, sau khi quận 8 giải quyết ổn thỏa tranh chấp, Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM sẽ khảo sát và khoanh vùng bảo vệ, khi ấy mới tính chuyện bảo tồn di tích. Về phần địa phương, UBND phường 16 cử công an khu vực, cán bộ địa chính cùng bảo vệ dân phố thường xuyên theo dõi, không để di tích bị xâm hại thêm.
Trong số các di tích bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng tại TPHCM, đến nay mới chỉ có chùa Giác Viên (đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11) là được trùng tu, tôn tạo. Theo đó, trong giai đoạn 1, từ tháng 9-2016 đến tháng 12-2017, Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM đã trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên với các hạng mục: cải tạo, nâng cấp nhà trù, Đông lang, Tây lang, xây dựng nhà mát, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng hàng rào bảo vệ khu vực mộ cổ và bảo tháp… tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng. Ông Trương Kim Quân cho biết thêm, trong giai đoạn 2, trung tâm sẽ lập dự án và xin kinh phí trùng tu khu vực chánh điện nhà chùa. Ngoài ra, quận 11 cũng đang mở đường cho tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, qua tuyến đường Lạc Long Quân, khi đó một phần của Khu du lịch Đầm Sen tiếp giáp với chùa, sẽ là cơ hội để phát huy giá trị đối với di tích chùa Giác Viên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho biết, địa phương nắm rất rõ vụ việc này. Tình trạng xâm hại khởi phát đã có từ lâu, còn hiện tại không lấn chiếm phát sinh thêm. Trước đây, quận 11 đã từng khảo sát và 2 lần dự kiến giải tỏa những hộ dân lấn chiếm ở 2 di tích chùa Giác Viên và chùa Phụng Sơn, nhưng do vướng khó khăn về kinh phí đền bù vì số hộ phải giải tỏa nhiều nên đành tạm hoãn. Giai đoạn 2018 - 2019, 2 dự án này đã được thành phố đưa vào danh mục đầu tư công. Theo đó, quận 11 sẽ cho khảo sát lại toàn bộ hiện trạng di tích, đánh giá tình hình thực tế, giải tỏa các hộ xây dựng lấn chiếm, sau đó phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khoanh vùng bảo vệ và trùng tu, tôn tạo di tích. Trước mắt, quận 11 đang tập trung thực hiện dự án mở đường vành đai cho Khu du lịch Đầm Sen, qua đó phối hợp khảo sát hiện trạng, giải tỏa, xây dựng hàng rào bảo vệ và khoanh vùng khu vực 2 tại chùa Giác Viên.