“Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng/Bầu trời thì cao, mà cánh đồng thì rộng”, câu ca của cố nhạc sĩ Thuận Yến (thơ Hoài Vũ) dẫn tôi về với An Giang, về với mùa nước nổi để lạc giữa cánh rừng tràm bát ngát, với dòng nước hiền hòa và với những con người thân thiện. Về với cá linh, bông điên điển để nhớ, để thương và để ngậm ngùi.
Rừng tràm Trà Sư mùa lũ không về
1. Những ngày cuối tháng 9 như mọi năm nước lũ đã tràn về, vùng Đồng Tháp Mười khắp nơi trắng xóa con nước. Mùa nước về cũng là mùa của no ấm, mùa của sự hồi sinh sau những tháng ngày mòn mỏi như nắng hạn chờ mưa. Nhưng năm nay lũ không còn về. Những kênh rạch bắt đầu trơ cạn, đặc quánh màu bùn đen. Lục bình thôi không còn mơn mởn những cánh hoa tím. Và câu ca Đi trong hương tràm dù vẫn da diết, lay động lòng người như mời gọi sự trở về nhưng phảng phất đâu đó là nỗi buồn, sự tiếc nuối. Những cây tràm vẫn đứng đó sừng sững và hiên ngang qua bao dặm dài của năm tháng. Từng lớp sóng nhẹ nhàng vỗ sang hai bên mạn bờ rồi thu mình lại vì con nước quá cạn.
Chiếc xuồng máy chở chúng tôi lướt sóng nhẹ giữa rừng tràm Trà Sư. Đàn vạc đậu kín dòng kênh trên những cành củi khô tung cánh bay lên rất nhanh rồi như chớp mắt lại đậu xuống khi nghe tiếng máy chạy. Chuyển từ xuồng máy sang mái thuyền chèo tay của những người bản địa chúng tôi mới có cảm giác thực sự mình đang lạc vào giữa rừng tràm. Từng mái chèo lướt nhẹ, có cảm giác đụng xuống tận đáy nước, chạm đến cả mặt bùn. Cô gái chèo xuồng ngậm ngùi kể, nước năm nay kém mọi khi cả mét và đây là thời điểm nước cao nhất từ đầu mùa nên việc di chuyển có phần dễ dàng hơn. Chúng tôi tự nhủ, nếu nước lớn về thì giờ đây chúng tôi đang bồng bềnh trên mặt nước, sát những tán lá tràm phủ kín để được hít hà, luồn lách trong những bông tràm. Nhiều vùng tràm mọi năm phải chèo thuyền để khám phá, nay hoặc đành ngắm nhìn từ xa hoặc có thể đi bộ bởi mặt đất đã khô.
2. Giữa rừng tràm, trong cái nắng vừa đủ oi ả làm sao bỏ qua những đặc sản đã gắn liền với mùa nước nổi. Vài chiếc chòi được dựng ngay dưới những tán tràm xum xuê. Về Trà Sư mùa này, ai cũng háo hức được thưởng thức món cá linh ăn kèm bông điên điển. Những chú cá lớn bằng phân nửa ngón tay út, tươi rói, cả thân hình ánh lên màu bạc. Những bông điên điển vừa độ đơm bông với những nụ vàng e ấp, trên bông còn vương cả mùi nhựa mới hái. Lẩu cá linh cũng không thể thiếu bông súng, vài lát bạc hà hay vài thứ rau khác ăn kèm tùy từng khẩu vị. Cũng là vị chua, vị ngọt, vị cay ấy... nhưng ăn lẩu cá linh giữa rừng tràm còn có mùi vị nồng đượm của sông nước, của tình người chứ không phảng phất cái vội vã, ồn ào của phố xá. Và nó còn có cả mùi vị của tiếc nuối vì lũ không về, cá tôm cũng khan hiếm hơn.
Ngoài lẩu cá linh, về với nước nổi còn có thêm cá linh chiên bột hay cá linh kho tiêu, ăn kèm bông điên điển. Mỗi món ăn lại mang những phong vị thật đặc trưng. Cá linh dù giản dị là vậy nhưng tựa như một món quà trù phú mà dòng Mekong đã ban tặng cho người dân. Bảo sao, những người con miền Tây xa xứ, mỗi mùa con nước về lại quặn thắt, mong mỏi được một lần chèo xuồng tự tay hái những bông điên điển, gỡ từng chú cá linh mắc trong lưới. Đó là những ký ức nào dễ gì phai lạt.
Nhưng đâu chỉ có cá linh. Trong men say giữa rừng tràm sẽ thật ngậm ngùi nếu không nếm thử món lẩu lươn với những chú lươn vàng óng, béo núc, thịt chắc nịch. Đó còn là món thịt chuột đồng nướng thơm phức mà nếu nhìn qua, chẳng ai có thể đoán nổi. Càng không thể bỏ qua vài chú ếch đồng được nướng muốt ớt, thịt ngọt, với lớp da dai dai mà giòn giòn. Cảm giác hạnh phúc, ngọt và bùi ấy như vẫn còn vẹn nguyên nơi đầu lưỡi. Và càng hạnh phúc hơn khi chúng tôi vẫn được thưởng thức những đặc sản mùa lũ ấy.
3. Trên con đường đất rộng thênh thang với hai hàng tràm cao vút có thể cảm nhận được thật rõ nét tiếng nắng, tiếng gió như reo vui. Những thân tràm đang trong mùa thay áo mới.
Đến với Trà Sư, chúng tôi không quên men theo những bậc thang lên đài quan sát cao 25m, mỗi bước lên cao là tầm mắt được dịp vút ra xa để được ngắm trọn vẹn, ôm trọn vẹn cả rừng tràm mênh mông vào lòng. Đứng trên cao giữa ngày lộng gió, ghé mắt vào chiếc kính viễn vọng có thể ngắm được vùng Bảy Núi mênh mông hay cảm giác như chạm tay vào những tán lá tràm. Có những tán lá xanh rì, lại có những thân cây lá ngả sang màu úa. Cả rừng tràm mênh mông ấy như vẫn được giữ vẹn nguyên, như chưa có bàn tay con người đụng đến.
Chiếc xuồng máy đưa chúng tôi trở lại bờ. Cảm giác quay trở lại để thêm một lần quan sát rừng tràm cũng khác lắm. Lúc này ánh nắng xuyên qua những tán lá tràm, soi trên mặt nước. Cả mặt kênh phẳng lặng, hồ như có thể soi gương nhưng mỗi lần có xuồng đi qua nước lại dập dềnh. Nhiều đoàn khách giờ mới bắt đầu hành trình khám phá rừng tràm của mình, khuôn mặt ai cũng ánh lên niềm hạnh phúc và háo hức. Nheo mắt ngước nhìn lên cao để tìm một cánh cò trắng đậu tít trên ngọn cây, cánh cò chợt biến mất chỉ trong tích tắc. Những thân tràm vẫn kiên nhẫn đứng đó như reo vui với trời xanh. Bất chợt, một bông tràm trắng muốt xoay trong gió rồi rơi rụng trên chiếc ba lô của tôi. Câu hát “Hương tràm theo anh, mà em đi đâu?” được nhẩm khẽ, còn nén lại nơi cuống họng.
VĂN TUẤN