Đi vào điểm nóng

16 giờ, ngồi trên xe cấp cứu, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Kim Yến (26 tuổi, làm việc tại Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Medic, TPHCM) cho biết đang cùng một bác sĩ đi đón bệnh nhân từ khu phong tỏa thuộc quận Bình Thạnh về Bệnh viện 30-4 ở quận 5.
Anh Trần Bình An, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (ngoài cùng bên trái) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân
Anh Trần Bình An, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (ngoài cùng bên trái) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

1. “Một tháng nay, tôi cùng các anh chị y bác sĩ của phòng khám nhận vận chuyển miễn phí bệnh nhân F0, chở người bệnh từ các khu phong tỏa đến bệnh viện. Công việc không có giờ giấc cố định, khi nào có bệnh nhân nhờ hỗ trợ là lại lên đường”, chị Kim Yến nói. Tuân thủ quy định phòng dịch, nhóm của chị sau những giờ làm việc căng thẳng không ai về nhà, không biết đến bữa cơm gia đình. Mọi người ăn ngủ tại phòng khám, dù có thành viên nhà chỉ cách chỗ làm việc vài cây số. 

Chị Yến chia sẻ: “Đi hỗ trợ, vận chuyển người bệnh như vầy gặp nhiều trường hợp đau lòng lắm. Như hôm trước, chúng tôi chở bình oxy đến nhà một bệnh nhân lớn tuổi ở quận 8 trợ thở, chiều tối thì nhận tin bệnh nhân đã qua đời”. 

Lúc mới bắt đầu, chị Kim Yến cũng như đồng nghiệp chưa hình dung sẽ vận chuyển nhiều bệnh nhân mỗi ngày, lẫn những khi lặng người chứng kiến người bệnh trong tình trạng chuyển nặng. Có những bệnh nhân cảnh nhà khó khăn hoặc lo lắng không muốn đến khu cách ly. Không ít trường hợp nhóm phải tư vấn cặn kẽ, động viên an ủi để họ vững lòng trị bệnh. 

“Khi nghe giám đốc phòng khám vận động thành lập nhóm tình nguyện mùa dịch, tôi và các anh chị khác đồng ý và không nghĩ ngợi gì nhiều. Tôi cảm thấy việc làm của mình cũng bình thường. Chúng tôi chỉ mong giúp được nhiều người hơn”, Kim Yến tâm sự. Cuộc trò chuyện với cô gái vóc dáng nhỏ nhắn này ngắt quãng mấy lần, vì lúc thì Kim Yến phải đi đón người bệnh, lúc bận bịu tiếp nhận phân công về địa điểm sẽ tới. 

Gần đây, nhóm của chị còn xoay qua hỗ trợ cho đội tiêm vaccine Covid-19 lưu động của thành phố. Tùy ngày mà Yến sẽ ở đội tiêm vaccine hoặc đi vận chuyển bệnh nhân. Nhiều hôm mải lo chuyên chở cho kịp, 15 giờ cả đội mới ăn trưa. Chị kể, những hôm thành phố mưa dữ, bản thân ướt như chuột, còn ngày thường xịt khử khuẩn nhiều đến nỗi mấy anh em trong nhóm đùa rằng, chỉ cần một mồi lửa là bốc cháy. Chuyện ngủ nghỉ mỗi ngày cũng thất thường tùy vào các cuộc gọi, thế nhưng không nghe cô gái có giọng nói nhỏ nhẹ này than mệt. Trong cách nói của mình, Yến còn truyền cho người nghe cách nhìn cuộc sống bằng thái độ nhẹ nhàng chân thành.

2. Việc thiện nguyện của những người trẻ trong ngành y có thể không giống nhau, nhưng khi được hỏi dự định sắp tới, những gương mặt trẻ trung đều cho biết, họ mong muốn làm được nhiều thứ hơn nữa.

Anh Trần Bình An (26 tuổi, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) tham gia bộ phận lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng và hỗ trợ đo huyết áp cho người tiêm vaccine Covid-19. Bình An cho biết: “Chúng tôi được tập huấn cách lấy mẫu, lúc mới bắt đầu làm cũng hơi lúng túng, lấy khoảng 10 mẫu thì quen”. Có ngày anh làm một buổi, trung bình mỗi buổi anh lấy khoảng 150 mẫu. “Chúng tôi chủ yếu lấy mẫu ở các phường thuộc quận Bình Thạnh, quận 5 và quận 7. Với trẻ em, khi lấy mẫu phải nhẹ nhàng. Có em không chịu ngồi yên nên phải thuyết phục và thêm 2 người giữ đầu bé ngước lên để lấy”, anh nói. 

Nguy cơ lây nhiễm là điều các tình nguyện viên phải đối mặt. Bình An vừa kết thúc cách ly tại nhà vì cách đây hơn 2 tuần đứng gần một người mắc Covid-19. Bốn ngày sau, người này có kết quả dương tính, Bình An chủ động cách ly trong phòng riêng. “Tôi cũng lo lắng, nhưng có gia đình động viên. Tôi tuân thủ quy định, chú ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục để cơ thể khỏe. May mắn là đã có kết quả âm tính”, anh nói. Đang là sinh viên năm thứ 5, chàng trai trẻ cũng tranh thủ thời gian rảnh để học bài thi. Hiện tại chưa có lịch thi online, anh nói rằng cùng lắm sẽ đăng ký thi đợt hai. “Dịch bệnh ngày càng phức tạp, bên trường cũng thiếu người do nhiều bạn sinh viên đã về quê. Thôi thì sức khỏe mình còn tốt, làm gì giúp được cộng đồng thì làm”, anh bộc bạch.

Những y bác sĩ, tình nguyện viên ngành y trong thời gian này có lẽ hiếm có giây phút thảnh thơi. Bình An kể về những lần cả người được xịt khuẩn, hít đầy hóa chất, cồn, về bộ đồ bảo hộ kín mít mặc cả ngày. Có những buổi trưa ăn vội phần cơm, dựa lưng chợp mắt ở trụ sở phường một chút rồi lại lên đường đến các khu phố lấy mẫu. Không riêng gì Bình An, những bàn tay nhăn nheo do đeo găng và tiếp xúc quá nhiều hóa chất của các y bác sĩ, những dòng nhật ký trên mạng xã hội, những tấm ảnh chụp thiên thần áo trắng lên đường vào điểm nóng… đã phần nào gợi lên sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ tuyến đầu.

Thành phố giãn cách đã vài đợt, dường như những nhóm và cá nhân thiện nguyện có phần nhiều thêm về số lượng và tính chất hỗ trợ. Nào là những quán cơm 0 đồng, những bếp ăn đỏ lửa cung cấp cho tuyến đầu, các nhóm hỗ trợ y tế, nhiều câu lạc bộ từ thiện tặng nhu yếu phẩm, thuốc men. Y bác sĩ tranh thủ khám bệnh online miễn phí, các luật sư trao tặng gạo thóc mắm muối, chuyên gia tâm lý hỗ trợ về tinh thần… Động lực thì nhiều, nhưng động lực lớn nhất với họ có lẽ vì đó là việc trái tim mách bảo cần phải làm.

Tin cùng chuyên mục