
(SGGP12G).- Những ngày này khi trực tiếp đến các vùng xảy ra dịch cúm gia cầm (DCGC) khu vực ĐBSCL mới thấy hết sự vất vả, gian nan của những người tham gia phòng chống dịch.
Vào thời điểm này, mọi ngả đường dẫn vào xã Khánh Bình- huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, địa phương đầu tiên ở ĐBSCL xuất hiện DCGC trong năm 2009. Xã Khánh Bình đã phát hiện 8 ổ dịch tại 6 ấp và các ngành chức năng đã khẩn trương tiêu hủy gần 1.000 con gà, vịt ở các ổ dịch; tiêu độc khử trùng 9 ấp trong toàn xã.
Xã Khánh Bình đã điều tra, rà soát lại tổng đàn gia cầm còn lại trong xã, thành lập các đoàn tiêm ngừa vaccine phòng bệnh. Ông Lâm Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết: “Xã thành lập 2 đoàn, mỗi đoàn gồm 4 tổ, mỗi ngày chúng tôi cuốn chiếu tiêm phòng 2 ấp, tiêm phòng ban ngày gặp khó đối với gia cầm nhỏ lẻ, chúng tôi phải tiêm ngừa cả ban đêm’’.

Cán bộ thú y tiêm ngừa vaccine phòng chống cúm gia cầm
Xã còn phối hợp với ngành chức năng lập chốt kiểm dịch ở những đường giao thông chính ra vào vùng dịch, trực chiến kiểm tra, kiểm soát 24/24 và lập bảng cảnh báo vùng đang có dịch; thành lập 6 đoàn công tác, với hơn 120 lực lượng đủ các “binh chủng” tham gia, chia thành 24 tổ “hành quân” xuống tận xóm, ấp để dập tắt dịch bệnh đang tấn công đàn gia cầm, tích cực để hoàn thành tiêm phòng 100% đàn gia cầm gần 44.500 con của nhân dân trong xã.
Anh Dương Đăng Khoa, Trưởng Trạm Thú y huyện Trần Văn Thời nhận định: “Tình hình DCGC diễn biến rất xấu không chỉ ở Khánh Bình mà đang có chiều hướng lây lan sang nhiều địa phương khác trong tỉnh. Vì vậy, chúng tôi triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, dập tắt ngay ổ dịch, nhất là phải xử lý nhanh những đàn gia cầm khi mới phát hiện bệnh”.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh liên tục có mặt tại vùng dịch trực tiếp kiểm tra tình hình phòng chống DCGC. Bí thư chỉ đạo các ngành hữu quan phải gấp rút hoàn thành các thủ tục để bà con có gia cầm bị tiêu hủy, nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Mặt khác các ngành đã hạn chế việc tổ chức các cuộc hội họp chưa cần thiết, tăng cường xuống địa bàn có dịch xảy ra dốc toàn lực cho việc khống chế dịch.
Tiền Giang: Một đàn vịt chết hàng loạt (12G).- Mới đây đàn vịt hơn 200 con của hộ ông Phan Van Tấn, ấp Thạnh Bình, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang gần 50 ngày tuổi đột nhiên phát bệnh, bỏ ăn rồi chết. Đây là đàn vị nuôi theo kiểu thả đồng chưa được tiêm phòng vaccine cúm gia cầm theo quy định. Sáng nay, 9-2, ông Lê Minh Khánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, đàn vịt chết trên do nhiễm bệnh Ecoli. Hiện nay, số vịt còn lại của ông Tấn đã được tiêu hủy để khống chế mầm bệnh lây lan. Chu Trinh |
Tại Bạc Liêu, cách đây 10 ngày, đàn vịt hơn 1 tháng tuổi với 1.100 con của anh Trần Văn Hận ở ấp 18, xã Phong Tân, huyện Giá Rai bị bệnh chết rải rác. Khi phát hiện, tỉnh đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ và đồng thời tiến hành các biện pháp khống chế, ngăn chặn dịch lây lan.
Ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch cho biết: Ngay khi phát hiện gia cầm chết, chúng tôi tiến hành tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, lấy bệnh phẩm đi xét nghiệm để xác định chính xác bệnh gì để phong ngừa điều trị tốt, những vùng có ổ dịch cũ thì tăng cường tiêu độc khử trùng, không để cho mầm bệnh tái phát”.
Hiện Bạc Liêu có trên 1,7 triệu con gia cầm, trong những ngày qua tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các ngành hữu quan tổ chức tiêm phòng dịch đạt khoảng 80% tổng đàn gia cầm, số gia cầm còn lại sẽ được tỉnh tiêm trong những ngày tới.
Những ngày qua, tại Sóc Trăng, đàn vịt gần 700 con khoảng 70 ngày tuổi của ông Lý Sà Rin, ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên cũng bị bệnh chết do virus H5N1. Còn tại Hậu Giang đàn vịt gần 2.500 con của 3 hộ ở xã Vị Thắng và xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy cũng bị chết hàng loạt. Hiện tại ngành chức năng ỏ các địa phương này đã khẩn trương tiêu hủy số vịt trên và tiến hành mọi công tác để khống chế .
Phong – Văn