Lây lan do giấu dịch
Từ đầu tháng 12-2018 đến nay, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh... làm nhiều heo mắc bệnh chết, khiến người nuôi lo lắng. Theo Cục Thú y, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời, chưa báo cáo đầy đủ theo quy định. Có nghĩa là cố tình giấu dịch. Mầm bệnh virus lưu hành nhiều trên đàn gia súc, trong khi hầu hết người chăn nuôi không tổ chức tiêm phòng đàn heo thịt. Do đó, khi gặp thời tiết bất lợi, rét đậm, rét hại, mưa nhiều… đã phát sinh dịch bệnh.
Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập; thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện. Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm. Thêm nữa, người chăn nuôi tự điều trị gia súc bị bệnh, gây lây lan dịch bệnh sang các đàn gia súc khác chưa có dịch bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp heo bệnh, heo nghi mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng... Ban đầu, dịch được phát hiện ở vài xã thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) nhưng sau 1 - 2 tuần đã lan ra nhiều huyện của Hà Nội rồi cả các tỉnh lân cận Hà Nội, thậm chí lan vào tận miền Trung khi tỉnh Hà Tĩnh phát hiện và phải tiêu hủy cả xe chở heo mắc bệnh lở mồm long móng.
Trả lời về tình trạng để dịch bùng phát mà không kiểm soát được, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đã đổ lỗi cho người chăn nuôi giấu bệnh và âm thầm tự điều trị. Tuy nhiên, thực tế thì Cục Thú y chỉ lên tiếng thừa nhận có dịch khi bị báo giới lên tiếng và Bộ NN-PTNT chỉ đạo vào cuộc, công bố dịch.
Chống dịch theo kiểu chữa cháy
Sau khi xảy ra tình trạng trên, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y mới tá hỏa tổ chức cấp tập các đợt triển khai dập dịch. Theo đó, ngày 30-12-2018, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác do ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y dẫn đầu đến các huyện của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để hướng dẫn, đôn đốc và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trước đó, ngày 29-12-2018, Bộ NN-PTNT cũng đã thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu cùng Cục trưởng Cục Thú y đến các huyện của TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình để hướng dẫn, đôn đốc. Cùng ngày, một đoàn công tác do Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy dẫn đầu tới các huyện của tỉnh Hà Nam để triển khai dập dịch.
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là Tết Nguyên đán 2019 đang cận kề, nhu cầu thực phẩm, rau thịt gia tăng nhưng lại để xảy ra dịch bệnh. Dịch bệnh làm người chăn nuôi thiệt hại nặng mặc dù thị trường cuối năm nóng lên. Về vấn đề hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi với mức 38.000 đồng/kg theo quy định, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, chi phí, giá thành chăn nuôi heo hiện nay khoảng 38.000 đồng - 40.000đồng/kg, với mức hỗ trợ như vậy thì người chăn nuôi hòa vốn. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, với người dân, cả một năm làm ăn trông đợi vào đàn heo, cuối năm đổ bệnh, không có lời thì cũng coi như thất bát vì tốn phí thời gian, công sức. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là Bộ NN-PTNT, Cục Thú y cùng các cơ quan liên quan phải khẩn trương cô lập dịch, không để lây lan để ảnh hưởng tới thị trường, nguồn cung thực phẩm cuối năm; hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi.