Dịch heo tai xanh diễn biến phức tạp

(SGGP).- Ngày 19-6, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dịch bệnh heo tai xanh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp và lan rộng khiến số bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn từ heo có chiều hướng gia tăng.

Đến nay, bệnh viện đã phải tiếp nhận trên 20 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn từ heo. Phần lớn các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, nôn, buồn nôn, sốt cao, lơ mơ dẫn đến hôn mê. Đáng lo ngại hơn, khá nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng do viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Qua tìm hiểu, những trường hợp mắc chứng bệnh nguy hiểm này đều ăn thịt heo bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của heo qua các vết thương ở da, đường hô hấp.

Trong khi đó, theo PGS-TS Lê Xuân Hùng, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét và ký sinh trùng trung ương, liên tiếp trong thời gian qua, tháng nào, viện cũng tiếp nhận vài chục bệnh nhân điều trị nhiễm ấu trùng sán heo. Thậm chí, có những thời điểm bệnh nhân mắc ấu trùng sán heo chiếm tới 70% - 80% số người điều trị tại phòng khám của Viện. Nhiều bệnh nhân nặng nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, động kinh, co giật...

PGS-TS Hùng cũng cho biết, người bị nhiễm ấu trùng sán heo thường bị ấu trùng sán heo cư trú và gây tổn thương não. Đây là bệnh lưu hành trong các vùng dân cư có mức sống thấp, điều kiện vệ sinh môi trường kém, sử dụng thức ăn chưa được nấu chín, nhất là ăn phải sán nằm trong thịt heo gạo. Nguy hiểm hơn, nhiễm trùng sán heo không chỉ do ăn tiết canh mà có thể ăn cả thịt nấu chưa chín, thịt của heo bệnh hoặc nhiễm sán khi tiếp xúc với nó.

Ngày 19-6, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm trong lĩnh vực y tế dự phòng”. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng đến mức báo động. Số liệu nghiên cứu cho thấy, gánh nặng của bệnh không lây nhiễm chiếm 71% tổng gánh nặng bệnh tật, cao gấp 6 lần so với gánh nặng bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng và các tình trạng bệnh lý bà mẹ - trẻ em. Cùng với đó, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh không lây nhiễm cũng đang tăng nhanh.

Các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mãn tính được coi là bệnh dịch gây ra những tác động trầm trọng và rộng lớn về kinh tế, xã hội và chính trị thông qua việc làm tăng chi phí y tế và giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội. Theo nhiều chuyên gia y tế, nguyên nhân của thực trạng gia tăng bệnh không lây nhiễm là do 2 yếu tố: quyết định về kinh tế xã hội (toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa, các yếu tố kinh tế - xã hội) và nguy cơ hành vi (hút thuốc, dinh dưỡng bất hợp lý, ít vận động, lạm dụng rượu bia). 

NG.QUỐC

Tin cùng chuyên mục