Dịch viêm phổi do virus Corona mới: 830 người nhiễm bệnh, 25 người tử vong tại Trung Quốc

Ngày 24-1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo tính đến hết ngày 23-1, đã có 25 người tử vong và 830 trường hợp được xác định bị viêm phổi do nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) tại 29 khu vực cấp tỉnh tại Trung Quốc.
Hành khách đeo khẩu trang khi di chuyển tại một nhà ga ở Hồ Bắc, Trung Quốc để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh viêm phổi do virus corona ngày 21-1-2020. Nguồn: AFP/TTXVN
Hành khách đeo khẩu trang khi di chuyển tại một nhà ga ở Hồ Bắc, Trung Quốc để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh viêm phổi do virus corona ngày 21-1-2020. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo NHC, tổng cộng có 1,072 trường hợp nghi nhiễm virus corona mới được ghi nhận tại 20 khu vực cấp tỉnh.

Hiện đã có 25 người thiệt mạng do nhiễm loại virus trên, trong đó có 24 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và trường hợp còn lại ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc nước này.

Khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hôm 31-12-2019, bệnh viêm phổi cấp tính chỉ trong vài ngày sau đó đã khiến hàng chục người người nhập viện cũng như lan nhanh và xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Ấn Độ và Việt Nam.

Hiện giới chuyên gia quốc tế đang lo ngại về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh, tương tự như đại dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng khiến gần 650 người tử vong hồi năm 2002-2003. Hong Kong, Trung Quốc, từng là "điểm nóng" dịch SARS năm 2003 và từng nhiều lần chứng kiến dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trong hơn một thập kỷ. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1.755 người ở Hong Kong đã nhiễm virus SARS và 299 người thiệt mạng vì dịch bệnh này vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong một thông cáo ngày 23-1, WHO cho biết tổ chức này chưa quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì virus corona.

Nhật Bản và Hàn Quốc xác nhận các ca nhiễm thứ 2

Ngày 24-1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã xác nhận trường hợp thứ hai mắc bệnh viêm phổi lạ do chủng virus corona mới gây ra.

Bệnh nhân này là nam giới, ở độ tuổi 40, đến từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đầu tiên phát hiện những trường hợp nhiễm virus chết người này. Ông này đã tới Nhật Bản hôm 19-1.

Trước đó, hôm 16-1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi ở Nhật Bản. Đó là người đàn ông Trung Quốc, đang sống ở tỉnh Kanagawa, phía Nam thủ đô Tokyo.

Cùng ngày, giới chức y tế Hàn Quốc cũng xác nhận trường hợp nhiễm virus gây bệnh viêm phổi lạ thứ hai ở nước này.

Nhóm virus corona thường được tìm thấy ở chim và các động vật có vú, các chủng virus giống nhau về hình thái và cấu trúc hóa học. Virus corona chủng OC43 và virus corona chủng 229E gây ra các bệnh hô hấp thông thường như cảm lạnh, cúm ở người. Cũng có những chủng gây bệnh nặng hơn như chủng corona gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) hay chủng gây Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS).


WHO chưa tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Mặc dù dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra đang có xu hướng lây lan trên diện rộng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố "hiện còn quá sớm" để tuyên bố dịch bệnh tại Trung Quốc này là tình trạng y tế khẩn cấp khiến quốc tế quan ngại (PHEIC).
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo số người nhiễm bệnh có thể tăng mạnh trong khi các chuyên gia y tế chưa xác định được chủng virus gây bệnh.
Dịch viêm phổi do virus Corona mới: 830 người nhiễm bệnh, 25 người tử vong tại Trung Quốc ảnh 1 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 22-1-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố với báo giới sau cuộc họp kín của Ủy ban Tình trạng khẩn cấp ngày 23-1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Hôm nay tôi chưa tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp khiến quốc tế quan ngại". Theo ông, các thành viên trong ủy ban tiếp tục bị chia rẽ về vấn đề này. Ông thừa nhận đây là một tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc, nhưng chưa ở cấp độ toàn cầu. 
Tổng Giám đốc WHO đánh giá Chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp phù hợp để kiềm chế dịch bệnh lan rộng và WHO hy vọng các biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo định nghĩa của WHO, PHEIC là một dịch bệnh/tình trạng y tế đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa y tế công cộng của nhiều nước khác thông qua lây truyền dịch bệnh trên phạm vi quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước phải cùng phối hợp dập dịch. 

Tin cùng chuyên mục