Hệ thống xử lý nước thải xuống cấp, kéo theo các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất không đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ quả, các hộ dân lân cận phải sống chung với ô nhiễm. Thực trạng trên đã và đang diễn ra tại cụm công nghiệp (CCN) Gò Mít (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Tràn ngập tiếng ồn, mùi hôi
Tại CCN Gò Mít, nước thải từ 3 cơ sở thu mua nhựa phế liệu của ông Nguyễn Bá Phong, Nguyễn Văn Hòa và bà Bùi Thị Tơ đang được xả theo đường ống thoát nước và chảy lênh láng ra mặt đường khiến cảnh quan nhếch nhác, mất vệ sinh. Nguyên nhân do hệ thống dẫn nước thải đến bể gom đã hư hỏng nặng; có đoạn bị tắc nghẽn, đoạn vỡ nứt.
Tương tự, tại khu vực phía Bắc CCN Gò Mít, nhiều năm rồi, hàng chục hộ dân ở khu phố An Hòa, thị trấn Ngô Mây cũng phải “sống chung” với mùi khăm khẳm bốc ra từ 2 cơ sở chế biến nước mắm Sơn Mỹ và Thủy Tài đóng tại CCN Gò Mít. Do “đặc trưng” của nghề, trong quá trình chế biến nước mắm gây ra mùi hôi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ gia đình xung quanh. “Trời có mưa còn đỡ, chứ tiết trời nắng nóng oi bức như thời điểm này, mùi hôi của nước mắm phát ra rất khó chịu. Nhiều lúc ăn cơm, mùi khăm khẳm cứ xộc vào mũi, không ai nuốt trôi nổi chén cơm!”, một người dân ở khu phố An Hòa, thị trấn Ngô Mây, bức xúc.
Ngoài các cơ sở thu mua nhựa phế liệu, sản xuất nước mắm, 2 năm qua, người dân ở khu phố An Hành Tây và An Hòa, thị trấn Ngô Mây còn bị tra tấn bởi tiếng ồn, bụi bặm, mùi hôi phát ra từ các cơ sở sản xuất gỗ của Công ty TNHH Yeneppoya Wood Processing, Công ty Sản xuất bột nhang Thế Kỷ Mới Bình Định hay nhà máy cán thép thuộc Công ty cổ phần Hùng Long…
Bà H. (64 tuổi), có nhà ở cạnh Công ty TNHH Yeneppoya Wood Processing, than thở: “Chúng tôi đã lớn tuổi mà hàng ngày cứ phải nghe những tiếng ồn và hít mùi hăng hăng từ các hóa chất chế biến gỗ nên chịu không nổi. Đó là chưa kể, tiếng cưa cắt, tiếng búa đập thép đinh tai nhức óc phát ra từ xưởng cán thép của Công ty cổ phần Hùng Long. Các cấp chính quyền can thiệp làm sao chứ để ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn như thế, dân ở đây sống trong mệt mỏi quá”.
Mùi hôi, bụi bặm phát tán từ cơ sở thu mua phế liệu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở khu phố An Hành Tây
Vẫn chỉ... hứa khắc phục
Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã gặp ông Huỳnh Văn Trúc, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát. Ông Trúc cho biết: “Gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, nên các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nước mắm, thu mua nhựa phế liệu, bột nhang, đồ gỗ xuất khẩu… trong CCN chỉ hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số cơ sở, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo môi trường, làm ảnh hưởng đến bà con xung quanh”.
Ông Trúc dẫn chứng: Phòng TN-MT đã có thông tin về hai cơ sở sản xuất nước mắm Thủy Tài và Sơn Mỹ trong quá trình hoạt động có phát sinh mùi hôi; 3 cơ sở thu mua nhựa phế liệu và một số đơn vị chế biến gỗ, sản xuất thép cũng phát sinh ra tiếng ồn, bụi bặm khi hoạt động. Thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với ngành chức năng lấy mẫu, đo các chỉ số về môi trường gửi cho Trung tâm Quan trắc TN-MT của Sở TN-MT kiểm tra, phân tích. Sau đó, căn cứ vào kết quả này, phòng sẽ đề xuất UBND huyện có hướng xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Trần Khoái, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Cát, thừa nhận: “Đúng là hiện nay khâu xử lý nước thải tập trung tại CCN Gò Mít chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, nên việc xử lý nước thải của các doanh nghiệp mới dừng lại ở bể chứa lắng thô sơ. Đáng ngại hơn, hiện đường ống dẫn nước thải về bể chứa thải nằm phía Tây Nam CCN Gò Mít đang xuống cấp nặng nên nước thải chảy ra bên ngoài. Phòng đang hoàn tất hồ sơ, đề nghị UBND huyện Phù Cát hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại đây”.
Trước sự bức xúc của người dân sống xung quanh CCN Gò Mít, mong các ngành chức năng huyện Phù Cát sớm có hướng giải quyết để đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ được sức khỏe và không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con nơi đây.
CCN Gò Mít hiện có 17 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực: sản xuất gỗ, bột nhang, thu mua nhựa phế liệu, cơ khí, chế biến nước mắm… góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, hàng ngày các đơn vị này thải ra môi trường một lượng lớn bụi bặm, nước thải bẩn và phát sinh tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở địa phương. |
NHUNG OANH