
Mùa mưa bão đã đến. Trên nhiều tuyến đê tại miền Bắc, nhất là đê biển Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa; đê sông Hà Tây, Bắc Giang, Hà Nội... đang tiềm ẩn sự mất an toàn do xuất hiện tình trạng nứt, lún, sụt lở; cho thấy khả năng chống chọi với thiên tai của nhiều tuyến đê là rất thấp.
Gần 1/2 chiều dài đê biển đang gặp sự cố
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN-PTNT), hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho gần 5 triệu dân ven biển, trên 300.000 ha sản xuất nông nghiệp, gần 30.000ha diện tích ngư nghiệp...
Mặc dù có vai trò lớn như vậy, song những tồn tại, bất cập của hệ thống đê biển này đã khiến cho không ít người giật mình.
Thống kê mới nhất cho thấy, trong số 1.450km đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam có khoảng 600km (tức là gần 1/2 chiều dài đê biển) chưa được cải tạo, nâng cấp hoặc chưa được đảm bảo cao trình theo thiết kế. Trong số này, hàng loạt điểm đen dễ vỡ, xuống cấp đã xuất hiện.
“Trong số các tuyến đê biển hiện nay, nhiều đoạn đê trên hệ thống đê ở Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa rất đáng báo động. Nếu có bão, hệ thống đê chỉ có thể chống được sức gió cấp 9 với điều kiện nước triều trung bình. Nếu bão cấp 10 đi kèm mưa trên 80 mm và triều cường nhiều tuyến đê biển phía Bắc khó chống đỡ” – ông Đặng Quang Tính, Cục trưởng Cục QLĐĐ và PCLB thừa nhận.

Đoạn đê sông Hồng tại Hà Tây bị sạt lở.
Tại các tỉnh Bắc bộ, trong đó có tỉnh Nam Định nhiều đoạn đê biển thuộc huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng đang đứng trước nguy cơ bị vỡ do bãi biển liên tục bị bào mòn, hạ thấp gây lở chân đê.
“Với thiết kế hiện tại, đê biển Nam Định chỉ chống được bão cấp 9 - 10 cộng với triều trung bình. Nếu bão lớn hơn kết hợp với triều cường, đê biển sẽ trực tiếp bị đe dọa” - ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định nói.
Trên dọc đoạn đê biển từ xã Giao Hải đến xã Bạch Long (huyện Giao Thủy) có tới 30 - 40 điểm sụt lún ngay trên kè đá chắn sóng. Nước biển đã đánh trôi mặt cỏ, để trơ lớp đất đỏ ngầu...
“Những điểm lở này là do bão những năm trước hoặc gió Nam kết hợp với nước lên làm sụt lún, nhưng vẫn chưa đắp lại. Lý do là vì ngoài đê có vùng bãi triều, nhiều người chủ quan vì sóng nhỏ chẳng mấy khi phá được thân đê” - ông Trần Văn Hải, xóm 16, xã Giao Hải cho biết.
Tại Hải Phòng, Quảng Ninh hầu hết mặt đê chưa được cứng hóa, thân đê cũng xuất hiện không ít sụt lún và nứt nẻ nên khi mưa lớn hoặc trong mùa mưa bão thường xảy ra hiện tượng sạt lở, lầy lội, nhiều đoạn không thể đi được.
Hệ thống đê biển Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh) cũng chẳng khá hơn dù khu vực này tần suất xuất hiện bão, lũ cao hơn các vùng khác. Thống kê sơ bộ, hiện khu vực này đang có 178/400 km đê biển không đủ cao trình chống lũ; bãi biển ở một số đoạn đã bị bào mòn, hạ thấp gây sạt lở chân kè, đe dọa đến sự an toàn đê biển, như đoạn Ninh Phú, Hậu Lộc (Thanh Hóa), đoạn kè Cẩm Nhượng, đê Hội Thống (Hà Tĩnh). Đặc biệt, hệ thống cống dưới đê biển dù rất nhiều về số lượng, nhưng lại có kết cấu tạm bợ và đang bị xuống cấp nghiêm trọng…
Hệ thống đê biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam có tổng chiều dài 563km, nhưng phần lớn đều được đắp bằng đất thịt pha cát, vì thế, vẫn thường xuyên bị sạt lở, đe dọa đến sự an toàn của toàn bộ tuyến đê. Đến nay, đa số tuyến đê biển của khu vực này chưa được gia cố, nên rất dễ bị xói, sạt lở khi có lũ, bão gây nước dâng...
Hầu hết các tuyến đê sông đều bị xâm hại
Hầu như tuyến đê trọng yếu nào trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũng bị xâm hại. Dọc bờ hữu, từ huyện Thường Tín đến huyện Phú Xuyên, nhiều đoạn đê gồ ghề với những ổ voi, ổ gà. Đây là hậu quả của việc mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng, công nông chạy trên mặt đê. Tại địa bàn xã Khai Thái (Phú Xuyên) những tấm bê tông trên mặt đê dày 20cm cũng không thể chịu nổi sự hành hạ quá tải của các chuyến xe liên tục chạy qua. Nhiều chỗ, tấm bê tông nứt làm đứt lớp cốt sắt bên trong kéo theo sự nứt vỡ của lớp đất nền trên mặt đê. Trong khi đó, phần dưới của chân đê nhiều lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động, xẻ thịt chân đê hình thành những vũng, hố nước lớn.
Trên tuyến đê trọng yếu của sông Đáy tình hình vi phạm cũng không kém. Các hoạt động khai thác cát dưới lòng sông luôn sôi động, ở cả bờ tả lẫn bờ hữu thuộc địa phận các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa và Mỹ Đức. Hàng trăm phương tiện đang tham gia rút ruột sông Đáy. Việc hút cát đã làm thay đổi kết cấu nền chân đê gây ra nhiều vết nứt ngang ở chân đê, tạo ra nhiều chỗ xoáy hàm ếch.
Ông Đỗ Hữu Tám xã Xuy Xá (Mỹ Đức) cho biết: “Những lúc nước rút nhìn rõ rất nhiều chỗ xoáy hàm ếch ở chân đê. Nếu lũ đến, sức tàn phá của sức nước rất lớn có thể gây vỡ đê”… Trong đợt kiểm tra vừa qua, các cơ quan chức năng Hà Tây đã phát hiện xử lý 255 vết nứt ngang, dọc đê sâu từ 2-6m, kẽ rộng từ 3-15cm, dài từ 3-20m.
Không riêng gì Hà Tây, hàng loạt các tuyến đê khác ở Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Tuyên Quang… cũng xảy ra tình trạng vi phạm đê điều nghiêm trọng dưới nhiều hình thức.
Tình hình đáng ngại là vậy, nhưng từ đầu năm 2008 đến nay tiến độ tu bổ đê của các địa phương rất chậm chạp: Hải Phòng đạt 8%, Thái Bình 13%, Nam Định 52%, Thanh Hóa 35%, Nghệ An 39%, Hà Tĩnh 10%… Tiến độ gia cố mặt đê của Hà Tây đạt 1%, Vĩnh Phúc 23%, Bắc Ninh 36%… so với kế hoạch năm.
Thành Nam