Nằm trong chuỗi các hoạt động của chiến dịch Giờ Trái đất 2017, Ban tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất đã khởi động dự án Điểm đến xanh và Tương lai xanh cho hơn 1.000 học sinh, sinh viên và khách du lịch trên địa bàn TPHCM. Chương trình do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op Mart ) và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM thực hiện.
Những tình nguyện viên môi trường
Dự án Tương lai xanh được phát triển trên nền tảng dự án Trường học sinh thái và Mái ấm xanh của những năm trước, nhưng có sự thay đổi đối tượng của chương trình từ học sinh cấp tiểu học, mẫu giáo sang độ tuổi học sinh lớn hơn. Cụ thể là học sinh ở Trường Trung học Thực hành (thuộc Trường Đại học Sư phạm) để bổ trợ thêm kiến thức về sống xanh, thông tin về những thói quen liên quan đến đời sống sinh hoạt thường ngày của các em như cách lựa chọn, chế biến thực phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khỏe, cách rèn luyện sức khỏe và khuyến khích các em tham gia nhiều hơn vào các hoạt động lành mạnh…
Đại sứ Chiến dịch Giờ Trái đất 2017, hai ca sĩ Issac và Ái Phương, đang cùng các học sinh, sinh viên và tình nguyện viên tham gia cuộc thi Kiến thức sống xanh
Tại buổi hoạt động, 2 đại sứ Isaac và Ái Phương trở thành đội trưởng của 2 đội thi với thành viên còn lại là học sinh khối 10 của trường cùng tham gia cuộc thi Kiến thức sống xanh. Những câu hỏi đi từ dễ tới khó, từ kiến thức phổ thông đến kiến thức khoa học, không đòi hỏi thí sinh phải có những hiểu biết quá cao siêu nhưng phải có sự quan sát và nắm bắt thông tin từ cuộc sống xung quanh, từ xã hội, nhà trường, gia đình; từ chợ, bếp ăn cho đến kiến thức trong sách vở… Ca sĩ - diễn viên Isaac và ca sĩ Ái Phương chia sẻ, bảo vệ môi trường không phải là những hành động gì to lớn mà bắt đầu ngay từ những thói quen sống hàng ngày. Đơn cử như tiết kiệm nước, tiết kiệm thực phẩm, hạn chế sử dụng túi ni lông và định hướng tiêu dùng ưu tiên sản phẩm của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng, doanh nghiệp đảm bảo xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường…
Riêng với dự án Điểm đến xanh, các tình nguyện viên đóng vai trò là đại sứ môi trường sẽ giới thiệu với khách du lịch những địa điểm nổi tiếng trên địa bàn thành phố. Tại những địa điểm này, ngoài hoạt động hỗ trợ du khách tham quan còn kèm theo tuyên truyền những hoạt động môi trường mà người dân có thể thực hiện được ngay. Cụ thể như nhặt rác, không xả rác nơi công cộng, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng… Cùng kết hợp với dự án Điểm đến xanh, các tình nguyện viên dự án Chuyển động xanh sẽ thực hiện đạp xe đạp với cờ và áo đồng phục qua các tuyến đường trung tâm và khu dân cư để gia tăng sự thu hút, quan tâm chú ý hơn từ phía cộng đồng đến các hoạt động bảo vệ môi trường của chiến dịch Giờ Trái đất.
Mở rộng vai trò đại sứ môi trường
Chia sẻ thêm về vấn đề này, thầy Đỗ Công Đoán, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành, cho biết: “Dự án Tương lai xanh là hoạt động vô cùng có ý nghĩa, giúp học sinh nhận thức tốt hơn về vấn đề môi trường hiện nay, để từ đó các em có những thay đổi về nhận thức cũng như thay đổi về hành vi trong việc đối xử với môi trường. Bản thân nhà trường cũng thường xuyên lồng ghép các vấn đề về Giờ Trái đất, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trong các buổi học ngoại khóa để giúp các em học sinh nhận thức tốt hơn về vấn đề này”.
Liên quan đến hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, ông Huỳnh Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết công ty đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn và tác hại của thực trạng ô nhiễm môi trường cho hơn 20 trường học, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên, học sinh. Các em được tập huấn các kỹ năng nhận biết rác thải vô cơ, hữu cơ và chất thải nguy hại. Từ đó, có kỹ năng thực hiện phân loại rác ngay trong hoạt động sinh hoạt thường ngày. Ông Huỳnh Minh Nhựt nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155 về việc tăng mức xử phạt đối với hành vi xả rác nơi công cộng. Mức phạt cho mỗi hành vi vi phạm rất nặng, 5 - 7 triệu đồng/hành vi. Tuy nhiên, tại nhiều quận huyện, theo phản ánh từ công nhân trực tiếp quét dọn, thu gom rác tại các tuyến đường của công ty thì tình trạng xả rác vẫn còn.
Điều này cho thấy, bên cạnh việc thực hiện tăng cường kiểm tra xử phạt đối tượng có hành vi vi phạm môi trường, việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, nhất là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh (lực lượng nòng cốt trong hoạt động bảo vệ môi trường) là rất quan trọng, góp phần quyết định hiệu quả của công tác cải thiện môi trường trên địa bàn thành phố. Xuất phát từ thực tế này, trong thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh; hỗ trợ kiến thức nhận diện các loại rác thải và thực hiện phân loại rác thải ngay tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường sống của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Phát huy vai trò mỗi thanh niên, tình nguyện viên là một đại sứ môi trường.
Có thể nói, những hoạt động chiến dịch Giờ Trái đất 2017 đang diễn ra rất sôi nổi. Tất cả các hoạt động trên đều hướng đến hưởng ứng đêm sự kiện chính “Chung tay tắt điện toàn cầu Giờ Trái đất năm 2017” diễn ra từ 16 giờ 30 đến 22 giờ ngày 25-3 tại sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TPHCM. Chương trình dự kiến thu hút hơn 5.000 thanh thiếu niên và người dân trên địa bàn thành phố tham dự với trọng tâm là vận động tắt đèn đồng loạt 1 giờ cùng toàn thế giới, lúc 20 giờ 30 theo giờ Việt Nam.
Minh Xuân - Minh Hải