Bản quyền ai mua cũng bán
Vừa qua, dư luận xôn xao trước một sự cố xuất bản. Có đơn vị làm sách đã vi phạm nghiêm trọng Luật Xuất bản, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, lỗi sai đã được phát hiện, đơn vị làm sai đã bị phạt; thế nhưng từ vụ việc này, người ta lại phát hiện ra một điều bất ngờ khác. Khi sự cố xảy ra, người thừa kế quyền tác giả của tác phẩm (tác giả đã mất) cho biết đã bán bản quyền cho một đơn vị làm sách khác chứ không phải đơn vị có sai sót. Trên thị trường, người ta lại phát hiện ra một NXB nổi tiếng trong nước cũng đang xuất bản tác phẩm trên và theo thông tin ghi trên sách thì NXB này cũng có bản quyền hợp pháp. Dư luận đặt câu hỏi, ai là người vi phạm bản quyền trong trường hợp này, nhất là cả 2 đơn vị đều rất nổi tiếng về việc tôn trọng bản quyền.
Chẳng ai cả, cả 2 đều có hợp đồng bản quyền do chính người thừa kế ký. Qua trao đổi, câu chuyện mới dần được làm rõ, NXB đã mua bản quyền từ trước, sau đó đơn vị xuất bản kia mới đến hỏi mua. Người thừa kế cứ tưởng quyền tác giả bán hàng, ai mua thì bán. Phải đến khi sách xuất bản, cả 2 đơn vị mới ngã ngửa vì ai cũng có bản quyền. Về mặt luật thì dĩ nhiên đơn vị đến sau không còn quyền tác giả và người thừa kế phải trả lại tiền tác quyền đã nhận. Tuy nhiên, cả 2 đơn vị đều lẳng lặng bỏ qua vụ việc vì nhiều lý do, trong đó một lý do quan trọng là nhằm hỗ trợ gia đình tác giả cũng như không muốn ồn ào vụ việc gây ảnh hưởng đến tác giả đã mất, vốn có uy tín lớn.
Đây không phải là lần đầu câu chuyện như trên diễn ra. Cách đây không lâu, một nhà văn cũng gây ồn ào khi thấy tác phẩm của mình được số hóa và tặng bạn đọc trên mạng trong một chương trình quảng bá sách. Cho rằng việc này là xúc phạm đến giá trị tác phẩm của mình, tác giả đã phản ứng mạnh mẽ, gây dư luận với nhiều thông tin trái chiều. Cuối cùng đơn vị sử dụng bản quyền phải hủy bỏ chương trình quảng bá sách, khuyến khích đọc. Trong khi đó, việc quảng bá sản phẩm như trên đều nằm trong hợp đồng ban đầu và việc tặng sách dạng số hóa khác rất nhiều với sách giấy.
Theo phụ trách tác quyền của nhiều đơn vị xuất bản, làm sách, việc thiếu hiểu biết về chính quyền tác giả của nhiều người sáng tác trong nước là một trong các nguyên nhân quan trọng cản trở việc sử dụng tác phẩm của chính các tác giả. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành xuất bản đang có những thay đổi mạnh mẽ về mặt công nghệ, dẫn đến thay đổi toàn diện về các phương thức đọc sách, sáng tác, sử dụng tác phẩm… Đó là chưa kể, nhiều trường hợp các đơn vị làm sách thiếu trung thực đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các tác giả để gây thiệt hại từ vật chất đến tinh thần cho tác giả hay cho gia đình của người sáng tác.
Tư duy bản quyền không của riêng ai
Việc thay đổi tư duy không phải chuyện một sớm một chiều. Trước đây một số trung tâm bản quyền, công ty dịch vụ bản quyền ra đời để thay mặt tác giả đảm bảo quyền lợi. Các đơn vị này có ưu điểm là có hiểu biết pháp luật, có kiến thức về tài chính, có hệ thống giám sát chuyên nghiệp… thế nhưng, sau một thời gian đầu hồ hởi, các đơn vị này dần đánh mất hiệu quả. Ngoài các lý do chủ quan của các đơn vị, còn một lý do rất quan trọng ở chính bản thân các tác giả. Có tác giả sau một thời gian đã đến trung tâm bản quyền chê trách vì đã ủy quyền mà mãi không bán được sách, dù vai trò quảng bá sách không nằm trong trách nhiệm của trung tâm. Có tác giả thì theo trường phái vô tư, sách đã ủy quyền đơn vị về bản quyền nhưng khi bạn bè, người quen đến hỏi mua vẫn thoải mái ký với lý do “sách của tôi, bán cho ai là quyền của tôi”.
Chính vì vậy, để ổn định hoạt động, tránh các rắc rối về mặt luật pháp cũng như duy trì mối quan hệ tốt với các tác giả, nhiều đơn vị làm sách, xuất bản trong nước đành áp dụng hình thức “điểm mờ” trong việc sử dụng bản quyền. Thay vì xử lý về luật, trường hợp tác giả vi phạm, các đơn vị tự điều đình, dàn xếp với nhau. Các trường hợp tác giả do không hiểu về quyền tác giả gây trở ngại, thay vì dùng hợp đồng ràng buộc, các đơn vị đều cố gắng thuyết phục trên tinh thần tình cảm, tránh các xung đột.
Thế nhưng, “điểm mờ” trên đã gây ra các hệ lụy xấu cho xuất bản, gây ảnh hưởng tiêu cực cho quyền lợi của các đơn vị làm sách, xuất bản. Kết quả, nhiều đơn vị làm sách nghiêm túc nhưng không mạnh về tài chính trở nên e dè, ngại va chạm và để đảm bảo, họ chuyển qua làm sách nước ngoài vốn chuyên nghiệp về quyền tác giả. Ngay cả các đơn vị làm sách lớn cũng trở nên thận trọng hơn với các tác giả nổi tiếng. Thay vì ký hợp đồng dạng độc quyền, các đơn vị đã “sáng tạo” ra thuật ngữ “hợp đồng ưu tiên”. Theo đó, NXB được chủ động in ấn, xuất bản những tác phẩm của tác giả trên mà không cần phải xin phép. Tuy nhiên, hợp đồng này không ràng buộc về mặt bản quyền, nhà văn hoặc gia đình nhà văn có thể tiến hành in ấn, xuất bản tác phẩm của mình với các đơn vị xuất bản khác cũng trong khoảng thời gian này. Đây cũng là một hình thức ký bản quyền nhưng được “làm mờ” để tạo thuận lợi cho tác giả hay người sở hữu quyền tác giả.
Thế nhưng, sự ưu tiên trên chỉ dành cho những tác giả nổi tiếng, có tên tuổi, có lượng bạn đọc lớn. Với những tác giả mới, ít nổi tiếng thì tình hình ngược lại, các đơn vị làm sách, xuất bản để đảm bảo quyền lợi của mình đã có những ràng buộc rất chặt về quyền tác giả gây cho người sáng tác nhiều khó khăn.
Một nền xuất bản chuyên nghiệp không chỉ cần có những đơn vị làm sách chuyên nghiệp, mà đòi hỏi chính cả người sáng tác cũng cần chuyên nghiệp. Cả ở sáng tác lẫn việc am hiểu về quyền và nghĩa vụ của chính mình.
Vừa qua, dư luận xôn xao trước một sự cố xuất bản. Có đơn vị làm sách đã vi phạm nghiêm trọng Luật Xuất bản, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, lỗi sai đã được phát hiện, đơn vị làm sai đã bị phạt; thế nhưng từ vụ việc này, người ta lại phát hiện ra một điều bất ngờ khác. Khi sự cố xảy ra, người thừa kế quyền tác giả của tác phẩm (tác giả đã mất) cho biết đã bán bản quyền cho một đơn vị làm sách khác chứ không phải đơn vị có sai sót. Trên thị trường, người ta lại phát hiện ra một NXB nổi tiếng trong nước cũng đang xuất bản tác phẩm trên và theo thông tin ghi trên sách thì NXB này cũng có bản quyền hợp pháp. Dư luận đặt câu hỏi, ai là người vi phạm bản quyền trong trường hợp này, nhất là cả 2 đơn vị đều rất nổi tiếng về việc tôn trọng bản quyền.
Chẳng ai cả, cả 2 đều có hợp đồng bản quyền do chính người thừa kế ký. Qua trao đổi, câu chuyện mới dần được làm rõ, NXB đã mua bản quyền từ trước, sau đó đơn vị xuất bản kia mới đến hỏi mua. Người thừa kế cứ tưởng quyền tác giả bán hàng, ai mua thì bán. Phải đến khi sách xuất bản, cả 2 đơn vị mới ngã ngửa vì ai cũng có bản quyền. Về mặt luật thì dĩ nhiên đơn vị đến sau không còn quyền tác giả và người thừa kế phải trả lại tiền tác quyền đã nhận. Tuy nhiên, cả 2 đơn vị đều lẳng lặng bỏ qua vụ việc vì nhiều lý do, trong đó một lý do quan trọng là nhằm hỗ trợ gia đình tác giả cũng như không muốn ồn ào vụ việc gây ảnh hưởng đến tác giả đã mất, vốn có uy tín lớn.
Đây không phải là lần đầu câu chuyện như trên diễn ra. Cách đây không lâu, một nhà văn cũng gây ồn ào khi thấy tác phẩm của mình được số hóa và tặng bạn đọc trên mạng trong một chương trình quảng bá sách. Cho rằng việc này là xúc phạm đến giá trị tác phẩm của mình, tác giả đã phản ứng mạnh mẽ, gây dư luận với nhiều thông tin trái chiều. Cuối cùng đơn vị sử dụng bản quyền phải hủy bỏ chương trình quảng bá sách, khuyến khích đọc. Trong khi đó, việc quảng bá sản phẩm như trên đều nằm trong hợp đồng ban đầu và việc tặng sách dạng số hóa khác rất nhiều với sách giấy.
Theo phụ trách tác quyền của nhiều đơn vị xuất bản, làm sách, việc thiếu hiểu biết về chính quyền tác giả của nhiều người sáng tác trong nước là một trong các nguyên nhân quan trọng cản trở việc sử dụng tác phẩm của chính các tác giả. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành xuất bản đang có những thay đổi mạnh mẽ về mặt công nghệ, dẫn đến thay đổi toàn diện về các phương thức đọc sách, sáng tác, sử dụng tác phẩm… Đó là chưa kể, nhiều trường hợp các đơn vị làm sách thiếu trung thực đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các tác giả để gây thiệt hại từ vật chất đến tinh thần cho tác giả hay cho gia đình của người sáng tác.
Tư duy bản quyền không của riêng ai
Việc thay đổi tư duy không phải chuyện một sớm một chiều. Trước đây một số trung tâm bản quyền, công ty dịch vụ bản quyền ra đời để thay mặt tác giả đảm bảo quyền lợi. Các đơn vị này có ưu điểm là có hiểu biết pháp luật, có kiến thức về tài chính, có hệ thống giám sát chuyên nghiệp… thế nhưng, sau một thời gian đầu hồ hởi, các đơn vị này dần đánh mất hiệu quả. Ngoài các lý do chủ quan của các đơn vị, còn một lý do rất quan trọng ở chính bản thân các tác giả. Có tác giả sau một thời gian đã đến trung tâm bản quyền chê trách vì đã ủy quyền mà mãi không bán được sách, dù vai trò quảng bá sách không nằm trong trách nhiệm của trung tâm. Có tác giả thì theo trường phái vô tư, sách đã ủy quyền đơn vị về bản quyền nhưng khi bạn bè, người quen đến hỏi mua vẫn thoải mái ký với lý do “sách của tôi, bán cho ai là quyền của tôi”.
Chính vì vậy, để ổn định hoạt động, tránh các rắc rối về mặt luật pháp cũng như duy trì mối quan hệ tốt với các tác giả, nhiều đơn vị làm sách, xuất bản trong nước đành áp dụng hình thức “điểm mờ” trong việc sử dụng bản quyền. Thay vì xử lý về luật, trường hợp tác giả vi phạm, các đơn vị tự điều đình, dàn xếp với nhau. Các trường hợp tác giả do không hiểu về quyền tác giả gây trở ngại, thay vì dùng hợp đồng ràng buộc, các đơn vị đều cố gắng thuyết phục trên tinh thần tình cảm, tránh các xung đột.
Thế nhưng, “điểm mờ” trên đã gây ra các hệ lụy xấu cho xuất bản, gây ảnh hưởng tiêu cực cho quyền lợi của các đơn vị làm sách, xuất bản. Kết quả, nhiều đơn vị làm sách nghiêm túc nhưng không mạnh về tài chính trở nên e dè, ngại va chạm và để đảm bảo, họ chuyển qua làm sách nước ngoài vốn chuyên nghiệp về quyền tác giả. Ngay cả các đơn vị làm sách lớn cũng trở nên thận trọng hơn với các tác giả nổi tiếng. Thay vì ký hợp đồng dạng độc quyền, các đơn vị đã “sáng tạo” ra thuật ngữ “hợp đồng ưu tiên”. Theo đó, NXB được chủ động in ấn, xuất bản những tác phẩm của tác giả trên mà không cần phải xin phép. Tuy nhiên, hợp đồng này không ràng buộc về mặt bản quyền, nhà văn hoặc gia đình nhà văn có thể tiến hành in ấn, xuất bản tác phẩm của mình với các đơn vị xuất bản khác cũng trong khoảng thời gian này. Đây cũng là một hình thức ký bản quyền nhưng được “làm mờ” để tạo thuận lợi cho tác giả hay người sở hữu quyền tác giả.
Thế nhưng, sự ưu tiên trên chỉ dành cho những tác giả nổi tiếng, có tên tuổi, có lượng bạn đọc lớn. Với những tác giả mới, ít nổi tiếng thì tình hình ngược lại, các đơn vị làm sách, xuất bản để đảm bảo quyền lợi của mình đã có những ràng buộc rất chặt về quyền tác giả gây cho người sáng tác nhiều khó khăn.
Một nền xuất bản chuyên nghiệp không chỉ cần có những đơn vị làm sách chuyên nghiệp, mà đòi hỏi chính cả người sáng tác cũng cần chuyên nghiệp. Cả ở sáng tác lẫn việc am hiểu về quyền và nghĩa vụ của chính mình.