Điểm sáng trong hoạt động bảo vệ môi trường

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, TPHCM đã phải chi hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, rất nhiều công trình đã và đang có nguy cơ bị tái ô nhiễm vì thiếu sự tham gia bảo vệ của cộng đồng. Ngược lại cũng có nhiều khu phố, không cần ngân sách phải đầu tư tiền tỷ để cải thiện chất lượng môi trường mà môi trường sống ở đây vẫn luôn được giữ xanh, sạch.
Điểm sáng trong hoạt động bảo vệ môi trường

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, TPHCM đã phải chi hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, rất nhiều công trình đã và đang có nguy cơ bị tái ô nhiễm vì thiếu sự tham gia bảo vệ của cộng đồng. Ngược lại cũng có nhiều khu phố, không cần ngân sách phải đầu tư tiền tỷ để cải thiện chất lượng môi trường mà môi trường sống ở đây vẫn luôn được giữ xanh, sạch.

Điểm sáng trong hoạt động bảo vệ môi trường ảnh 1

Bỏ rác vào đúng nơi quy định để mang đi xử lý tại Bến Ghe, phường 2, quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO MINH

Sống trong môi trường ô nhiễm = bệnh

Ông Hoàng Cảnh Dương, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, tình trạng ô nhiễm phổ biến nhất hiện nay là ô nhiễm kênh rạch. Nguyên nhân là do hệ thống kênh rạch là nguồn tiếp nhận nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Không chỉ vậy, ý thức kém của một bộ phận người dân đã lấn chiếm và xả rác xuống lòng kênh dẫn đến tù đọng nước, gây ô nhiễm.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của thành phố, hiện thành phố đang có khoảng 2.000km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải. Thế nhưng, nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước trên của thành phố.

Thực trạng môi trường sống ô nhiễm đã khiến cho sức khỏe cộng đồng bị tác động khôn lường. Thống kê sơ bộ từ Sở Y tế cho thấy, hiện tại những khu vực dân cư có môi trường sống ô nhiễm đang có nguy cơ bị đe dọa bởi những loại dịch bệnh như bệnh về tiêu hóa là tả lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt… Đáng lo ngại nhất là những bệnh do ô nhiễm hóa chất gây ra nhưng thường những bệnh này không xuất hiện tức thời mà độc tính của hóa chất tích lũy lâu dần gây nên nhiều bệnh mãn tính rất khó chữa trị.

Trên thực tế, tình trạng dịch bệnh trong cộng đồng dân cư do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm đã xảy ra gần đây. Cụ thể, tại khu dân cư xóm ghe trên dòng kênh Tẻ, phường Tân Thuận Tây, quận 7 làm 20 người mắc bệnh tả; hay tình trạng bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại phường 4 quận 8…

Cải thiện môi trường ô nhiễm phải từ cộng đồng

Nhằm giúp người dân có môi trường sống tốt hơn, hàng loạt công trình cải tạo môi trường đã được thành phố triển khai. Đơn cử như dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm tại quận 6, 11, và Tân Phú với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; xây dựng nhà máy xử lý suối Nhum phường Linh Trung quận Thủ Đức với tổng vốn đầu tư 617 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ với tổng vốn lên đến hơn 8.000 tỷ đồng…

Bên cạnh những dự án lớn, thành phố còn bỏ ra hàng chục tỷ đồng hàng năm để nạo vét kênh, rạch. Chỉ đáng tiếc là vừa nạo vét xong thì chỉ trong một thời gian ngắn rác lại ngập kênh. Ông Bùi Văn Trường, đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị, cho biết có nhiều khu dân cư bị rác “bao vây” chung quanh nhưng không thể cải tạo được vì không thể đưa máy móc phương tiện hỗ trợ vào xử lý. Và đây thực sự là những ổ ô nhiễm lưu chứa hàng trăm loại dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Xuất phát từ thực tế đó, nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường bắt đầu từ cải thiện ý thức của cộng đồng đã được đề xướng và thực hiện. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nhựt chia sẻ, hội đã thành lập câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Định kỳ hàng tháng, các thành viên trong câu lạc bộ ra quân thực hiện cải tạo công trình thực tế là tuyến đường không rác với chiều dài từ 1.000 - 1.500m. Quan trọng hơn là phổ biến kiến thức giúp người dân hiểu được tác hại đến sức khỏe của mình và gia đình nếu để môi trường sống chung bị ô nhiễm.

Riêng tại quận 6 thì cách làm có khác hơn. Đó là để có thể cải tạo hiện trạng ô nhiễm, ngoài sự đầu tư kinh phí của thành phố thì chính quyền địa phương còn vận động người dân tham gia đóng góp. Tuy số tiền vận động không nhiều nhưng một khi người dân thấy được hiệu quả đồng tiền mà mình bỏ ra thì trách nhiệm gìn giữ hiệu quả ấy cũng được cải thiện và nâng lên rất nhiều. Thực tế đã cho thấy họ đã cùng cộng đồng trách nhiệm bằng cách không cho phép người dân trong khu phố cũng như khách vãng lai từ nơi khác đến xả rác bừa bãi trong khu dân cư sinh sống…

Còn ở phường 2 quận Bình Thạnh thì có sáng kiến hơn khi thành lập tổ tự quản môi trường tại khu phố có tên là Bến Ghe. Tổ tự quản đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và người dân để cùng xây dựng những giải pháp giải quyết những điểm nóng ô nhiễm môi trường. Cụ thể, xác định điểm tập kết rác, xây dựng mức phí thu gom rác phù hợp với thu nhập người dân, kiểm soát phát hiện và xử lý kịp thời hành vi xả rác bừa bãi của người dân… Nhờ vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, môi trường sống tại đây đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Đây chỉ mới là số ít trong nhiều khu phố, phường đã và đang tự cải thiện và bảo vệ môi trường sống của chính mình rất tốt. Tuy nhiên, điều này đủ để chứng minh bất kỳ công trình cải thiện môi trường nào dù lớn hay nhỏ chỉ thực sự đạt được hiệu quả cao và lâu dài khi có sự tham gia của chính cộng đồng - cư dân đang sinh sống tại khu vực đó. Và nếu thiếu yếu tố này thì dù tiền tỷ đổ ra để cải tạo ô nhiễm môi trường cũng bị trôi sông.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục