Điểm thi tốt nghiệp môn Văn “thấp bất thường” ở ĐBSCL: Thí sinh có quyền yêu cầu chấm phúc khảo

Kiên Giang, Đồng Tháp công bố điểm thi tốt nghiệp THPT

Theo thống kê sơ bộ từ 2/3 các địa phương đã công bố kết quả thi và báo cáo về bộ, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay đạt khoảng trên 80%, cao hơn so với năm 2008. Ngày 22-6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2009 từ các địa phương để có cơ sở tổng hợp kết quả chung của toàn quốc. Dự kiến, ngày 24-6, bộ sẽ công bố kết quả chung.

Liên quan đến “sự cố” điểm môn Văn thấp bất thường ở một số tỉnh ĐBSCL, ngày 22-6, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã trao đổi với báo chí cho biết, hiện đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đang làm việc với 3 tỉnh có khiếu nại về chấm thi môn Văn là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Ngoài 3 tỉnh này, bộ cũng sẽ chấm thẩm định một số địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố có kết quả cao đột biến để có đánh giá tổng quát về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Ông Nghĩa cho rằng, với kết quả thi tốt nghiệp năm nay, có thể nói là chất lượng dạy và học ở các tỉnh đã được nâng lên. Thời điểm trước năm 2007, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao do thi cử ở nhiều nơi lộn xộn. Đến năm 2007, khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực và gian lận thi cử) thì kết quả này rớt xuống rất thấp. Năm 2009 này, sau 3 năm thực hiện “hai không” thì mọi việc đã đi vào quỹ đạo, các địa phương đã “xốc” lại giảng dạy, thi cử nên kết quả đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Theo ông Nghĩa, để lý giải tại sao kết qủa môn Văn thấp phải chờ kết quả chấm thẩm định của đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, dự kiến sẽ có  vào cuối tuần này. Kết quả này sẽ là căn cứ để khẳng định, các tỉnh chấm sai hay đúng, nếu sai sẽ bị xử lý kỷ luật. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, đáp án và barem môn Văn quá chặt chẽ, chi tiết đến 0,25 điểm, trong khi giáo viên chấm theo kiểu “đếm ý cho điểm” khiến học sinh bị thiệt thòi, nhưng theo ông Nghĩa, barem càng chặt thì chấm càng chính xác. “Điểm yếu nhất của thi theo phương pháp tự luận là độ “vênh”, không đồng đều trong quá trình chấm thường xảy ra, nhất là môn Văn. Vì vậy, trong quy chế chấm thi, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số quy định để hạn chế độ “vênh” như: điểm toàn bài bằng nhau hoặc lệch dưới 1 điểm, hai giám khảo phải thảo luận thống nhất điểm; nếu điểm toàn bài lệch nhau từ 1,0 điểm đến dưới 2,0 điểm: hai giám khảo đối thoại và báo cáo tổ trưởng tổ chấm thi để thống nhất”, ông Nghĩa cho biết.

Hiện có ý kiến cho rằng, chấm chéo là một trong những nguyên nhân khiến điểm môn Văn thấp “bất thường”? Ông Nghĩa lý giải, nếu không có “bất thường” thì chấm chéo sẽ không có ý nghĩa gì cả. Để ra được quyết định tổ chức chấm chéo, Bộ GD-ĐT đã dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu kết quả thi của những năm trước đó. Cụ thể, những dữ liệu này cho thấy, năm ngoái, việc chấm thi tự luận quá “rộng tay”.

Khi triển khai chấm chéo, điều mà xã hội lo nhất chính là công tác vận chuyển bài thi có an toàn không, có xảy ra sai sót, đánh tráo bài thi hay không, rồi liệu có tình trạng chấm “sát phạt, trù dập” hay không. Hiện từ thực tế kiểm tra, Bộ GD-ĐT khẳng định, không có “sự cố” nào xung quanh vấn đề này. “Tôi cũng xin khẳng định không giáo viên chấm thi nào chấm “sát phạt, trù dập”, vì nếu phát hiện chấm sai sẽ bị xử lý ngay. Nhưng phải thừa nhận, có tâm lý khi chấm bài cho học sinh của mình thì độ “nới tay” sẽ nhiều hơn; còn khi chấm chéo, thay vì “nới tay” thì giám thị sẽ chấm chặt hơn”, ông Nghĩa nói.

Hiện các đoàn thanh tra đã đến các tỉnh có khiếu nại về điểm môn Văn nhưng chưa có thông tin phản hồi. Bộ GD-ĐT cho biết, khi nào có kết quả bộ sẽ công bố công khai. Việc thanh tra chấm thẩm định và chấm phúc khảo là 2 vấn đề khác nhau hoàn toàn. Chấm thẩm định là công việc độc lập; còn về kết quả của thí sinh, nếu các em chưa hài lòng có quyền yêu cầu phúc khảo. Điều kiện phúc khảo là có điểm thi thấp hơn điểm tổng kết trung bình môn cả năm học 2 điểm.

Lâm Nguyên

Kiên Giang, Đồng Tháp công bố điểm thi tốt nghiệp THPT

Ngày 21-6, Sở GD-ĐT hai tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp đã ra thông báo yêu cầu các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn khẩn trương niêm yết kết quả thi tốt nghiệp THPT dù Thanh tra Bộ GD-ĐT vẫn chưa có kết luận về điểm thi môn Văn thấp bất thường ở hai địa phương này. Theo đó, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT tại Kiên Giang là 59,3%; Đồng Tháp là 64,1%. Trong khi chờ hướng giải quyết của Bộ GD-ĐT về vấn đề điểm thi Văn quá thấp, Sở GD-ĐT Kiên Giang và Đồng Tháp đã tiến hành nhận đơn phúc khảo của các học sinh.

Đ.Tuyển

Tin cùng chuyên mục