Điện ảnh - cuộc chơi lắm tiền

Mùa phim hè 2016 đang liên tiếp trình làng những phim bom tấn đình đám với kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD và doanh số thu về cũng xác lập không ít kỷ lục ấn tượng. Cuộc đua ở lĩnh vực điện ảnh hiện nay luôn đầy hấp dẫn và mạo hiểm giữa các nhà sản xuất, phát hành và nó chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. 
Điện ảnh - cuộc chơi lắm tiền

Mùa phim hè 2016 đang liên tiếp trình làng những phim bom tấn đình đám với kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD và doanh số thu về cũng xác lập không ít kỷ lục ấn tượng. Cuộc đua ở lĩnh vực điện ảnh hiện nay luôn đầy hấp dẫn và mạo hiểm giữa các nhà sản xuất, phát hành và nó chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Cuộc đua trăm triệu USD

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chưa bao giờ việc làm phim ở Hollywood lại đắt đỏ đến như vậy. Năm 2007, hãng Disney bỏ ra số tiền lên đến 300 triệu USD để thực hiện phim Pirates of the Caribbean: At World’s End. Sau đó 5 năm, hãng này cũng bỏ ra số tiền 264 triệu USD để thực hiện siêu phẩm John Carter. Đó chỉ là hai trong số những ví dụ cho thấy, trong cuộc đua điện ảnh, kinh phí đầu tư cho mỗi tác phẩm chưa bao giờ có giới hạn cuối cùng. Đặc biệt, với thể loại phim siêu anh hùng và khoa học viễn tưởng, kinh phí sản xuất mỗi tác phẩm, ít khi nào nằm dưới ngân sách 200 triệu USD. Và dĩ nhiên, số tiền này không bao gồm chi phí tiếp thị phim hay các phí sản xuất phát sinh khác. Nhiều tác phẩm, các chi phí này cũng lên đến hàng trăm triệu USD. 

Những phim bom tấn đình đám luôn tiêu tốn hàng trăm triệu USD kinh phí sản xuất

Tính ở thời điểm năm 2016, nếu tính cả chi phí lạm phát, Pirates of the Caribbean: At World’s End là bộ phim đắt đỏ nhất thế giới, ước tính 341 triệu USD ngân sách sản xuất. Cũng theo công thức này, bộ phim Titanic (năm 1997) sẽ xếp vị trí á quân với 296 triệu USD kinh phí thực hiện (ở thời điểm đó là 200 triệu USD). Một ví dụ khác là trường hợp của phim Cleopatra được thực hiện năm 1963 với kinh phí 31 triệu USD, theo thời giá hiện nay là 241 triệu USD. Điều này, thêm một lần nữa khẳng định cuộc chơi điện ảnh luôn là cuộc chơi lắm tiền nhiều của. 

Có nhiều yếu tố nhưng lại rất khó để xác định một cách chính xác là bắt đầu từ khi nào, kinh phí thực hiện các bộ phim bắt đầu tăng phi mã như hiện nay. “Có hai yếu tố lớn: nhân công và công nghệ”, nhà sản xuất Paul Schwake, người từng giữ chức giám đốc điều hành tại Skydance Media cho hay. Theo tính toán, trong một bộ phim với số lượng khiêm tốn từ 150 - 250 cảnh hiệu ứng thị giác, mỗi cảnh kéo dài 5 giây thì kinh phí thực hiện cho mỗi cảnh như thế đã tiêu tốn từ 70.000 - 100.000USD. Nếu tính số lao động tham gia vào những công việc đó, chi phí sẽ từ 11 - 25 triệu USD. Với những bộ phim hành động có nhiều cảnh quay kỹ xảo, con số đó chắc chắn cao hơn rất nhiều. Theo tờ New York Times, đối với bộ phim Pirates of the Caribbean: At World’s End, tính riêng về chi phí hiệu ứng hình ảnh, mỗi phút tiêu tốn 1 triệu USD. 

Trong thời đại công nghệ vô cùng phát triển như hiện nay, Schwake bổ sung: “Đạo diễn nào cũng muốn thực hiện bộ phim có kỹ xảo “chưa từng có trước đây”. Vì thế, mọi thứ sẽ leo thang theo”. Nếu muốn chuyển đổi bộ phim sang định dạng 3D, chi phí bổ sung từ 10 - 15 triệu USD. 

Ngất ngưởng cát-xê

Trong nỗ lực luôn muốn làm hài lòng khán giả, một tiêu chí không thể không nhắc đến đó là sự góp mặt của những ngôi sao ăn khách. Johnny Depp, người tham gia trong tất cả các phần phim của loạt phim Pirates of the Caribbean luôn nhận được mức thù lao với 8 con số. Riêng với phim At World’s End mức lương trả trước cho anh là 15 triệu USD và sau này, đến phần phim On Stranger Tides, có nguồn tin cho rằng nó đã tăng gấp đôi, lên gần 30 triệu USD. 

Sau thành công với hai lần đảm nhận vai chính trong phim Spider Man, Tobey Maguire đã đàm phán để được trả mức lương khổng lồ 15 triệu USD cộng với 7,5% doanh thu từ bộ phim. Trước đó, trong phim Spider Man 2, anh nhận tổng cộng là 27 triệu USD.

Những tác phẩm có sự tham gia của dàn sao đình đám với nhiều gương mặt hạng A, như: Avengers: Age of Ultron hay Batman vs Superman: Dawn of Justice, số tiền trả cho các diễn viên cũng là vấn đề đáng bàn. Năm 2015, khi tham gia Avenger, Robert Downey Jr. đã nhận được số lương ban đầu là 20 triệu USD. Các ngôi sao còn lại Chris Evans, Chris Hemsworth, Mark Ruffalo, Scarlett Johansson, Samuel L. Jackson và Jeremy Renner mức nhận dù thấp hơn, nhưng cũng không hề nhỏ. 

Và kết quả là...

Nhưng kết quả cho những lần đầu tư cả trăm triệu USD đó không phải lúc nào cũng giống nhau. Pirates of the Caribbean: At World’s End trở thành tác phẩm thành công nhất về mặt doanh thu năm 2007 với 963 triệu USD. Nhưng nó chỉ đứng thứ 3 trong loạt phim Dead Man’s Chest  đầu tư 225 triệu USD và thu về 1,07 tỷ USD, On Stranger Tides thu về 1,05 tỷ USD, sau khi bỏ ra 250 triệu USD. Trong khi đó, John Carter nhận thất bại đau đớn bởi phim chỉ thu về 284 triệu USD, cao hơn 20 triệu USD so với kinh phí sản xuất. 

Trong số các phim bom tấn, khi nói đến khả năng cân bằng hoàn hảo giữa kinh phí sản xuất và doanh thu, không thể không nhắc đến Avatar. Được đầu tư 237 triệu USD, quay hoàn toàn bằng máy quay 3D, kết quả phim thu về 2,8 tỷ USD, đứng đầu danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Một số tác phẩm khác cũng được xem là thành công vang dội có thể kể đến: Star Wars: The Force Awakens doanh thu 2,06 tỷ USD - chi 200 triệu USD; Jurassic World thu 1,67 tỷ USD - chi 150 triệu USD; Titanic thu 2,19 tỷ USD - chi 200 triệu USD. Điều đó cho thấy, ngay cả ở Hollywood, hiếm có nhà làm phim nào dám tự tin khẳng định mình sẽ thắng.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục