Phiên thảo luận với sự chủ trì của Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP; TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng; ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM; ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.

Doanh nghiệp phải thoát khỏi thực trạng chỉ có một, hai thị trường
Thảo luận về chủ đề tăng cường năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết: Vấn đề đang tác động rất lớn là chính sách thuế quan và bảo hộ của các nước. Trong tình hình hiện nay, ngành LTTP không chỉ là một ngành kinh tế, mà còn là trách nhiệm xã hội, là lá chắn mềm của nền kinh tế để giữ nền sản xuất, việc làm, chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp
Bà đưa ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm về tái định vị thị trường xuất khẩu mà câu chuyện thuế quan đang ảnh hưởng rất nhiều. Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa tìm được một thị trường như Hoa Kỳ để xuất hàng qua. Với họ, như vậy là đủ nên chưa có tư duy phải tìm thêm các thị trường khác. Các doanh nghiệp phải thoát khỏi việc chỉ có 1-2 thị trường, khi có vấn đề xảy ra sẽ gặp khó khăn.

Mấy tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu vẫn tốt nhưng phân tích sâu trong ngành lương thực - thực phẩm, trong thời gian chờ 90 ngày, các doanh nghiệp sản xuất 3 ca ngày đêm cho kịp 90 ngày. Chúng tôi đã cảnh báo với các doanh nghiệp xuất khẩu cùng triển khai các thị trường ngách, thị trường Halal... Bà nhấn mạnh, tái định vị thị trường xuất khẩu là tìm kiếm các thị trường mới.
Kế đến là xây dựng lợi thế cạnh tranh. Sự khác biệt của các sản phẩm, trong mỗi chai nước mắm, bịch gạo cũng đều chứa đựng những câu chuyện.
Giải pháp xanh và số là năng lực sống còn, phải áp dụng tiết kiệm năng lượng, truy xuất nguồn gốc. Khi kết nối hệ sinh thái, khi một doanh nghiệp nhỏ nhận được đơn hàng lớn thì phải kết nối cùng sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm thích ứng, vượt qua thách thức, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Secoin, cho rằng doanh nghiệp cần tiên phong trong xuất khẩu vật liệu xây dựng có giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp Việt Nam với nỗ lực rất lớn trong cơn bão thuế quan, rào cản toàn cầu áp lên doanh nghiệp Việt. Bà chia sẻ có 5 giải pháp để thích ứng:
Ngay khi nhận thông tin thuế quan 46%, chúng tôi lập tức liên kết trong chuỗi cung ứng. Với 60 thị trường, chúng tôi thiết lập các chuỗi cung ứng. Hoa Kỳ chiếm 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng tôi. Nhà cung cấp phía Hoa Kỳ cho biết có thể chia ra 3 phần thuế quan, mỗi bên chịu 1/3 – gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng. Thống nhất không cạnh tranh về giá, tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, sản phẩm cạnh tranh về giá trị, về sự khác biệt.

Đa dạng hóa thị trường, không bỏ trứng vào cùng một giỏ. Các doanh nghiệp trong ngành VLXD của TPHCM dự hội chợ ở Úc, được ITPC hỗ trợ rất nhiều, lập nhóm doanh nghiệp cùng sang tìm kiếm khách hàng. Các hoạt động xúc tiến phải đánh đúng, cụ thể. Đây là nỗ lực từ chính quyền TPHCM cũng như chính các doanh nghiệp, tạo được hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam rất tốt trong mắt doanh nghiệp Úc. Đây là giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay.
Ngành VLXD cũng đang theo hướng xanh hóa, nhưng khi đa dạng thị trường phải tỉnh táo, khi mỗi thị trường có những bộ tiêu chuẩn khác nhau về tiêu chuẩn xanh. Không thể chạy theo từng tiêu chí, mà phải là bài toán chung, chuẩn hóa về xanh, bền vững theo hướng quốc tế, đáp ứng tất cả thị trường.
Khi bên ngoài nhiều rủi ro, doanh nghiệp cần quay về củng cố nội bộ, áp dụng chương trình tinh gọn của Nhật Bản. Quản trị tinh gọn là rất cần thiết để ứng biến các rủi ro bên ngoài.
Trên thực tế, khi đi vào các thị trường, xu hướng thương mại trên toàn cầu là nhà sản xuất và người tiêu dùng đến gần nhau hơn, bớt các cầu trung gian, B2C. Để đi theo hướng này, kênh thương mại điện tử là một cơ hội tốt, có thể giảm nhiều chi phí.
Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B AROBID, cho rằng mô hình truyền thống đã phát huy trong thời gian dài. Nhưng gần đây, chủ đề chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh được nhắc đến rất nhiều, quan tâm từ Trung ương đến địa phương. Để góp phần cho cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị phần, mở rộng thị trường, có rất nhiều giải pháp. Chúng tôi tiên phong triển khai mô hình triển lãm số trên nền tảng thương mại điện tử B2B, các gian hàng chốt hợp đồng trên sàn.

Khi cộng đồng doanh nghiệp tham gia trên sàn B2B thì có cơ hội mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Không chỉ giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát huy nội lực, sàn B2B là công cụ rất tốt để mở rộng thị trường ở nước ngoài. Đầu tiên sẽ mở sàn Việt Nam – Singapore để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường ở Singapore.
Hiện Việt Nam có 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tới đây các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho họ mở tài khoản trên sàn và miễn phí trọn đời. Đó là những thúc đẩy thực tiễn nhất của chúng tôi dành cho cộng đồng doanh nghiệp.
Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao để mua sản phẩm xanh
Với chủ đề về thị trường nội địa hơn 100 triệu dân, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ TPHCM, chia sẻ một số góc nhìn thực tế về hành vi tiêu dùng nội địa và cách doanh nghiệp cần đổi mới để tiếp cận hiệu quả. Cụ thể, chi tiêu cá nhân đang ở mức thận trọng. Sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có vấn đề, nên có chựng lại về chi tiêu, tiêu dùng. Theo ông, ngoài số liệu về các doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cũng cần thống kê đầy đủ số liệu các doanh nghiệp phát triển, có đóng góp về thuế.

Xu hướng cá nhân hóa sản phẩm và mua sắm đa kênh, vì thế các doanh nghiệp FDI đang làm tốt hơn doanh nghiệp trong nước rất nhiều. Ông Đức dẫn một khảo sát cho thấy 97% người tiêu dùng chia sẻ thích được cá nhân hóa, bất chấp lo ngại về tính riêng tư; 65% người tiêu dùng cho rằng một sản phẩm hay dịch vụ cần phải được cung cấp ở tất cả các kênh khác nhau.
Xu hướng quan tâm sức khỏe, sản phẩm xanh, sạch: Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn để mua những sản phẩm xanh, tốt cho sức khỏe, nhưng các bộ tiêu chuẩn của chúng ta chưa thực sự hoàn chỉnh. 74% khách hàng cho biết sẵn sàng trả giá cao hơn tới 20% để mua các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Chuyển đổi số, AI được nhắc rất nhiều, nhưng thực tế các DN nội địa vẫn còn loay hoay.
Chúng ta không thể đạt được tăng trưởng nếu không có việc đổi mới sáng tạo. Chúng ta chưa có những doanh nghiệp dân tộc. Các nhà bán lẻ cũng chưa có những mô hình phục vụ riêng cho người Việt, hiểu người Việt. Câu chuyện đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang rất thiếu.
Chạm vào bản sắc Việt, tự tôn dân tộc để chiếm ưu thế trên "sân nhà"
Ông Lê Duy Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn SCC cho biết, người tiêu dùng hiện tại, nhất là giới trẻ, thay đổi nhiều và rất khác so với truyền thống, đặc biệt là trải nghiệm cá nhân hóa. Hiện nay các sản phẩm được mua theo cá nhân, nên doanh nghiệp phải thấu hiểu để điều chỉnh cho phù hợp. Người tiêu dùng trẻ rất thông minh, quan tâm sự minh bạch trong tuyên bố chất lượng, thương hiệu tốt, thân thiện bền vững. Người tiêu dùng sẽ căn cứ vào những tiêu chí đó để quyết định mua sắm, chứ không cần biết là doanh nghiệp trong hay ngoài nước. Vì thế, doanh nghiệp nhìn vào người tiêu dùng là chính, chinh phục trái tim của người tiêu dùng chứ không cần đặt nặng về đối thủ.

Doanh nghiệp Việt phải hiểu người tiêu dùng Việt thay vì để các thương hiệu nước ngoài hiểu người tiêu dùng và tiếp cận đến từng cá nhân. SCC đã chạm được trái tim của người tiêu dùng nhờ chất lượng và nhờ chạm vào tự tôn dân tộc, nhấn mạnh vào bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Các kênh truyền thống và hiện đại phải được kết hợp với nhau một cách hài hòa, hiệu quả. Chúng ta đi theo người tiêu dùng chứ không phân mảnh, phát triển công nghệ thông tin để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tự tin chiếm được trái tim của người tiêu dùng, không e ngại trước các ông lớn nước ngoài.
Nêu ý kiến tại diễn đàn, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho rằng: Nhà nước cần có sự hỗ trợ về chính sách cho hợp tác xã nhiều hơn nữa. Saigon Co.op luôn ý thức sâu sắc về vai trò tiên phong trong việc kết nối hàng Việt với thị trường nội địa. Chính vì vậy, luôn ưu tiên hàng Việt trong cơ cấu kinh doanh, khoảng 95% hàng hóa trong hệ thống là hàng Việt Nam, với ưu tiên dành cho sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.
Thị trường bán lẻ nội địa Việt Nam hiện có quy mô khoảng 180 tỷ USD và dự báo sẽ chạm mốc 350 tỷ USD vào cuối năm 2025, không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ mà còn là thời điểm quan trọng để hàng Việt khẳng định vị thế ngay tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, sức ép từ hàng ngoại nhập đang gia tăng nhanh chóng. Sự bùng nổ của hàng giá rẻ ngoại nhập với mẫu mã đa dạng, giá thành cạnh tranh và hệ thống phân phối xuyên biên giới đang đặt ra thách thức không nhỏ cho hàng Việt.

Để giữ vững “sân nhà” và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nội địa cần tăng tốc đổi mới công nghệ, đầu tư chất lượng sản phẩm và mở rộng kênh phân phối hiện đại, đồng thời tận dụng sức mạnh tiêu dùng nội địa để tạo đà phát triển bền vững.
Saigon Co.op định hướng tập trung các giải pháp để giúp hàng hóa của doanh nghiệp trong nước ngày càng phát triển, tiếp tục xuất hiện trên các kệ hàng của hệ thống phân phối, duy trì tỷ lệ khoảng 95% hàng hóa nội địa. Áp lực sắp tới hàng hóa ngoại nhập vào sẽ rất lớn, khi 1% hàng Việt giảm xuống đồng nghĩa doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op sẽ tăng cường liên kết vùng, thắt chặt mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, để từ đó đưa hàng vào chuỗi cung ứng, phân định vùng nào sản xuất hàng gì. Tăng cường đầu tư và áp dụng các giải pháp công nghệ, số hóa, chuyển đổi công nghệ…, đưa hàng hóa tiếp cận đúng nhu cầu khách hàng.

Thêm nữa, phát triển các cửa hàng vật lý cũng rất quan trọng, song song với phát triển công nghệ. Vấn đề này liên quan đến đất đai, thuế sử dụng đất… Dự báo thị trường FMCG (tiêu dùng nhanh) cũng rất khả quan. Hiện nay, sự thâm nhập của các sàn thương mại điện tử quốc tế ồ ạt, hàng giá rẻ rất nhiều, tạo áp lực lớn đối với hàng nội địa. Chẳng hạn như, cùng một sản phẩm tiêu dùng, giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ bằng 1/3 so với hàng trong nước và tốc độ giao hàng cũng rất nhanh.
Triển vọng kinh tế nói chung và ngành bán lẻ Việt Nam nói riêng trong năm 2025 và giai đoạn 3–5 năm tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng thích ứng của doanh nghiệp, cũng như mức độ thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương cần đóng vai trò kiến tạo mạnh mẽ hơn thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Mặc dù những khó khăn, thách thức là không nhỏ, nhưng với sự chủ động, quyết tâm và đồng thuận giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn thử thách và tiếp tục phát triển một cách bền vững.

Chia sẻ góc nhìn đầu tư tài chính công và định hướng hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), thông tin về Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Mức hỗ trợ tối đa là 200 tỷ đồng, trong thời gian tối đa là 7 năm.

Ông Thanh cho biết hiện nay đã có một số đơn vị được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 09, như cơ khí Nhật Long, bệnh viện Tâm Anh, Kiều An, bệnh viện quận 7 và một số trường học.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, cho biết cần có chiến lược tiếp cận tài chính xanh. Ông cũng nêu thách thức khi các khung chính sách về tiêu chuẩn xanh đến nay vẫn chưa được ban hành.
Thực hiện: THANH CHIÊU - THỤY QUYÊN - TAM NGUYÊN - THU HƯƠNG
Kiến nghị về chính sách, cần khẩn trương ban hành các chính sách. Đặc biệt là các chính sách liên ngành, kết hợp hài hòa với nhau mới tạo nên giá trị. Chính sách công, đầu tư công, mua sắm công, vai trò của Nhà nước phải hết sức thúc đẩy. Chúng ta có thể đẩy nhanh mua sắm công, bao nhiêu sản phẩm là tái chế. Cần vốn mồi trong các nghiên cứu, mô hình thử nghiệm, như mô hình cộng sinh công nghiệp ở Hàn Quốc đã cho thấy hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn.

Để doanh nghiệp chuyển đổi kép, cần hết sức khẩn trương, gắn với chiến lược, mô hình kinh doanh. Các doanh nghiệp không chỉ nhìn thị trường trong nước mà còn thị trường quốc tế.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không làm cho vui, mà là công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc SATRA, chia sẻ: Để tránh trường hợp lệ thuộc quá nhiều vào kênh nước ngoài, các doanh nghiệp thành viên như Cofidec đã và đang xuất khẩu mạnh mẽ sang Nhật Bản (80% kim ngạch xuất khẩu), Hàn Quốc (10%) và các thị trường khác như Australia; lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Canada, Mỹ (10% kim ngạch xuất khẩu còn lại) với các mặt hàng thực phẩm chế biến, nông sản và thủy sản. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại thị trường châu Phi và Trung Đông, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế.
Thông qua diễn đàn, chúng tôi cũng đề xuất xây dựng cơ chế giao thương linh hoạt với các giải pháp logistics hiện đại, minh bạch về xuất xứ, cải cách thủ tục hành chính và xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp cận một hệ thống đồng bộ, trong đó chính sách – hạ tầng – hỗ trợ thị trường – kết nối quốc tế phối hợp chặt chẽ để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Hiện tại, SATRA vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và vướng mắc rất cần được hỗ trợ tháo gỡ và giải quyết như: việc triển khai dự án thương mại lớn thường gặp khó khăn do các quy định về ngành nghề kinh doanh chính, công tác quản lý và quản lý nhà đất. Chúng tôi kỳ vọng vào một cơ chế linh hoạt hơn, thời gian giải quyết nhanh chóng hơn – vừa đảm bảo giám sát chặt chẽ, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp khai thác hiệu quả tài sản công, không vuột mất cơ hội kinh doanh, từ đó xây dựng, khai thác những dự án, phương án sản xuất kinh doanh giá trị cao, góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bền vững cho Satra nói riêng và thành phố nói chung.
Thêm nữa, nguồn vốn là yếu tố then chốt cho sự phát triển đột phá của doanh nghiệp. Với một cơ chế tài chính hợp lý, doanh nghiệp sẽ có đủ năng lực để đầu tư vào hạ tầng bán lẻ, mở rộng quy mô dịch vụ, tận dụng cơ hội thị trường. Do đó, chúng tôi kiến nghị cơ chế cho phép doanh nghiệp được giữ lại nguồn vốn tích lũy phục vụ phát triển bên cạnh vốn điều lệ, đảm bảo khả năng tái đầu tư linh hoạt và sự tự chủ trong môi trường hội nhập cạnh tranh ngày càng gay gắt.

"Đâu đó vẫn còn bệnh hình thức khi triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Phải chuyển mindset của lực lượng lãnh đạo đơn vị, lan tỏa tinh thần đổi mới cho toàn bộ đội ngũ. Chuyển đổi số không phải làm cho vui hay làm màu, mà phải thực sự trở thành công cụ để tối ưu hóa hoạt động hiện tại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải hiểu rõ trong tình huống nào cần dùng công cụ gì. Làm tốt chuyển đổi số sẽ tác động qua lại, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp", ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc dịch vụ chuyển đổi số và ứng dụng AI, Tập đoàn FPT
Cuối diễn đàn, TS Cấn Văn Lực gửi gắm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lưu ý minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Sau những ý kiến đóng góp từ diễn đàn hôm nay, nên có một diễn đàn về bán lẻ Việt Nam và tổ chức thường niên. Bởi Việt Nam đang mất rất nhiều lợi thế trên sân nhà từ câu chuyện bán lẻ. Chuyên gia này cho rằng doanh nghiệp Thái Lan rất thích thị trường Việt Nam và rất thành công vì thâm nhập thị trường Việt Nam rất dễ.

Thay mặt Ban Tổ chức, Nhà báo Phạm Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, cho biết bên cạnh việc truyền tải các thông điệp, ý kiến từ diễn đàn trên các kênh truyền thông thuộc hệ sinh thái Báo SGGP, Báo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến, ý tưởng, giải pháp cụ thể của doanh nghiệp, chuyên gia xung quanh các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thị trường trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Từ đó làm thế nào thích ứng để đóng góp cho sự phát triển của TP, của đất nước.

Nhà báo Phạm Trường bày tỏ hy vọng, tới đây cùng cộng hưởng sức mạnh, ý tưởng sáng tạo, đồng bộ trong hỗ trợ giữa các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tạo bước ngoặt mới trong nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra sản phẩm có chất lượng để doanh nghiệp cùng nhau vượt lên chính mình, bước ra sân chơi toàn cầu.