Diện mạo Nhà Bè đang đổi thay

5 năm qua, huyện Nhà Bè phát triển mạnh ngành thương mại - dịch vụ, ngành này tăng trưởng nhanh (13,9%) và chiếm tỷ trọng cao (gần 93% trong cơ cấu kinh tế). Sự phát triển đó theo đúng định hướng Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện lần thứ X đề ra.
Diện mạo Nhà Bè đang đổi thay

5 năm qua, huyện Nhà Bè phát triển mạnh ngành thương mại - dịch vụ, ngành này tăng trưởng nhanh (13,9%) và chiếm tỷ trọng cao (gần 93% trong cơ cấu kinh tế). Sự phát triển đó theo đúng định hướng Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện lần thứ X đề ra.

Cũng trong thời gian này, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt Nhà Bè. Xuất phát từ năm 2010, thí điểm ở xã Nhơn Đức, chương trình được nhân rộng và nay cả 6/6 xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trước khi có nông thôn mới, đường giao thông ở Nhà Bè chủ yếu là đường đất. Giờ đây, các tuyến đường được trải nhựa, 61 tuyến hẻm được chỉnh trang từ sự góp sức của người dân. Tất cả các xã có quy hoạch nông thôn mới đều bố trí bài bản hệ thống giao thông, đất trường học, công viên, bệnh viện, đất ở...

Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ qua là huyện đã cơ bản giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân về nước sạch. Năm 2010, chỉ có 20% hộ dân Nhà Bè có nước sạch. Nay, mạng lưới cấp nước phát triển sâu rộng đến từng tuyến hẻm. Số hộ lắp đặt đồng hồ nước đạt gần 92%. Người dân rất phấn khởi, không còn sử dụng “nước không tên” - không đồng hồ nước, không còn cảnh thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, chi phí sinh hoạt được kéo giảm đáng kể. Chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên ở nhiều mặt. Huyện đã cơ bản xóa nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2 lần (từ 15 triệu đồng/người/năm lên 38 triệu đồng/người/năm). Do nằm trong vùng quy hoạch, một số quyền cơ bản của người dân theo quy định của Luật đất đai bị hạn chế như chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng (việc xây dựng chỉ cấp phép tạm)…

Những cao ốc khang trang đang thay đổi diện mạo huyện Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Từ nay đến năm 2020, vấn đề cốt lõi nhất là làm sao thực hiện được các quy hoạch trong quy hoạch chung, từng bước hình thành Khu đô thị - cảng Hiệp Phước, khai thác tốt Tân cảng Hiệp Phước và thúc đẩy các dự án khác. Có như vậy mới giải tỏa được tâm trạng bức xúc bao nhiêu năm qua của người dân sống trong vùng quy hoạch. Hạ tầng dù được cải thiện song vẫn là điểm khó của Nhà Bè. Các tuyến giao thông của huyện chủ yếu theo chiều Bắc - Nam, thiếu hẳn các trục Đông - Tây. Địa bàn bị sông rạch chia cắt và nhiều cây cầu đã xuống cấp trầm trọng. Muốn Nhà Bè phát triển nhanh, cần có cầu Phú Xuân 2 nối liền đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7) và các khu dân cư đang triển khai (dự án Đức Khải, Hồng Lĩnh...) ở phía Nhà Bè. Nếu có cầu, khu vực này sẽ thành cụm đô thị có sức hấp dẫn. Cả cụm Phước Lộc, Nhơn Đức, Long Thới phát triển nhanh, gắn liền với sự phát triển của quận 8 được hay không còn phụ thuộc có hay không cây cầu nối bờ đông - Tây xã Phước Lộc.

Một trong những chương trình trọng điểm trong giai đoạn tới của Nhà Bè chính là đẩy mạnh việc học chữ, học nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Huyện đang phối hợp với Khu công nghiệp Hiệp Phước, Việt - Nhật tuyển lao động có trình độ rồi đưa qua Nhật đào tạo 3 năm cho vững tay nghề và đây sẽ là nguồn lao động chất lượng cung ứng cho khu công nghiệp. Mỗi năm, huyện dự kiến giải quyết việc làm cho 6.200 lao động. Huyện đã có chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để đào tạo theo nhu cầu, giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm khi tốt nghiệp. Với chủ trương của thành phố, cộng với nỗ lực của huyện, 5 năm tới, Nhà Bè sẽ có bước phát triển bứt phá, sẽ cởi trói quy hoạch, “lột xác” cơ bản diện mạo, đời sống người dân sẽ khá hơn.

NGUYỄN VĂN LƯU

(Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè)

Tin cùng chuyên mục