Diện mạo “thủ phủ” thành phố phía Đông

Được quy hoạch là “thủ phủ” khu Đông, khu đô thị Trường Thọ sẽ trở thành trung tâm và điểm nhấn của thành phố (TP) Thủ Đức trong tương lai. Vậy, hiện trạng Trường Thọ như thế nào và quy hoạch khu đô thị tương lai ra sao?

Định hướng khu đô thị đa năng 

Khu đô thị Trường Thọ được quy hoạch là trung tâm TP Thủ Đức trong tương lai bởi nhiều lợi thế: vị trí địa lý là nơi cửa ngõ, phát triển cả 3 loại hình giao thông đường thủy, đường bộ, metro. Nằm dọc theo tuyến xa lộ Hà Nội và metro Bến Thành - Suối Tiên, khu Trường Thọ là khu vực có vị trí đẹp, gần các tuyến giao thông huyết mạch ra vào trung tâm thành phố ở cửa ngõ phía Đông.

Phường Trường Thọ giáp Xa lộ Hà Nội và metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG
Theo Sở QH-KT TPHCM,  Khu đô thị Trường Thọ được định hướng là đô thị đa năng mật độ cao, khai thác cảnh quan sông nước của sông Sài Gòn để gắn kết với trung tâm hiện hữu của TP qua đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Đây sẽ là khu dân cư thân thiện với môi trường, khai thác tối đa giao thông công cộng. Trong khu đô thị tương lai Trường Thọ sẽ hình thành Trung tâm Công nghệ giáo dục Đại học Quốc Gia TPHCM - là một trong những điểm nhấn của TP Thủ Đức. Hai điểm nhấn còn lại của TP thông minh Thủ Đức là Khu Công nghệ cao TPHCM (hạt nhân công nghệ - tự động) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính). 

 Bản đồ quy hoạch phường Trường Thọ quận Thủ Đức bắt đầu từ ngã tư Bình Thái thuộc phường Trường Thọ. Khu vực này đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với hàng loạt dự án. Phường Trường Thọ có diện tích tự nhiên 499ha, địa giới hành chính được phân định rõ bởi các trục đường chính là Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Đặng Văn Bi, Song hành xa lộ Hà Nội. Phía Đông giáp phường Bình Thọ và phường Phước Long A, Phước Long B (quận 9). Phía Tây giáp phường Linh Tây và phường Linh Đông. Phía Nam giáp phường An Phú (quận 2). Phía Bắc giáp phường Linh Chiểu. Khu này gồm cụm cảng IDC Trường Thọ và Nhà máy xi măng Hà Tiên, Công ty Thép Thủ Đức và một số khu đất xung quanh.

Một góc TP Thủ Đức tương lai. Ảnh: CAO THĂNG
Ngoài khu dân cư hiện hữu, một số khu dân cư mới đã quy hoạch, hiện tại khu Trường Thọ có 10 khu đất công, tổng diện tích 86,64ha nằm trong cụm cảng IDC Trường Thọ đang được các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất kinh doanh nằm liền thửa với nhau. Vị trí khu đất tuyệt đẹp, chia làm hai phần, một mặt giáp và trải dài với xa lộ Hà Nội, kết nối với 2 ga metro số 9, 10; phía bên kia có hình dáng như một chiếc thuyền, một mặt giáp rạch, mặt còn lại là sông Sài Gòn, nhìn về Khu đô thị Thanh Đa, Bình Thạnh. Hiện trạng hai khu đất kết nối với nhau bằng đường số 1. Có người ví von, đây là đất vàng có quy mô lớn “còn sót lại” của thành phố.

Đáng chú ý, khu vực này đã có hơn 30ha thành hình dự án nhà ở, đó là Khu phức hợp Vicem. Dự án hình thành từ khu đất của Trạm nghiền xi măng Thủ Đức sau khi tháo dỡ, kết hợp với khu văn phòng - nhà xưởng của Công ty Xi măng Hà Tiên, cùng một số khu đất khác. Mới đây trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, khu đất này thuộc diện sắp xếp di dời các cơ sở ô nhiễm, có ý kiến chấp thuận của cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng. Trước đây TPHCM tính toán sẽ gom một khu đất thành đại dự án, trong đó một số cảng nhỏ thuộc cụm IDC Trường Thọ sẽ di dời lên cảng Phú Hữu, quận 9. Nhưng việc xây dựng cảng Phú Hữu bị vướng do đền bù, nên không thực hiện đúng tiến độ. TPHCM có cho phép Công ty Xi măng Hà Tiên làm thủ tục nghiên cứu, đề xuất quy hoạch, nhưng cũng chỉ mới “hườm hườm”, chưa có phê duyệt quy hoạch 1/500, chưa tính tiền sử dụng đất. Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo, chủ trương quy hoạch khu đất này tương lai sẽ là một phần đô thị phía Đông, cộng với phần đất phía cảng IDC, chứ không phải làm một lõm như dự án trước đây.

Ưu tiên kết nối hạ tầng

Tương lai khu đất vàng này được sử dụng như thế nào? Theo quy hoạch được chọn của Công ty Sasaky-encity, đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM”, Trường Thọ sẽ là đô thị tương lai, thông qua đấu thầu đất, sử dụng đất linh hoạt. Cụ thể, thông qua yêu cầu sử dụng đất có điều kiện và hợp tác công tư, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào một số lĩnh vực công cộng sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư công, tăng vốn về dài hạn và khuyến khích phát triển sáng tạo. Ví dụ, để thúc đẩy các nền kinh tế sáng tạo, 30% hệ số sử dụng đất tại cảng Trường Thọ cần được đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hay thưởng cho hệ số sử dụng đất nếu đưa ra giải pháp gìn giữ các khu vực có giá trị bảo tồn…


Đối với công việc trước mắt, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, TP phía Đông có 3 điểm chính và 7 điểm phụ; hiện nay các phường đang tập trung triển khai lấy ý kiến đóng góp của người dân về vấn đề này. Bộ Xây dựng đã yêu cầu điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch chung của TPHCM, công việc này Sở QH-KT đang triển khai; Sở Xây dựng đang xây dựng kế hoạch phát triển đô thị cho TP phía Đông. Với quỹ đất thực hiện còn khá nhiều, như quỹ đất từ nông nghiệp, quỹ đất dọc bờ sông quận 9 hoặc tái sắp xếp… Bước đầu, khả dĩ nhất, quỹ đất trống có thể xây dựng nhà ở là khu vực cảng phường Trường Thọ sau khi di dời.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười cho rằng, trong bối cảnh chúng ta thành lập khu đô thị phía Đông TPHCM, Trường Thọ có quỹ đất rất lớn và thuận lợi nhất, vừa có sông, có cảng, giao thông đường thủy, đường bộ, metro; kết nối hoàn chỉnh vào các trục giao thông hiện hữu trên địa bàn quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Đầu tư vào đây sẽ kéo cả khu vực phát triển. Vấn đề đặt ra là quy hoạch phải khai thác tối đa các hệ thống giao thông kết nối nhau, từ Thủ Thiêm qua Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia, chứ cứ lẻ mẻ hoặc co cụm thì khó thu hút đầu tư. Hãy nhìn Hồng Công hoặc Singapore…, họ thu hút khá nhiều tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, còn chúng ta đến thời điểm này chưa có tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đặt văn phòng đại diện, vì ta chưa có đủ cơ sở hạ tầng. Do đó, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải đầu tư xây dựng hạ tầng thật nhanh.

Tin cùng chuyên mục