Bí thư Tỉnh ủy - bộ phim truyền hình dài 50 tập làm sống lại thời kỳ quyết định đổi mới đầy cam go mà khởi đầu là Bí thư tỉnh Vĩnh Phú, ông Kim Ngọc, nổi tiếng với chính sách khoán hộ - đã được khán giả bình chọn là “Phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2010”. Diễn viên Dũng Nhi - vai Bí thư Hoàng Kim - được xây dựng từ nguyên mẫu Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, cũng đoạt giải thưởng “Nam diễn viên truyền hình được yêu thích nhất” (ảnh). Anh đã chia sẻ với chúng tôi về vai diễn nặng ký này của mình.
Dẹp hết chuyện riêng để đóng Bí thư Tỉnh ủy
- PV: Bí thư Hoàng Kim là một vai diễn khá nặng ký, vì đâu anh được chọn vào vai này, thưa anh?
Diễn viên DŨNG NHI: Đúng, đây là một vai nặng ký và tôi cũng không hiểu vì sao đạo diễn lại mời mình đóng vai này. Phim lấy nguyên mẫu là ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Có lẽ tôi có một chút hao hao giống ông Kim Ngọc với dáng người cao cao, gầy gầy, hơi mảnh. Thú thực, lúc đầu tôi đã từ chối dù rất tiếc vì gia đình có việc riêng. Nhưng anh em trong đoàn làm phim đến động viên và đến khi cầm kịch bản trong tay, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục, vì đây là một kịch bản dài hơi, nói về một con người mà thế hệ chúng tôi rất quý trọng. Thế nên tôi đã quyết định dẹp hết chuyện riêng của gia đình để thực hiện vai diễn này.
- Anh có khó khăn gì khi vào vai một nhân vật có thật của lịch sử như thế?
Bản thân tôi không phải là kiểu diễn viên chỉ đóng một dạng vai. Đã từng đóng những vai cộng sản “nòi” (anh hùng Lê Mã Lương; Tô Hiệu…) đến những kiểu vai giang hồ (Năm Sài Gòn), nhưng chưa vai diễn nào tôi thấy khó khăn như vai Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim. Vào vai một nhân vật có thực, nhất là một người được tất cả mọi người yêu quý như ông Kim Ngọc, là áp lực rất lớn với diễn viên. Liệu mình có thể hiện được những cái mà mọi người mong đợi khi tái hiện lại một Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ngày xưa không, đấy là nỗi lo lắng nhất. Cho đến khi chúng tôi lên vùng đất Vĩnh Phú xưa (Vĩnh Phúc nay) thì càng hiểu mọi người yêu quý và trân trọng bác Kim Ngọc như thế nào, nếu làm cho mọi người thất vọng thì thật đáng buồn.
Một năm tròn từ khi bấm máy đến khi đóng máy đoàn làm phim ở trên Vĩnh Phúc. Chưa bao giờ chúng tôi đến một vùng đất mà đoàn làm phim được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm đến vậy, và chúng tôi cũng chưa từng làm nhân vật nào mà được gia đình yêu mến như thế.
- Anh đánh giá mình vào vai Bí thư Tỉnh ủy thế nào? Nếu được diễn lại, anh sẽ sửa gì?
Để diễn viên tự đánh giá về vai diễn của mình cũng khó, nhưng nói chung phim không phải đi theo hướng mà giới trẻ ngày nay ưa thích. Vì đây là một bộ phim chính luận, nói về con người của một người, là người cộng sản chân chính, biết hy sinh quyền lợi của gia đình, của bản thân để mưu cầu sự no ấm, hạnh phúc cho người nông dân.
Ông Kim Ngọc từng nhấn mạnh: “Nếu để đánh đổi chân lý riêng của tôi để lấy sự khởi sắc của nền nông nghiệp, đời sống của người nông dân no ấm, bát cơm của họ đầy hơn thì tôi sẽ làm”. Đây là chi tiết có thực, vai ông Kim Ngọc trong phim cũng nhắc lại toàn bộ câu nói này. Không hề có mưu cầu riêng cho mình, đi đâu ông cũng mang theo cơm nắm muối vừng. Có người nói ông Kim Ngọc “hâm”, ông bảo: tất cả cán bộ mà hâm như tôi thì dân được nhờ!...
Trong phim có cảnh ông đi địa phương, thấy bà con đang cày bừa, ông bảo: “Sao cày bừa đất cục vẫn lổn nhổn thế kia?”, thế là ông lội xuống cày luôn. Ông là người nói là làm, không đứng trên bờ chỉ tay năm ngón, thấy lúa không tốt ông có thể lội ngay xuống, móc đất lên xem vì sao lúa không tốt... Đây là những cảnh khó, bởi bản thân tôi không phải là nông dân, vào vai một ông lãnh đạo tỉnh, nhưng lại là nông dân thực thụ nên càng khó. Thực tế, tôi vẫn tiếc mình chưa hóa thân thành ông nông dân nhuyễn hơn.
- Để vào vai diễn này, anh nghiên cứu nhân vật Bí thư Tỉnh ủy như thế nào?
Thời gian tôi nhận được kịch bản trước khi làm phim khoảng 3 tháng, tìm tư liệu, rồi đi dò hỏi, gặp gỡ gia đình, những người đương thời với ông Kim Ngọc. Khi tôi xuống quay ở thôn Chi Chỉ, quay cảnh ông Kim Ngọc xuống họp với các cán bộ xã, có khoảng 6 - 7 bà cụ tầm tuổi 80, họ ngồi xem diễn và họ khóc. Tôi thấy lạ và ra hỏi thì các cụ bảo nhìn thấy nhớ và thương ông Kim Ngọc quá. Hóa ra các cụ là cán bộ xã của ông Kim Ngọc ngày xưa. Ví dụ anh Phi, Chủ tịch tỉnh, vui vẻ kể bố anh ngày xưa là trợ lý cho ông Kim Ngọc, và có cả những người đã từng phản đối ông Kim Ngọc...
Tôi là diễn viên không chuyên
- Khán giả biết đến Dũng Nhi với nhiều hình ảnh khác, lúc là giang hồ, lúc là quan chức, lúc lại là ông thầy lang. Ở vai diễn một nhân vật “lịch sử”, anh làm mới hình ảnh của mình như thế nào?
Ở Việt Nam, diễn viên có cái thiệt thòi là không thể thay đổi hình dạng của mình được. Tôi cũng phải xin lỗi các bạn làm nghề hóa trang bởi chúng ta không thể biến một diễn viên thành người khác... Bởi vậy, cách duy nhất làm mới mình là bằng cách hòa hết con người mình vào nhân vật, nếu muốn đổi mới phải làm trọn vẹn hết vai diễn của mình. Có thể dáng người vẫn thế, khuôn mặt vẫn thế nhưng tâm hồn toát ra nó phải khác, tất nhiên cử chỉ, phong thái của một ông Bí thư Tỉnh ủy không thể giống một ông trưởng thôn được. Cách nhìn, những người nghe tôi nói cũng phải thấy khác, tư thế của diễn viên từ cách đi, đứng, ăn nói, thể hiện cũng khác, buộc phải làm mới mình một cách như vậy.
Muốn làm một nhân vật nào cho đúng, phải có điều kiện, thời gian để nhập vào con người đó, nếu làm một lúc hai ba nhân vật thì tôi không làm được. Có thể tôi là diễn viên không chuyên, bởi tôi xuất thân từ nghề giáo, rồi chuyển sang Bộ Văn hóa, lý lịch là ở bộ phận đạo diễn, nói nghiêm túc tôi là diễn viên nghiệp dư và không qua đào tạo nghề diễn viên. Tôi biết được điểm yếu của mình, không làm nhiều, cố gắng vun vén cho vai diễn và chỉ làm một việc, xong phim này mới nhận lời phim khác... Tôi sợ cùng một lúc tham công tiếc việc, chưa nói là tham tiền (cười) sẽ hỏng mất.
- Anh có kỳ vọng gì vào giải Cánh diều vàng sắp tới?
Thực ra, tôi cũng không đặt quá nhiều hy vọng vào việc sẽ đoạt giải thưởng lần này. Với tôi, giải thưởng lớn nhất đối với một diễn viên là được khán giả nhớ đến.
Mai An (thực hiện)