
LTS: Nếu hào sảng, phóng khoáng, làm ra làm, chơi ra chơi… được xem là những tính cách tiêu biểu của người Nam bộ thì Sài Gòn được xem là nơi hội tụ những tính cách tiêu biểu ấy. Trong ngôn ngữ thường ngày, người miền Trung, miền Bắc thường nói “vào Sài Gòn”; người miền Tây lại quen miệng “lên Sài Gòn”. Sài Gòn trở thành đất lành của người tứ xứ. Thoạt đầu, có người do tình cờ ghé qua, có người chỉ định kiếm sống qua ngày… nhưng cuối cùng họ đã quyết định dừng chân ở nơi đây. Vì sao họ chọn Sài Gòn làm nơi để sống? Mời các bạn lắng nghe tâm sự của họ và nếu bạn muốn cùng chia sẻ lý do khiến bạn thương mến Sài Gòn, gắn bó với Sài Gòn, xin gửi bài về địa chỉ Tuần san SGGP Thứ Bảy, 432 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư xin ghi “Bài gửi cho trang Nhịp sống Sài Gòn” hoặc địa chỉ Email:sggpt7@sggp.org.vn |
Ngày tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, tôi quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp bằng con đường ca hát với niềm tự tin mãnh liệt rằng mình sẽ thành công ở vùng đất hoa lệ này. Tôi đặt chân đến Sài Gòn vào một buổi chiều mưa cuối tháng 9-1999 với tất cả sự hân hoan nhưng cảm giác đầu tiên của tôi lại là... sự thất vọng.

Sài Gòn không lung linh, phồn hoa, cổ tích như những gì tôi đã hình dung trước đó. Những mái nhà gần sân ga lúc ấy rất lụp xụp, những khu nhà ổ chuột xen lẫn những con kênh đen ngòm.
Tôi lần mò tìm đến khu nhà trọ gần sân bay Tân Sơn Nhất và bắt đầu cuộc mưu sinh bằng những đêm ca hát ở các tụ điểm ca nhạc, những lần quạnh hiu trong căn nhà trọ với những tô mì gõ, những lần đi bộ hàng chục cây số để đến với Câu lạc bộ ca sĩ trẻ ở Nhà văn hóa Thanh niên...
Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã rất mê xem kịch Sài Gòn và đặc biệt thích âm sắc rất ấm và ngọt ngào của người Sài Gòn. Mỗi lần có đoàn kịch nào từ Sài Gòn ra Hà Nội diễn là tôi luôn tìm mọi cách để có thể đi xem, rồi cứ mơ sẽ có một ngày được đứng diễn trên sân khấu kịch Sài Gòn.
Vào Sài Gòn, tuy lúc đầu thành phố không phồn thịnh như tôi nghĩ nhưng tôi thấy thích thú vì quanh mình toàn là những người nói âm điệu ấm áp đó. Không chỉ ấm áp trong lời nói, tấm lòng của người Sài Gòn cũng nồng ấm như thế. Đó là những người bạn luôn giúp đỡ, san sẻ cùng tôi những khó khăn, nhiều khi đơn giản chỉ là cái siết tay động viên, khích lệ của đồng nghiệp và khán giả…
Tất cả giúp tôi cảm thấy vững lòng, càng thêm quý trọng những gì mình đang có, càng thêm tự tin để tiến bước, theo đuổi niềm đam mê của mình.
Điều tôi thích nhất là người Sài Gòn rất cởi mở và thân thiện. Sài Gòn thu nhận tất cả những đặc trưng văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau nhưng vẫn giữ gìn những nét rất riêng của Sài Gòn và “truyền” cả những tính cách đáng quý ấy cho những người dân từ phương xa đến đây lập nghiệp.
Sau hơn 7 năm sống ở đây, mỗi lần về Hà Nội thăm gia đình chỉ một tuần là tôi lại thấy sốt ruột, nhớ Sài Gòn da diết, nôn nao muốn quay về với nhịp sống hối hả, với công việc xoay vần. Tôi chín chắn hơn rất nhiều trong cuộc sống bằng những trải nghiệm thực tế trong những năm sống ở đây. Với Sài Gòn, tôi không còn là một người khách lạ.
Từng hai lần đoạt giải tư Tiếng hát Truyền hình TPHCM nhưng Thanh Phương chỉ được khán giả biết đến nhiều qua vai nhà thiết kế Dũng đồng tính mưu mô và đầy tham vọng trong phim Công ty thời trang (TFS), vai Lợi trong phim Miền đất phúc (TFS)… Đoạt được khá nhiều giải thưởng như giải Mai vàng 2005 cho Diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất, Giải Cù nèo vàng 2005, Thanh Phương còn thành công với vai trò là người viết kịch bản với các vở kịch tạo được tiếng vang nơi công chúng như: Công chúa chích chòe, Cậu bé rừng xanh, Huyền thoại Lee Kim Chi, Natra đại náo thủy cung… |
DIỆP NGUYỄN ghi