Điều chỉnh chính sách từ ứng phó với trạng thái khẩn cấp sang bình thường mới ​

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ vui mừng khi Chính phủ đang cân nhắc ban hành “gói kích thích kinh tế lần 2”.
Toàn cảnh cuộc đối thoại
Toàn cảnh cuộc đối thoại

Sáng nay, 18-3, tại Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, đã diễn ra cuộc Đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19”. Hoạt động này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức với sự tài trợ và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: “Không chỉ làm ảnh hưởng tới đời sống xã hội, Covid-19 đã làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính, đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm”.

Theo lãnh đạo VCCI, làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021. Trung bình cứ 3 doanh nghiệp trên thế giới thì có 1 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Kéo theo đó là làn sóng mất việc làm của người lao động. Covid-19 đã khiến cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây. Đây cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong khó khăn, doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều. Nhiều doanh nghiệp đã tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng … Các sáng kiến trong ứng phó với Covid-19 đã được các doanh nghiệp thực hiện. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai.

Bên cạnh sự chủ động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước cũng hết sức quan trọng.

Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn; trong đó được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Ngược lại, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bắt đầu bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới” – ông Hoàng Quang Phòng bình luận. Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ vui mừng khi Chính phủ đang cân nhắc ban hành “gói kích thích kinh tế lần 2”.

Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục