Trước thông tin Bộ Y tế lại đề xuất tăng giá viện phí và 350 dịch vụ y tế khiến không ít người dân lo lắng, bởi đây thực sự là một “cải cách” gây xáo trộn khá lớn về an sinh xã hội nếu áp đặt một cách không phù hợp và triển khai thiếu đồng bộ. Trao đổi với PV Báo SGGP sáng 15-9, TS Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế (ảnh), cho rằng sự điều chỉnh lần này sẽ tạo thêm sự công bằng và điều kiện để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.
Hỗ trợ người nghèo, diện chính sách
- PV: Thưa ông, đề xuất tăng giá 350 dịch vụ y tế sẽ rơi vào những nhóm dịch vụ nào? Có ngoại lệ cho đối tượng người nghèo, chính sách?
Ông TRẦN ĐỨC LONG: Nguyên tắc điều chỉnh tăng giá lần này là các dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh, riêng máu, dịch truyền, hóa chất đã tăng thường niên rồi và chỉ điều chỉnh trong hệ thống y tế công lập. Phần lớn các cơ sở bên ngoài có kỹ thuật cao, bệnh nhân trả đúng, trả đủ rồi nên không điều chỉnh. Các đối tượng chính sách, với giá dịch vụ điều chỉnh, vẫn nằm trong quyền lợi mua thẻ BHYT. Đến nay thẻ BHYT của đối tượng chính sách chiếm khoảng 62%. Khi tiến tới BHYT toàn dân, hoặc khoảng 80% người dân có thẻ BHYT thì độ bao phủ tương đối lớn, lúc đó quyền lợi người dân được bảo đảm. Còn 20% sẵn sàng chi trả những dịch vụ cao hơn để được hưởng các kỹ thuật tốt hơn. Đấy là đảm bảo công bằng, an sinh xã hội.
- Ông có cho rằng mức giá dịch vụ y tế hiện hành là không công bằng vì người giàu, người nghèo được tính như nhau?
Biểu giá dịch vụ y tế áp dụng từ năm 1995, tuy tăng nhiều nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Việc thực hiện giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn mang tính bao cấp, cho cả người nghèo lẫn người giàu, đó là mất công bằng. Nay chủ trương xã hội hóa, đối tượng nào có khả năng thì trả theo nhu cầu của họ. Họ trả những gì mà họ cần thỏa mãn. Còn đối tượng chính sách, đồng bào nghèo có cơ chế hỗ trợ. Trong đó, hỗ trợ lớn nhất là thanh toán qua BHYT. Nhà nước mua BHYT cho người nghèo. Nhưng để đầu tư cho đối tượng chính sách, nhà nước phải nâng mức giá BHYT lên. Mức giá của BHYT hiện nay không đảm bảo được chi trả. Bộ Y tế cũng đang kết hợp với các bộ ngành tích cực vận động các tổ chức nhân đạo, xây dựng những quỹ để hỗ trợ.
- Thực tế là lâu nay một số cơ sở y tế công lập đã tự ý nâng giá dịch vụ y tế. Nay thêm phần điều chỉnh khung giá mới nữa liệu có dẫn đến tình trạng “giá chồng giá”?
Hiện giá khám bệnh vẫn là 3.000 đồng/lần, các cơ sở y tế công lập vẫn đang áp dụng. Còn tăng giá các kỹ thuật do đầu tư, các đơn vị phải được Bộ Y tế đồng ý. Nhưng tới đây, mức điều chỉnh là ban hành một khung giá từ A - B. Nếu tăng vượt quá A, tức tăng vượt trần sẽ bị thổi còi. Còn mức sàn, cơ sở nào tính dưới sàn thì ưu tiên. Hiện các bệnh viện công lập đang kêu sắp đóng cửa đến nơi rồi và… tự ăn thịt mình vì chi phí cao mà giá dịch vụ không tăng, nhất là y tế tuyến huyện, trong khi tuyến này rất quan trọng. Ngay như bơm kim tiêm, giá mỗi cái 1.000 đồng. Trước đây có thể một cái kim tiêm dùng 1.000 lần thì nay 1 lần là bỏ. Vậy thì hết bao nhiêu tiền? Y tế tuyến trung ương còn có khả năng thu các dịch vụ để bù đắp chi phí.
Chắc chắn tăng giá thẻ BHYT
- Lâu nay giá dịch vụ y tế cứ nói là thu một phần viện phí, nay Bộ Y tế nói “tính đúng, tính đủ”. Vậy nên hiểu điều này thế nào? Đại bộ phận người dân thu nhập trung bình có chịu được, thưa ông?
Theo chế độ bao cấp dịch vụ y tế từ 1995, người dân không hiểu quyền lợi của họ được hưởng rõ ràng. Giá dịch vụ y tế lâu nay nói thu một phần viện phí, nhưng một phần ở đây là gồm những cái gì thì người bệnh không rõ. Lần này điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng theo nguyên tắc thu một phần viện phí, nhưng rõ ràng ở chỗ trừ phần nhà nước đầu tư vào như cơ sở vật chất, tiền lương, trang thiết bị. Còn “tính đúng, tính đủ” là gồm những cái gì? Là các kỹ thuật, các vật tư tiêu hao, máu, dịch truyền, thuốc, các kỹ thuật tiên tiến hiện nay, hóa chất… Mức tăng ra sao, ai quản lý, Bộ Y tế đang thành lập hội đồng thẩm định giá. Khi thẩm định giá, báo cáo thực tế… phải do liên ngành. Nếu là cơ sở y tế công lập, vượt qua khung giá là bị thổi còi ngay. Thậm chí có chế tài rõ ràng. Cho nên ban hành khung giá mới nhưng hoàn toàn kiểm soát được ở các cơ sở y tế công lập.
- Quỹ BHYT nhiều năm qua cáng đáng chi trả cho người bệnh và hầu như năm nào cũng bị vỡ do chi vượt thu. Nay tăng giá dịch vụ y tế thì sẽ như thế nào?
Việc này Bộ Y tế đã lường được và đang phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá cụ thể. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã chỉ đạo điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này phải tính toán cẩn thận, lượng giá được nhà nước đầu tư bao nhiêu, người dân đóng bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu. Khả năng nhà nước có đầu tư được không, huy động người dân được không, xã hội hóa được không? Trả lời được hết các câu hỏi đó Chính phủ mới quyết. Còn chắc chắn khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì mức độ BHYT hiện nay sẽ vỡ.
Bộ Y tế cũng sẽ kiến nghị tăng mức đóng BHYT, bởi BHYT hiện chiếm 60%-70% và tiến tới toàn dân thì rõ ràng các đối tượng tham gia BHYT không ảnh hưởng gì đến việc điều chỉnh giá viện phí. Vì vậy, muốn đảm bảo không vỡ quỹ BHYT thì mệnh giá thẻ BHYT phải được điều chỉnh cao lên, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và khả năng chi trả của xã hội. Tăng bao nhiêu thì cần tính toán cụ thể.
Tường Lâm
Thông tin liên quan |
- Quỹ Bảo hiểm y tế phải chi thêm ít nhất 12.000 tỷ đồng/năm, nếu tăng viện phí |