Nhiều di chứng
Ở khoa Hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn (TPHCM), 3 tháng qua có khoảng 1.500 bệnh nhân đến khám. Ông L.N.Đ. (55 tuổi, xã Bà Điểm, Hóc Môn) 2 tuần đầu sau khi xuất viện về nhà khi có kết quả âm tính với Covid-19 vẫn bị hành hạ bởi những cơn ho, nhói đau lồng ngực bất chợt kéo dài 5-10 phút, thở ran như tiếng máy kêu.
Chưa dừng lại, những cơn mất ngủ triền miên cùng hàng loạt cơn tê tay tìm đến, mỗi ngày một lan rộng, từ các ngón tay tới bàn tay rồi cả cánh tay… khiến ông Đ. khó chịu.
Còn chị N.T.T. (22 tuổi, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) cho biết: “Gia đình tôi có 5 người mắc Covid-19, hiện cả 5 người đều đang điều trị các thể bệnh lý khác nhau liên quan tới di chứng Covid-19. Riêng tôi, suốt 3 tháng từ khi hết bệnh, luôn cảm thấy cơ thể thiếu năng lượng, mệt mỏi, làm việc không hiệu quả. Các triệu chứng mất ngủ, hay các cơn hì hục thở… khiến tôi hay căng thẳng”.
BS CK1 Ngô Quốc Khanh, Trưởng khoa Khám bệnh, phụ trách khoa Hậu Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn, cho hay, mỗi ngày có 20-30 lượt người đến khám di chứng Covid-19. Số bệnh nhân dự báo còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Khoảng 80% số bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài vài tuần đến 3-4 tháng; nhiều nhất là mệt mỏi, trầm cảm, xơ phổi, mất ngủ, rối loạn tập trung… Đáng chú ý, 50% trong số này có biểu hiện bất thường về tim mạch, phổi, cần phải can thiệp ngay cũng như điều trị lâu dài.
Bệnh viện Quận 12 (TPHCM) thống kê, trong tháng 3, tiếp nhận trên 500 ca khám di chứng Covid-19 với nhóm bệnh nhân 20-50 tuổi, không có bệnh lý nền. Các triệu chứng được ghi nhận gồm: rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ…
Tại Phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, gần 10.000 bệnh nhân đến khám trong 3 tháng đầu năm; Bệnh viên Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM) điều trị khoảng 3.500 lượt người đến khám, trong đó 400 ca mức độ nặng cần điều trị nội trú.
Giảm áp lực cho người bệnh
Theo TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, di chứng Covid-19 là có nhưng không phải gánh nặng ghê gớm như một số người lo lắng. Tuy nhiên, thời gian qua không ít cơ sở y tế lợi dụng tình hình này đã mở ra những gói dịch vụ phục hồi chức năng di chứng Covid-19 với nhiều mức giá vô lý nhằm mục đích “móc túi” người bệnh.
Người có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng điều trị; số đông còn lại không đi khám chữa bệnh ngay, đến khi có điều kiện đi khám thì bệnh trở nặng, tốn kém hơn.
Từ thực tế này, bệnh viện thay vì chờ người dân đến khám, đã chủ động liên hệ với trạm y tế, nắm thông tin người đã khỏi bệnh có nguy cơ cao bị di chứng để thăm khám, chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua ứng dụng Dr Home (phần mềm quản lý người bệnh trong theo dõi, điều trị di chứng Covid-19)… Đến nay đã có hàng ngàn lượt bệnh nhân tự điều trị tại nhà thông qua ứng dụng Dr Home.
Cùng nhằm tháo gỡ khó khăn, chăm sóc người mắc di chứng Covid-19 tốt hơn, Trung tâm Vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) hiện điều trị miễn phí bệnh nhân về tâm lý trị liệu. Còn vật lý trị liệu, điều trị theo bảo hiểm y tế (BHYT), gần như người bệnh không phải đóng thêm phí điều trị hay xét nghiệm nào, chỉ một vài dịch vụ đóng thêm tiền, nhưng không đáng kể.
“Cần hạn chế những dịch vụ, xét nghiệm thực sự không cần thiết. Trong trường hợp được chỉ định đi chụp phổi, nếu có BHYT, người bệnh chỉ phải đóng thêm 13.000 đồng”, BS CK2 Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Trung tâm Vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19, cho hay.
BS CK2 Nguyễn Thanh Giang, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn, cho biết thêm, người dân khi đến khám di chứng Covid-19 tại bệnh viện ngoài các quyền lợi về BHYT được hưởng đúng như Bảo hiểm xã hội quy định; những người không có BHYT, người bệnh chỉ phải đóng 34.500 đồng/lượt khám tổng quát di chứng Covid-19. Đối với người bệnh khó khăn, người già neo đơn…, bệnh viện sẽ ứng trước các khoản phí, sau đó kêu gọi nhà tài trợ, tìm nguồn xã hội hóa hỗ trợ.
Đồng thời, bác sĩ khi ra chỉ định xét nghiệm, chụp phim phải có trách nhiệm giải thích những chỉ định cận lâm sàng đó, tuyệt đối không phán bừa để bệnh nhân tự tìm hiểu, lo lắng thêm.
BS CK2 Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, khuyến cáo, một vấn đề nhiều người gặp phải là rối loạn tâm lý hậu Covid-19, nhất là chứng sương mù não - ảnh hưởng về mặt nhận thức, diễn ra dưới nhiều mức độ khác nhau, dễ dẫn đến vấn đề về tâm thần, stress… thì nên tới đúng bệnh viện chuyên khoa để thăm khám. |