Sau khi lai dắt đốt hầm an toàn, sáng qua (8-3) nhà thầu đã tổ chức dìm đốt hầm đầu tiên, trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP và đông đảo người dân.
- Dìm trước hạn định
Mới 6 giờ hôm qua hàng trăm người dân sinh sống quanh khu vực phía đường dẫn hầm Thủ Thiêm, tập trung chật kín hai bên đường để tận mắt chứng kiến cảnh dìm hầm độc đáo này.
Theo kế hoạch, 9 giờ sáng, nhà thầu Obayashi Nhật Bản - đơn vị xây hầm Thủ Thiêm sẽ chính thức tiến hành công đoạn dìm đốt hầm đầu tiên nặng 27.000 tấn. Tuy nhiên, mới 6 giờ cùng ngày nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát, các kỹ sư, công nhân đã có mặt đông đủ tại công trình dìm hầm. Khoảng một giờ sau, tổng cộng quân số tại đây có trên 300 người để tiến hành thực hiện các quy trình dìm hầm. 7 giờ 15 phút, nhà thầu Obayashi tiến hành bơm nước vào đốt hầm. Đúng 8 giờ, đốt hầm được nhà thầu “âm thầm” cho dìm từ từ xuống mặt nước mà mắt thường khó có thể nhìn thấy.
Đo chính xác vị trí để dìm đốt hầm. Ảnh Cao Thăng
Sở dĩ việc dìm diễn ra sớm hơn 2 tiếng đồng so với kế hoạch ban đầu là do mực nước và tốc độ dòng chảy ổn định phù hợp cho công đoạn dìm. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, đốt hầm đã được các kỹ sư cân chỉnh, định vị đúng tim vị trí cần dìm. Tại vị trí đặt đốt hầm được nạo vét sâu (âm 12m tính từ mặt đáy sông) và tiếp tục bơm một lớp cát dày khoảng 1m xuống dưới đáy hầm. Đốt hầm sau khi được định vị sẽ được bơm thêm nước vào bên trong cho đủ nặng để hầm chìm xuống đúng vị trí. Tiếp theo, đơn vị thi công sẽ hút nước ra khỏi hầm.
Sẵn sàng cho việc dìm đốt hầm. Ảnh: Cao Thăng
Theo đơn vị thi công, bên trong đốt hầm chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn có 8 bể chứa nước cùng hệ thống bơm tự động. Do đó, việc rút nước thực hiện lần lượt từng bể một, bên cạnh với việc hút nước ra ngoài, đơn vị thi công sẽ bơm một lượng bê tông tương ứng vào bên trong đáy hầm, để giữ thăng bằng đốt hầm không bị nổi lên mặt nước. Lượng bê tông được bơm vào chính là mặt đường trong hầm cho xe lưu thông sau khi hầm hoàn thiện.
Đường dẫn hầm Thủ Thiêm phía quận 2. Ảnh: Cao Thăng
Tiếp đó, hai bên hầm được chèn một lớp đá, còn trên nóc hầm được gia cố thêm một lớp hộc dày 1m và lớp đất đắp dày 2m. Sau khi lắp đặt xong mỗi đốt hầm, đơn vị thi công sẽ tháo tháp thông gió trên nóc hầm, với đường kính khoảng 0,75m thông vào bên trong hầm và đổ bê tông bịt kín lỗ thông gió. Tương tự, lần lượt các đốt hầm thứ hai, thứ ba, thứ tư được lai dắt về vị trí đã thiết kế sẵn tiến hành dìm và lắp đặt giữa các đốt hầm với nhau thành một đường hầm dài khoảng 370m dìm âm sâu 12m dưới đáy sông. Giữa mỗi đốt hầm sẽ lắp đặt 2 lớp ron bảo vệ đặc biệt.
14 giờ 30 phút, đốt hầm dìm số 1 đã đạt độ sâu dưới mặt nước 11m, khoảng cách giữa đốt hầm và đường dẫn chỉ còn khoảng cách 1,1m. Quy trình trên từ bước 1 đến bước 15 được các kỹ sư phối hợp nhịp nhàng đưa đốt hầm vào đúng vị trí đã định vị sẵn trước đó, phía đường dẫn Thủ Thiêm vào lúc 18 giờ cùng ngày. Từ mốc thời gian này, các bước từ 16 cho đến bước cuối cùng được hoàn thành kéo dài đến khoảng 22 giờ 30 phút.
Sau khi đặt đốt hầm vào đường dẫn, nhà thầu sẽ kích hoạt ron cao su kết nối giữa đường dẫn và đốt hầm. Sau đó, các nhóm thợ lặn kiểm tra cao độ lần cuối. Khi ổn định sẽ thực hiện việc bơm cát vào bên dưới đốt hầm và sẽ tiếp tục thực hiện đến khi hoàn chỉnh. Đại diện nhà tư vấn cho biết, yêu cầu cán bộ giám sát chặt chẽ từ khâu thiết kế, kiểm tra ron cao su ráp nối đốt hầm với đường dẫn thật sạch. Sau đó, sang ngày 9-3 sẽ kiểm tra lần cuối cùng.
- Phải bổ sung thêm vốn
Có mặt tại công trình, sau khi nghe nhà thầu tóm tắt quy trình dìm hầm, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu nhà thầu phải đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng tuyệt đối để chuẩn bị dìm tiếp đốt thứ 2. TP đánh giá rất cao Ban chỉ đạo, tổ công tác, các đồng chí ở ban quản lý, nhà thầu và các đơn vị liên quan tham gia trong công tác thi công. Trong đó, vai trò của công ty tư vấn giám sát là cực kỳ quan trọng và quyết định thành công của công trình. Nhà thầu, tư vấn giám sát không được chủ quan vì còn lai dắt và dìm 3 đốt hầm còn lại. Đơn vị thi công phải đảm bảo hoàn thành an toàn công trình cho đến khi thông xe. Chủ tịch UBND TP đề nghị đại diện của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản văn phòng Việt Nam (JICA) bổ sung thêm vốn để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Nhà thầu Obayashi Nhật Bản hứa trước UBND TP sẽ thực hiện đúng cam kết và đảm bảo chất lượng công trình. Hôm nay (9-3), thợ lặn kiểm tra toàn bộ việc kết nối so với thiết kế. Sau đó sẽ bơm cát để giữ cố định đốt hầm dưới đáy sông. Công việc này sẽ được kiểm tra xuyên suốt trong quá trình dìm
Quy trình dìm hầm Kỹ sư trưởng Nguyễn Ngọc Huyền, phụ trách công trình dìm hầm tóm tắt quy trình đốt hầm được dìm xuống đến đáy trải qua 20 công đoạn hết sức phức tạp như sau. Đầu tiên bơm nước vào đốt hầm, thứ 2 là dùng tời (lắp đặt sẵn) kéo đốt hầm vào phía đường dẫn, thứ 3 tiếp tục bơm thêm nước vào đốt hầm, thứ 4 hạ đốt hầm xuống 3m. Những bước tiếp theo là cân chỉnh độ dốc đốt hầm nghiêng 3,99% theo hướng đường dẫn phía Thủ Thiêm. Bước thứ 6, thứ 7 tiếp tục hạ đốt hầm thêm 6m (mỗi lần 3m). Thứ 8 kéo tiếp đốt hầm vào 3m, thứ 9 hạ xuống thêm 1m, thứ 10 kéo đốt hầm vào miệng hầm đường dẫn khoảng cách lúc này còn 0,6m, bước tiếp theo hạ xuống còn 0,6m (độ cao điểm cuối cách đáy hầm). Bước 12 hạ đốt hầm xuống giá đỡ hầm dẫn (làm bằng thép chuyên dụng, cực kỳ cứng). Sang bước thứ 13, kéo đốt hầm sát vào bên trong cửa hầm đường dẫn và xử lý cân chỉnh đốt hầm, kiểm tra toàn bộ thông số kỹ thuật. Sau khi công tác kiểm tra hoàn tất, bước tiếp theo là bơm nước trong mối nối ra ngoài, bước 15 mở cửa hầm, bước 16 nối dây kích thủy lực ở phía bờ sông. Những bước tiếp theo vào kiểm tra bên trong đốt hầm, kích đốt hầm vào vị trí cuối cùng, bơm thêm nước và bước cuối cùng là đóng cửa thép (cửa đốt hầm). QUỐC HÙNG - LƯƠNG THIỆN Mời bạn xem video lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm. Video: Thái Bằng - Minh Sĩ Thông tin liên quan: