Dự án “Sống đẹp”

Định hướng kỹ năng sống

12 kỹ năng sống
Định hướng kỹ năng sống

Dự án “Sống đẹp” do Trung tâm Công tác Xã hội thanh thiếu niên (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) thực hiện kéo dài trong 3 năm và triển khai tại 4 TP lớn trong cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ. Với chủ đề hướng đến sự chia sẻ cho cộng đồng, sau hơn 8 tháng triển khai đã bước đầu định hình một xu hướng sống đẹp trong sinh viên, học sinh.

  • Sống đẹp trong từng hành động
Định hướng kỹ năng sống ảnh 1
Thanh niên tình nguyện dọn vệ sinh trên địa bàn quận 6. Ảnh: LỆ THỦY

Tự nhận mình không biết cách diễn giải, Trần Huệ Hùng, thanh niên tiêu biểu trong công tác phòng chống tội phạm của phường 14, quận 5 - một trong những điển hình sống đẹp của TP - cho rằng: “Sống đẹp nghĩa là biết rèn luyện bản thân mình và làm việc có ích cho cộng đồng, dù là những việc nhỏ nhất”.

Từng là một thanh niên sớm ăn chơi lêu lổng, nhờ sự giúp đỡ hết lòng của các cô chú, các bạn trẻ sinh hoạt trong phường, Hùng đã tu tỉnh làm ăn. Hùng gia nhập đội trật tự trị an phường và đã tham gia bắt hơn 17 vụ trộm cắp, 25 vụ cướp giật, 17 vụ tàng trữ và sử dụng chất ma túy… trong mấy năm qua.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ dành những ngày nghỉ của mình cho các chương trình xã hội: Ra quân dọn dẹp vệ sinh cống rãnh, chăm sóc các cụ già neo đơn, trẻ em bất hạnh tại các mái ấm, nhà mở. Đó là các bạn Trần Minh Thuận, sinh viên năm thứ 4 khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, hiến máu nhân đạo 14 lần; bạn Phan Thị Thanh Thúy, sinh viên Trường ĐH Mở Bán công TP, hiến máu 12 lần…

  • Không chỉ là phong trào

Xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi, hơn ai hết Lương Tấn Hằng, Trưởng đoàn Lân sư rồng Hằng Anh Đường, hiểu nỗi khổ và sự bất hạnh của những đứa trẻ đồng cảnh ngộ. Anh hiện là chỗ dựa của nhiều đứa trẻ bụi đời, nghèo khổ, không nơi nương tựa. Anh giúp các em đi học bổ túc văn hóa “để hiểu biết và để tìm cách đổi đời”, như anh tâm sự.

Lâm Khắc Vương, Trần Đắc Phi Hùng, hai sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản lý đất đai và bất động sản Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, vì ám ảnh bởi những đôi mắt ngây thơ của những đứa trẻ Khmer thất học, sớm vào đời mà đứng ra dạy chữ cho chúng. Ban ngày, thầy đi học, trò đi lượm ve chai. Tối, bên căn phòng nho nhỏ mượn được của địa phương, thầy trò lại căng mắt ra tập đọc những chữ cái A, B, C…

Trần Thúy Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường 11, quận 5, thì cứ rảnh rỗi là đi “săn việc” bán thời gian cho thanh niên nhập cư, thanh niên công nhân trên địa bàn để các bạn kiếm thêm thu nhập. Anh và các bạn trong nhóm tình nguyện của mình đã tạo điều kiện cho nhiều thanh niên, sinh viên có thêm thu nhập từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/tháng. Anh còn đứng ra tổ chức những khu nhà trọ văn minh, dọn dẹp khu phố luôn sạch đẹp, vận động các nhà trọ lấy giá thuê phòng vừa phải…

Anh Trần Bá Cường, Trưởng ban Quản lý Dự án “Sống đẹp” TPHCM, cho biết, đây không chỉ là một sân chơi mà còn là mô hình để các bạn trẻ tại các trường học định hướng kỹ năng sống. “Sống đẹp” sẽ ăn sâu vào tư tưởng các bạn trẻ chứ không phải chỉ khuấy động một phong trào rồi thôi. 

LINH TÂM

12 kỹ năng sống

12 kỹ năng quan trọng nhất được thiết lập trong dự án sẽ được biên tập thành các giáo trình sinh động và chuyển tải đến các câu lạc bộ để HS-SV thảo luận và tự trang bị kiến thức cho mình thông qua các trò chơi và những tình huống cụ thể. Đó là các kỹ năng: xác định mục tiêu và lập kế hoạch, hướng nghiệp; quản lý, sử dụng thời gian hiệu quả; khám phá những ưu, nhược điểm của bản thân và có hướng phát huy, khắc phục; quản lý tiền bạc; quản lý nhóm; vượt qua những nguy cơ, áp lực; nói chuyện trước đám đông; lãnh đạo, quản lý nhóm; phát huy tính sáng tạo, suy nghĩ tích cực; tổ chức dã ngoại, trò chơi; làm tình nguyện; chăm sóc bản thân.

Tin cùng chuyên mục