Mới đây, 6 học sinh tại một trường tiểu học ở tỉnh Đăk Nông phải nhập viện vì một loại đồ chơi phát nổ. Trước đó, cả nước từng xảy ra hàng trăm vụ học sinh bị nhiễm độc hóa chất, tổn thương mắt hoặc dị ứng da vì sử dụng các loại đồ chơi độc hại. Trong khi đó, quy định về kiểm tra, thu hồi các loại đồ chơi độc hại hiện nay còn hết sức lỏng lẻo.
“Nhà trường chỉ bám đuôi!”
Theo Th.S Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM, trách nhiệm kiểm tra, quản lý đồ chơi bày bán trong khuôn viên trường học thuộc về ban giám hiệu nhà trường. “Nếu để xảy ra sự cố làm tổn hại sức khỏe học sinh, hiệu trưởng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm”, ông Huy cho biết. Nhận thức được điều đó, bà Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3) cho biết, định kỳ mỗi tuần một lần, nhà trường đều cử cán bộ công đoàn xuống căntin kiểm tra, giám sát chất lượng các loại đồ chơi bày bán. “Ngay cả các thành viên ban giám hiệu cũng thường xuyên xuống kiểm tra, nếu phát hiện có đồ chơi độc hại, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe học sinh sẽ lập tức nhắc nhở, yêu cầu chủ căntin ngưng bán các loại đồ chơi đó” - bà Yến cho biết.
Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh đến trường, phát hiện nhiều loại đồ chơi độc hại bày bán ngay trong khuôn viên trường. Mới đây nhất là vụ hạt trương nở - một loại hạt nhỏ xíu bằng đầu cây tăm khi ngâm trong nước sẽ nở to thành viên bi được học sinh phản ảnh bán trong căntin Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh). Đây là loại đồ chơi đã được cơ quan y tế cảnh báo là nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, nếu để lọt vào đường hô hấp sẽ dẫn tới tắc khí quản, lọt vào ruột khi gặp nước nở to dẫn tới tắc thành ruột. Ngay khi có phản ảnh của phụ huynh, nhà trường đã yêu cầu chủ căntin không tiếp tục bán loại đồ chơi này.
Hiệu trưởng (xin được giấu tên) một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh bày tỏ: “Hiện nay chưa có danh mục tổng hợp các loại đồ chơi độc hại công bố rộng rãi cho các trường nên việc kiểm tra, quản lý mang tính cảm giác là chủ yếu. Dù nhà trường kiên quyết không cho lưu hành các loại đồ chơi độc hại nhưng thực tế nhiều khi chính bản thân cán bộ xuống kiểm tra cũng không biết món đồ chơi có độc hại hay không”. Đa số trường hợp nhà trường chỉ biết là độc hại sau khi có phản ảnh của báo chí hoặc phụ huynh, nhưng lúc đó đã có không ít học sinh mua rồi. Do đó, việc chấn chỉnh, nhắc nhở nếu có chỉ mang tính chữa cháy, bám đuôi là chính, chưa thể có giải pháp căn cơ.
Khó quản “chợ đồ chơi” trước cổng trường
Chiều 20-1, có mặt trước cổng Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1), ghi nhận cho thấy có một xe bán bóng hơi, loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 khuyến cáo là độc hại, thiếu an toàn cho trẻ nhỏ. Chủ của xe bán đồ chơi là một người đàn ông tên Minh, dáng người thấp, đậm người. Ông này cho biết mỗi chiều thường đạp xe vòng quanh các cổng trường mẫu giáo để bán bóng hơi. Mỗi ngày bán được từ 10 - 20 quả bóng, giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/quả, tùy thuộc vào trả giá của phụ huynh. Mặc dù xe đồ chơi của ông còn bày thêm nhiều món nữa nhưng học sinh chỉ thích bóng hơi vì màu sắc đẹp, nhiều kích cỡ, đa phần đều rất nhẹ, có gai dễ cầm.
Tương tự, trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Tân Bình) cũng có một cửa hàng tạp hóa bán đủ loại đồ chơi. Vào mỗi giờ tan học, từng nhóm học sinh nối đuôi nhau vào đây tìm mua hình xăm đủ các thể loại. Giá mỗi miếng hình xăm dao động từ 3.000 - 5.000 đồng. Học sinh nữ thì có các hình hoa hồng, bươm bướm; học sinh nam thì có súng ống, đại bàng, đầu lâu… M.N., học sinh lớp 4 trường này cho biết: “Màu sắc và kiểu dáng các loại hình xăm ở đây rất phong phú. Thích hình gì, tụi em chỉ mất chưa đầy 2 giây xé miếng keo trong bên ngoài, dán hình đó lên cơ thể. Vài bữa không thích hình đó nữa thì xóa đi, dán hình khác lên người”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng các loại mực in trên đó thì chủ cửa hàng không đưa ra được câu trả lời.
Ngoài ra, thị trường đồ chơi cho học sinh mầm non và tiểu học hiện nay còn có nhiều món “độc” đến không ngờ. Minh Quân, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nhật Tảo (quận 10) cho biết, thỉnh thoảng trước cổng trường có một người đàn ông đi xe máy bán “bột cây thông Noel”. Đây là một loại dung dịch màu trắng không rõ là hóa chất gì, khi tưới lên tấm bìa cạc tông cắt sẵn hình cây thông, để ngoài không khí chừng 10 phút sẽ nở to thành cây thông Noel trắng xóa, đụng vào dễ vỡ như tuyết, hạt nhỏ li ti. Giá mỗi bịch hóa chất này chưa đến 4.000 đồng nên thu hút rất nhiều học sinh. Ngoài ra còn có các loại kẹo sôcôla, kẹo vitamin đựng trong các hộp đồ chơi bằng nhựa hình súng ống, thanh kiếm, cá vàng… với giá siêu rẻ từ 5.000 - 7.000 đồng/hộp.
Th.S Trần Khắc Huy cho biết, từ năm 2010, Sở GD-ĐT đã ký liên tịch với Công an TPHCM về tăng cường công tác kiểm tra an ninh, trật tự trước cổng trường. Dù địa phương nào cũng có đội dân phòng hỗ trợ điều tiết, bảo đảm trật tự, an ninh trước cổng trường nhưng do lực lượng còn khá mỏng, chưa thể túc trực thường xuyên ở tất cả cổng trường vào giờ tan học. Khi có phát hiện đồ chơi độc hại, lực lượng này chỉ có thể nhắc nhở chứ chưa có thẩm quyền xử lý. Vì vậy, quản lý chất lượng các loại đồ chơi bày bán trước cổng trường vẫn là bài toán nan giải.
THU TÂM