Xe hơi thể thao

Đồ chơi thời thượng

Đình Hải
Đồ chơi thời thượng
Đồ chơi thời thượng ảnh 1

Beetle Volkswagen

Xe ô tô con (xe hơi) đến nay vẫn còn là mặt hàng xa xỉ với rất nhiều người dân Việt Nam. Mặt hàng này mới chỉ nhắm vào số thương gia, Việt kiều và số ít gia đình kinh tế khá giả, nhưng nó đang là thị trường đầy triển vọng. Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, giới con nhà giàu bắt đầu coi xe hơi là một thứ “đồ chơi” thời thượng.

  • Đi xem lắp “đồ chơi”

Cường xế, một tay chơi sành điệu trong làng chơi xe hơi thể thao ở Sài Gòn, đưa tôi đến nơi chuyên mua bán, trao đổi thiết bị xe hơi (Trần Bình Trọng-An Dương Vương, P3, Q5) bằng một chiếc BMW đời mới nhất. Tại đây, không thiếu thứ gì thuộc ngành ô tô. Thấy chiếc xe hơi thể thao mui trần của Cường vừa xịch lại trước một cửa tiệm ở ngã tư Trần Bình Trọng-An Dương Vương, ông chủ tiệm kinh doanh nội thất tên Phương lao ra bắt tay Cường rất mặn mà trước bao ánh mắt ngưỡng mộ chiếc xe thời trang và chủ của nó. Cường bảo chủ tiệm gắn cho xe của anh hai đề-can hình hai cô gái mặc đồ lót ở phía trước xe, giá 200.000đồng, mặc dù chiếc xe của Cường đã có đủ thứ hình dán ngang, dán dọc khắp thân xe, với đủ thứ màu xanh đỏ.

Hàng ngày, ở khu vực này có rất nhiều xe ô tô hai chỗ, bốn chỗ ngồi đến sửa chữa, tân trang, mông má… Trong tiệm, các thợ tất bật lắp dàn âm thanh cho một chiếc xe ô tô hiệu Ford. Tôi lân la bắt chuyện một anh thợ đang đấu giàn âm thanh, anh than: “Làm chiếc này từ sáng, giờ gần tối rồi mà chưa xong …”. Thiết bị âm thanh được dân chơi gắn thêm vào các xe ô tô thường phá hoàn toàn kết cấu ban đầu của nhà sản xuất.

Họ dùng nguyên phần cốp xe để đặt bộ kích âm thanh (còn gọi là dàn Super), phía trên cốp xe đặt những bộ loa to như những chiếc thùng nhựa đường đen kịt, bộ dây dẫn trườn ra hai bên sườn xe, vượt lên phía trên đầu xe dẫn đến rất nhiều loa nhỏ và dừng lại ở bộ điều khiển âm thanh và ổ đĩa CD, VCD hoặc DVD. Toàn bộ những đường dẫn cho âm thanh là những chùm đèn đa sắc màu để mỗi khi âm thanh phát ra đèn màu nhấp nháy theo nhịp điệu của nhạc. Thợ lắp dàn âm thanh phải tương đối có nghề để khi vận hành gần như không có tiếng động nội thất, mặc dù là đồ tân trang. Giá một bộ dàn âm thanh hoàn hảo cho xe thể thao lên đến mấy chục ngàn đô la (tương đương một chiếc xe bốn chỗ ngồi thông thường).

Cường xế tự hào nói với tôi: “Chơi xe thể thao như mình ở Sài Gòn này hiếm lắm, chỉ bốn năm đứa thôi, còn lại toàn bọn gà mờ đốt tiền”. Cường thường đi nghe ngóng tình hình thị trường có gì mới nổi lên, xu hướng thích kiểu dáng nào và loại âm thanh gì… rồi tìm kiếm trên mạng từ các nhà sản xuất nước ngoài và lập tức nhờ bà con ở nước ngoài mua giúp. Ban đầu, Cường lắp những thứ “đồ chơi” như dàn âm thanh công suất lớn, các loại vỏ mâm xe, gương kính…, chạy một thời gian, giới chơi ô tô đánh hơi thấy và đến hỏi mua. Cường không ngần ngại bóc ngay đồ của xe mình ra bán cho những “chú gà mờ” để săn lùng những thứ đồ chơi mới hơn nhưng lại được tiếng “giúp nhau là chính”. Mỗi phi vụ như vậy Cường cũng hốt được bộn bạc.

Thị trường xe hơi thể thao ở TPHCM tuy không ồn ào nhưng luôn có những cơn sóng ngầm. Ngoài những trùm đồ chơi xách tay “vừa làm vừa chơi” như Cường xế còn có các chủ tiệm chuyên kinh doanh mặt hàng này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động rất kín đáo. Họ thường chỉ bán hàng cho khách quen. Tôi tiếp cận một chủ doanh nghiệp kinh doanh garage ô tô trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình và được biết, ở Sài Gòn trong giới chơi xe hơi thể thao, chỉ cần nói tên là biết ngay ông trùm đó có loại “đồ chơi” gì, làm ăn ở khu vực nào…

Trong những ngày la cà ở đường Trần Bình Trọng, tôi đã mục sở thị rất nhiều trò tân trang, căng dán đủ thứ trên thân xe, nào hình sex, hình động vật, hình đồng đô la Mỹ… Cả những chiếc mâm (vành xe) cũng bị dân chơi nhấc ra để thay thế bằng những chiếc mâm khác to hơn, có cá tính hơn. Thông thường nhà sản xuất thiết kế và chế tạo ra loại mâm có kích thước 15 inch, dân chơi sẽ thay bằng một chiếc mâm có kích cỡ đến 17 inch; lốp xe cũng được nâng lên, loại lốp có kích thước 215 - 45 - 17cm thay bằng lốp 225 - 40 - 18cm, độ rộng của lốp sẽ rất lớn.

 Theo quan niệm của dân chơi xe hơi, hiện nay đang có xu hướng gắn mâm rộng, mâm quang (phản quang); phía dưới đầu, đuôi và hai bên bậc lên xuống của xe phải gắn thêm lips cho sệ gầm xe xuống mới thể thao, giá một bộ lips từ 7 - 10 triệu đồng. Những trò này thu hút rất nhiều dân chơi ở khắp nơi tụ tập về TPHCM, cả những chiếc xe hơi thể thao biển số Hà Nội cũng tụ về khu vực Trần Bình Trọng để thay, lắp, sửa sang, lên đời…
Những trò bịt mắt… bắt tiền khách của dân làm “đồ chơi” xe hơi Trần Bình Trọng là chuyện thường ngày. Dân lắp đồ xe hơi ở đây thường “nhìn mặt mà bắt giá tiền” nhưng đã gọi là dân chơi thì tính toán chi ba cái vặt vãnh! Ngoài khu vực Trần Bình Trọng-An Dương Vương, TPHCM còn có nhiều khu vực nhỏ lẻ bán các loại đồ chơi xe hơi như: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chợ Dân Sinh và những thiết bị âm thanh mới của hãng điện tử Sony ở đường Lê Lợi…. Đã “chơi” thì phải “độc”, nó như một giá trị của dân chơi để khẳng định đẳng cấp của nhau.
Quản lý bất cập
Thiết bị xe hơi trôi nổi ở TPHCM hiện đang bán tràn lan nhưng không có cơ quan nào quản lý, dân chơi tự do trao đổi, mua bán các loại xe hơi màu mè lòe loẹt, hàng đêm hai, ba chiếc nối đuôi kéo nhau vào khu vực trung tâm TPHCM để “biểu diễn” khoe sắc. Ngồi trên những chiếc xe đó là những cặp thanh niên nam nữ ăn mặc rất mốt, tiếng nhạc từ những chiếc xe phát ra với cường độ âm thanh thật lớn, huyên náo cả phố phường làm ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống văn minh đô thị.

Theo giới chơi xe, hiện TPHCM có gần 100 chiếc xe hơi và xe hơi thể thao chuyên lắp đồ chơi độc nhưng cơ quan quản lý giao thông thì  chưa thống kê được, bởi khi đăng ký, chủ xe chỉ ghi là xe ô tô con bốn bánh chứ không phân biệt loại xe bốn bánh thông thường hay loại bốn bánh thể thao. Hơn thế, khi làm thủ tục đăng ký xe vẫn giữ nguyên mẫu của nhà sản xuất, chỉ sau khi có giấy đăng ký, chủ xe muốn làm gì cũng chẳng cơ quan chức năng nào quan tâm. Những loại xe hơi thể thao của dân chơi ở TPHCM hiện nay chỉ hoạt động vào tối và khuya (là giờ dân chơi diễu hành) để tránh sự kiểm soát của cảnh sát giao thông. Nguy cơ gây tai nạn giao thông từ những chiếc xe thể thao này rất cao.

Hiện chúng ta chưa có một quy định rõ ràng về cấp phép lưu hành cho loại hình xe hơi thể thao vì nó quá mới mẻ. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó phòng Quản lý thông tin Sở VH-TT TPHCM cho biết: “Hiện có tình trạng một số xe hơi thể thao du lịch gây ồn ào và bên ngoài xe có dán hình ảnh gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố nhưng không thuộc lĩnh vực quản lý của ngành chúng tôi nên cũng chẳng biết làm sao”.

 Ông Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ Công an TPHCM thì nói: “Chúng tôi chỉ xử phạt theo luật định. Trường hợp những xe gây tiếng ồn trên đường phố từ 22 giờ đến 5 giờ sẽ bị xử phạt theo điều 6, Nghị định 49 của Chính phủ, mức phạt từ 100.000-500.000 đồng. Nếu có những thay đổi kết cấu ban đầu của xe sẽ bị phạt theo Nghị định 15 của Chính phủ, từ 3-5 triệu đồng, đối với hành vi phạm tại điểm d, điều 20 của nghị định này: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy; tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước, màu sơn của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng xe”.

Khi được hỏi, trường hợp xe mở nhạc quá lớn như những xe hơi thể thao mui trần vi phạm nhiều lần thì xử lý thế nào? Ông Võ Văn Vân cho hay: Lần đầu xử phạt 100.000 đồng, nếu tái phạm sẽ xử lý mức cao nhất là 500.000 đồng, trường hợp dán đề-can thì chỉ nhắc nhở chứ chưa có quy định bắt tháo gỡ.


Phải chăng chúng ta đang lúng túng trong những quy định về các phương tiện vận tải cá nhân. Chơi xe không xấu, nhưng chơi như thế nào mà vẫn thể hiện lối sống văn minh lịch sự thì rất khó. Theo sự phát triển của đất nước, sẽ ngày càng có nhiều xe hơi lưu thông. Việc quản lý xe hơi thể thao là một vấn đề cần đặt ra, không nên bỏ ngỏ như hiện nay, đừng để khi nó trở thành căn bệnh trầm kha mới tìm cách chữa…

Đình Hải

Tin cùng chuyên mục