
Sau loạt bài phản ánh tình trạng vi phạm văn minh đô thị của đại bộ phận cư dân TPHCM hiện nay, Tuần san SGGP Thứ Bảy đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía độc giả. Trên cơ sở dó, chúng tôi tiếp tục trở lại vấn đề này bằng cách tìm hiểu, phân tích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Chuyển mình từ mô hình nông nghiệp sang công nghiệp hóa, từ một xã hội chủ yếu là nông thôn dần “lột xác”, chuyển hướng sang thành thị với tốc độ chóng mặt, “TPHCM giống như một… liên hiệp tỉnh” - như câu nói đùa nhưng khá chính xác của một nhà xã hội học. Vì thế, cần xem xét hành vi thiếu văn minh đô thị của đại bộ cư dân thành phố từ những nguyên nhân sâu xa…
- Khi “tục” nhà không nghiêm...

Chứng kiến diện mạo TPHCM ngày càng nhếch nhác, không ít người nghĩ: do dân nhập cư! - nghe có vẻ hợp lý. Thế nhưng vì sao người Việt Nam, những người vốn quen sống “hồn nhiên” nơi công cộng, khi đi du lịch hoặc sinh sống ở các nước khác lại chấp hành rất nghiêm luật của nước sở tại?
Cụ thể như sang nước láng giềng Singapore, có người VN nào dám xả rác hoặc vứt tàn thuốc lá ở nơi công cộng? Câu trả lời là “không”, đơn giản vì sẽ bị phạt ngay tức khắc và rất nặng.
Như vậy, liệu có người nhập cư nào dám vứt rác, tè bậy hay sinh hoạt nhếch nhác giữa lòng Sài Gòn khi đường phố của chúng ta sạch như lau, như li và nếu vi phạm sẽ bị cảnh sát môi trường bắt phạt bất cứ lúc nào? Xin nêu một ví dụ: một nhóm sinh viên nước ngoài sang ta du lịch thấy cảnh người người cứ băng bừa qua đường bất kể lằn vạch, các bạn lập tức… băng theo rồi ồ lên khoái trá!
Thấy cảnh chen lấn ở nơi đúng ra phải xếp hàng, sau một lúc quan sát, các bạn chợt “hiểu ra” rồi cũng… chen theo! Cầm rác trên tay đang tìm chỗ bỏ thì thấy người dân hồn nhiên bỏ rác xuống đường nên các bạn cũng làm theo… Dẫn chứng vài ví dụ như vậy để thấy rằng: Khi cái “tục” của nhà mình không nghiêm, đến nỗi “người nhà” còn vi phạm, thì trách sao được kẻ “nhập gia” không giữ nếp, giữ lề?
- Phải ý thức “từ thuở còn thơ”
Có dịp bước vào Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 - một ngôi trường bề thế nằm ngay trung tâm thành phố - sẽ không có gì đáng phàn nàn nếu như bạn không bước vào nhà vệ sinh nữ của trường: nước bẩn lép nhép, gián chạy lung tung, mùi hôi nồng nặc xộc ra, các nữ sinh hầu như… tênh hênh đi vệ sinh bởi hầu hết cửa nẻo của nhà vệ sinh đều gãy, hỏng.
Chứng kiến cảnh này chắc chắn bạn sẽ đặt câu hỏi: người ta dạy các em những điều “cao siêu” gì ở trường? Được biết, trường luôn có đội ngũ lao công nhưng dọn sao cho xuể khi hình như không ai để ý dạy các em phải dội nhà vệ sinh ngay sau khi đi vệ sinh? Những công dân tương lai ấy không được giáo dục phải giữ gìn vệ sinh nơi công cộng ngay trên ghế nhà trường thì làm sao hành vi văn minh đô thị có thể theo các em bước vào đời sống?
Nếu ghé qua các tiệm cà phê hay điểm Internet bất kỳ nào có nhiều bạn trẻ, bạn sẽ dễ dàng mục kích cảnh họ ngồi cho cả hai chân lên ghế (ảnh), ngoáy mũi, gãi sột soạt, khạc nhổ, cười nói to… rất đỗi hồn nhiên, kể cả khi có người nhìn.
Chính sự thiếu quan tâm, giáo dục từ gia đình cho đến nhà trường và cả ngoài xã hội, khiến họ - những người trẻ hầu như không hay, không biết gì đến những hành vi văn minh tối thiểu tại những nơi công cộng.
Phương cách giải quyết vấn đề là nhất thiết phải giáo dục ý thức cho trẻ từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó, dần hình thành hiểu biết và thói quen thực hành những điều luật rất căn bản và cần thiết cho một xã hội văn minh như luật đi đường, luật giữ vệ sinh công cộng, thái độ chấp hành luật lệ chung, và nhất là luật phải được áp dụng cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ.
THẢO PHẠM