Mặc dù là sân bay quốc tế lớn nhất nhì cả nước, nhưng thật đáng tiếc là cho đến giờ phút này, sân bay Tân Sơn Nhất lại gần như hoàn toàn vắng bóng xe buýt!
1 và chỉ 1
Nói là “gần như vắng bóng” vì thật ra ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) cũng đã và đang có một tuyến xe buýt hoạt động. Những ai quan tâm đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM hẳn vẫn nhớ cách đây tròn 8 năm, vào ngày 30-4-2003, ngành chức năng thành phố đã đưa vào khai thác tuyến xe buýt Bến Thành - sân bay TSN. Lộ trình tuyến buýt mới này dài 13,2km đi qua 5 quận trung tâm là quận 1, 3, 10, Phú Nhuận và Tân Bình, bắt đầu từ trạm Bến Thành đi qua Lê Lai - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur - Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót - Trường Sơn rồi kết thúc ở sân bay TSN.
Đến đầu tháng 3-2010, cự ly và lộ trình của tuyến có sự thay đổi do đầu bến ở Bến Thành được dịch chuyển ra Khu dân cư Trung Sơn - quận 7, vì thế tuyến được đổi tên thành tuyến sân bay TSN - Khu dân cư Trung Sơn, cự ly 14,9km. Tuyến mới về cơ bản vẫn giữ nguyên luồng tuyến như trước, chỉ có điều thay vì từ sân bay TSN vào kết thúc ở Bến Thành thì giờ đây được kéo đi tiếp một đoạn nữa, từ Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ - Dương Bá Trạc - đường 9A rồi kết thúc tại bãi đậu xe buýt ở cuối đường số 10 Khu dân cư Trung Sơn. Thời gian đi lại giữa hai đầu tuyến là 50 phút, thời gian giãn cách 12 phút trong giờ cao điểm và 17 phút trong giờ thấp điểm.
Công ty Xe khách Sài Gòn - đơn vị khai thác tuyến buýt này - đã đưa 14 xe buýt loại B50, sức chứa 55 hành khách, cả chỗ ngồi lẫn đứng, vào hoạt động trên tuyến với tần suất khoảng 100 chuyến/ngày, trong đó chuyến đầu tiên khởi hành lúc 6 giờ sáng và chuyến cuối cùng xuất bến lúc 18 giờ. “Tham vọng” ngành chức năng đặt ra cho tuyến buýt Bến Thành - Sân bay TSN là đón đầu và đáp ứng nhu cầu của hành khách trong nước lẫn quốc tế vào ra trung tâm thành phố từ cửa ngõ hàng không duy nhất trên địa bàn.
Cho đến nay đã qua 8 năm vận hành khai thác, nhưng đây vẫn là tuyến buýt độc nhất trong thành phố nối kết với sân bay TSN.
Trứng có trước hay gà có trước?
Có lẽ hiếm có tuyến buýt nào tại thành phố có lộ trình đi qua nhiều cung đường thuộc loại sầm uất, “ngựa xe như nước” như tuyến Sân bay TSN - Khu dân cư Trung Sơn. Thế nhưng kết quả thu được lại rất… bết bát!
Số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQLĐH VTHKCC) TPHCM cho thấy, tuyến buýt sân bay này bình quân chỉ có 17 hành khách/chuyến. 17 hành khách trong khi sức chứa cho phép của xe buýt là 55 người, nghĩa là chỉ đạt tỷ lệ hành khách xấp xỉ 31%! Một con số quá sức khiêm nhường, nếu không muốn nói là thất bại của loại hình xe buýt khi biết rằng sân bay TSN hoạt động nhộn nhịp tấp nập suốt ngày đêm với lượng khách ra vào sân bay bình quân 15-17 triệu lượt/năm, tương đương mỗi ngày khoảng 400.000 lượt khách ra vào cửa khẩu này.
Lý giải về sự “thất bát” của buýt sân bay, một cán bộ Công ty Xe khách Sài Gòn nêu ra một loạt nguyên nhân: sân bay nằm ngay trong nội thành; dù cách trung tâm TP chỉ chừng 10km, nhưng 3/4 lộ trình đi qua những điểm nóng về ùn tắc kẹt xe khiến hành khách ngại xe buýt … Hệ quả của những cái “tại, bởi, bị” ấy là con số bình quân 17 hành khách/chuyến nêu trên.
Câu hỏi đặt ra là tình trạng đìu hiu của xe buýt vào/ra sân bay TSN có phải do hành khách không chuộng loại phương tiện VTHKCC này hay chủ yếu và mấu chốt là do sự bất tiện, không thuận lợi nếu chọn đi bằng xe buýt? Bằng chứng là trạm xe buýt gần nhất và cũng duy nhất ở Sân bay TSN lại nằm cách mấy chục mét tính từ cửa đến Ga quốc nội. Xe buýt vì lý do gì đó đã không được sắp xếp, tổ chức đón khách xuống sân bay ngay tận cửa đến, trong khi thực tế rất hiếm hành khách sử dụng máy bay lại đi tay không, nếu không muốn nói ngược lại. Trái ngược với xe buýt, người ta dễ dàng nhìn thấy nhiều taxi hàng hàng lớp lớp chờ tài ở các con đường xung quanh và nhất là được ưu ái dừng đậu sát ngay cửa đến/cửa đi!
Có cảm giác Trung tâm Khai thác ga TSN cũng không mặn mà lắm trong việc phát triển dịch vụ đưa đón hành khách vào ra sân bay bằng phương tiện xe buýt. Bởi vì cách bố trí địa điểm đậu đỗ chờ đón khách của taxi và xe buýt như lâu nay đã mặc nhiên phơi bày sự bất cân xứng. Lẽ ra cả ngành giao thông công chính thành phố lẫn phía sân bay mà đầu mối là Trung tâm Khai thác ga TSN phải có cách phối hợp tốt hơn để tạo điều kiện tối đa cho xe buýt, sau đó mới đến taxi.
Có ít nhất một mô hình mà thành phố cần tham khảo, vận dụng. Đó là việc tổ chức rất tốt minibus tại Sân bay quốc tế Nội Bài: mỗi khi có chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và vừa khi hành khách từ sân bay ra đến là đã có hàng đoàn minibus loại 16 chỗ nối đuôi nhau đỗ xịch ngay trước mặt, sẵn sàng đưa khách vào trung tâm Hà Nội.
Đã mang danh là sân bay quốc tế thì ít nhất cửa khẩu hoành tráng TSN nằm trong đô thị lớn bậc nhất Việt Nam này phải có đủ, có nhiều loại phương tiện VTHKCC khác nhau, đặc biệt xe buýt, để cho “thượng đế” dễ dàng, thuận tiện chọn lựa theo nhu cầu lại vừa rẻ tiền, thay vì chỉ “lệch” về taxi như lâu nay.
Thiện Nhân