
Đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM) có một điểm rất độc đáo so với nhiều đô thị khác của thành phố. Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận) - chủ đầu tư công trình muốn mời người dân phải di dời góp số tiền được đền bù vào xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước. Cách nay khoảng một năm, TPHCM đã chấp thuận ý tưởng mới ấy.

Một góc Khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: Đức Thiện
Những ngày này, Công ty Tân Thuận-chủ đầu tư khu đô thị cảng Hiệp Phước, đang ráo riết chuẩn bị cho việc thi tuyển chọn nhà thầu làm quy hoạch cho khu đô thị cảng này.
Phó Giám đốc Phạm Xuân Bình cho biết: “Chúng tôi đã lập xong danh sách dự kiến ban giám khảo của hội đồng tuyển chọn, có cả chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi mong rằng một hội đồng tuyển chọn giỏi sẽ chọn được nhà thầu giỏi và đô thị cảng Hiệp Phước sẽ hoàn hảo trong khả năng có thể. Song song với việc lập hội đồng tuyển chọn, 12 thư mời thầu cũng đã được gửi tới các nhà thầu và đã có 4 nhà thầu Việt Nam, 5 nhà thầu nước ngoài đồng ý tham gia cuộc thi.
Còn không khí ở xã Hiệp Phước vốn bình yên, nếu bạn ghé vào một quán cà phê nào đó thì sẽ cảm nhận một không khí khác hẳn. Người ta bàn nhiều về chuyện… chuyển nhượng đất đai. Nhiều nông dân cho biết sẵn sàng bán đất với giá từ 70 triệu đến 80 triệu đồng/công (đất ruộng) và hơn 100 triệu đồng/công đất vườn… Khi được hỏi, tại sao không để sau này góp vốn với Công ty Tân Thuận, nhiều người trả lời “không rành về chuyện góp vốn nên bán đất trước cho chắc ăn”.
Nỗi băn khoăn của người dân về việc góp vốn cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo thành phố. Ngay khi đề án này được công bố, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Đào Anh Kiệt đã đặt câu hỏi: Quyền lợi người dân sẽ như thế nào nếu việc xây dựng đô thị này không thành công? TPHCM đã giao cho Viện Kinh tế TPHCM tìm ra cơ chế góp vốn trên cơ sở hài hòa các lợi ích: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Hiện Viện Kinh tế đang hoàn thiện cơ chế này.
Băn khoăn cảng Hiệp Phước
Cảng Hiệp Phước là một phần rất quan trọng của đô thị cảng Hiệp Phước. Theo quy hoạch cụm cảng số 5 bao gồm cảng các khu vực Sài Gòn-Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì khu vực Hiệp Phước sẽ chủ yếu là các cảng hạng trung.
Cảng nước sâu sẽ tập trung ở khu vực Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu. Một trong những lý do để Chính phủ có quyết định này là do sông Lòng Tàu - cửa ngõ chính ra vào TPHCM của hầu hết các tàu biển, khá nông, không thích hợp cho các loại tàu lớn ra vào.
Hơn nữa, sông Soài Rạp - một con đường khác ra vào các cảng của thành phố lại có vài điểm nông gần cửa sông nên tàu lớn cũng không thể lưu thông được. Tuy nhiên, với nhiều người, đô thị cảng Hiệp Phước phải có cảng hiện đại, có khả năng tiếp nhận được các loại tàu lớn. Do vậy, quy mô cảng Hiệp Phước như thế nào chính là nỗi băn khoăn của nhiều ban ngành chức năng thành phố.
Thật ra, những người mang ước mơ về một cảng Hiệp Phước hiện đại, có thể tiếp nhận được các loại tàu lớn cũng có cơ sở. Sông Soài Rạp tuy có vài điểm nông nhưng nếu được nạo vét thì sẽ là luồng đi lý tưởng cho các tàu lớn ra vào Hiệp Phước. Trên thực tế, Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM cũng đã cho nạo vét thử nghiệm lòng Soài Rạp cho tàu đến 60.000 DWT ra vào. Và nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà điển hình là một nhà đầu tư của Anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cảng container tại đây vào cuối năm 2006.
Đô thị cảng Hiệp Phước sẽ có cảng hạng trung, tiếp nhận những con tàu có trọng tải vừa hay sẽ là cảng tiếp nhận được những tàu lớn? Ông Phạm Xuân Bình cho biết, chúng tôi sẽ đưa tất cả những ý tưởng này vào đầu bài thi quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước. Hy vọng các nhà tư vấn sẽ đề xuất được những ý kiến hay để thành phố xem xét quyết định. Như vậy, diện mạo đô thị cảng Hiệp Phước như thế nào vẫn còn phải chờ...
NGUYỄN KHOA-LAM THUẦN