Đô thị hóa - Thách thức và cơ hội

Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nhanh chóng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… đã và đang góp phần gây ra những vấn đề nhức nhối về môi trường. Đó là sự biến đổi khí hậu (BĐKH), suy thoái đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên nước ngọt, suy thoái đất và hoang mạc hóa… 

Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện Nước và Công nghệ Môi trường, (WETI) cho biết, ô nhiễm môi trường nước ngày càng tăng, nhất là ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai (HTSĐN). Đơn cử sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa, nồng độ chất thải luôn ở mức cao, vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài lần đến vài chục lần. Không dừng lại đó, việc khai thác, sử dụng bừa bãi, thiếu quy hoạch nguồn nước đã và đang khiến nguồn nước ngọt suy giảm nghiêm trọng về số lượng lẫn chất lượng. Diện tích rừng cũng đang bị giảm nhanh do nạn chặt phá, khai thác lậu ngày càng tăng khiến cho tình trạng xói mòn đất và các tai biến địa chất diễn biến rất phức tạp, xâm nhập mặn ở hạ lưu cũng diễn ra mạnh mẽ hơn…

Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết thêm, một vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho các đô thị lớn có tốc độ phát triển nhanh là xử lý chất thải rắn, tăng khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý chất thải rắn tại các đô thị và KCN hiện nay chưa phù hợp, công nghệ áp dụng hiện nay chủ yếu chỉ là chôn lấp tiêu hao nhiều đất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và đất. Không chỉ vậy, những tác động từ vấn đề BĐKH đang và sẽ gây những tác động to lớn lên hệ sinh thái tự nhiên và toàn bộ hoạt động đời sống của con người. Tình trạng ngập úng sẽ thường xuyên và kéo dài hơn. Điều đó sẽ dẫn đến nhiều khó khăn và thách thức trong công tác BVMT của đô thị và KCN trong tương lai.

Để bảo vệ nguồn nước, theo Giáo sư Lâm Minh Triết, chúng ta cần tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận đang thịnh hành là quản lý tổng hợp lưu vực sông. Tiếp cận dần với khái niệm “Quản lý thích ứng” nhất là trong bối cảnh BĐKH hiện nay. Hướng đến việc quản lý lưu vực có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Từng bước cải tiến, tăng cường và hoàn thiện bộ khung thể chế cho việc quản lý tổng hợp lưu vực HTSĐN. Đảm bảo các nguồn nhân lực và tài chính tương xứng. Xây dựng và thực thi các cơ chế chi trả cho các dịch vụ môi trường, hệ sinh thái. Ngoài ra, việc phát triển các công cụ và chiến lược cho việc giảm thiểu, tái sử dụng, tuần hoàn nước đối với các mục tiêu sử dụng khác nhau; thiết lập các quyền ưu tiên về nước trong những tình huống thiếu hụt, tranh chấp nguồn nước cũng là những biện pháp hiện hữu mà chúng ta cần quan tâm.

Đối với vấn đề xử lý chất thải rắn trong các đô thị, PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng viện Môi trường và Tài nguyên cho rằng, nên sử dụng công nghệ phân hủy kị khí, thu hồi mêtan. Phương pháp này sẽ khả thi hơn so với việc chúng ta đem chôn hay đốt chất thải rắn. Nó mang lại nhiều lợi ích như tạo khí sinh học, tạo ra điện từ khí, giảm chi phí xử lý rác; giảm thiểu CO2, thích ứng với BĐKH; bán quota phát thải. Nếu áp dụng công nghệ thu khí mêtan, ước tính nước ta có thể thu khoảng 3,6 triệu kWh điện/ngày lợi nhuận từ dự án phát thải CO2 là 160.000 USD/ngày tương đương 600 triệu USD/năm.

HẢI THANH

Tin cùng chuyên mục