Do ùn tắc giao thông: Không khí thành phố có xấu đi?

Môi trường không khí ở TPHCM khá tốt
Do ùn tắc giao thông: Không khí thành phố có xấu đi?

Do ùn tắc giao thông: Không khí thành phố có xấu đi? ảnh 1

Hầu hết phụ nữ tại TPHCM ra đường đều mang khẩu trang. Số nam giới mang khẩu trang cũng ngày càng nhiều. Có lẽ việc mang khẩu trang không chỉ nhằm mục đích bảo vệ làn da mà còn để bảo vệ lá phổi bởi đa số người dân cảm nhận rằng không khí TPHCM đang ngày một xấu đi do tình trạng giao thông tệ hại? Được biết, giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở TPHCM. Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông NGUYỄN ĐÌNH TUẤN, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM (ảnh), cho biết:

Trong những năm qua mức độ ô nhiễm do bụi ven các trục đường giao thông tại TPHCM đã có một sự cải thiện nhất định, tuy nhiên nồng độ bụi đo được tại hầu hết các trạm quan trắc đặt ở các nút giao thông của TP đều cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam, đặc biệt là bụi lơ lửng có lúc cao hơn đến 5 lần so với tiêu chuẩn. Nồng độ chì (chủ yếu thải ra từ khói xe) cũng có xu hướng tăng nhưng chưa vượt tiêu chuẩn của Việt Nam. Hiện nay, nồng độ chì đo được dao động từ 0,5µg/m3-1µg/m3 trong khi đó tiêu chuẩn Việt Nam là 1,5µg/m3.

Do ùn tắc giao thông: Không khí thành phố có xấu đi? ảnh 2

Khí thải từ các phương tiện giao thông - nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở TPHCM. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Các chỉ tiêu khác như khí CO, SO2, NO2, O3… có nơi có lúc vượt chỉ tiêu cho phép nhưng không nhiều. Như vậy có thể khẳng định so với thời gian trước, chất lượng không khí không có diễn biến xấu hơn.

* Nhưng thời gian gần đây, nhiều người dân cho biết, họ cảm thấy không khí ở TP ngày càng ngột ngạt hơn?

° Điều này chủ yếu là do thời gian lưu thông phải kéo dài hơn (vì kẹt xe) nên người dân phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm lâu hơn, cộng thêm các tác động khác như tiếng ồn, nhiệt độ… nên cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt.

*Ông có nghĩ rằng tiêu chuẩn chất lượng không khí Việt Nam còn thấp so với mong muốn của người dân nên dù nhiều thông số chỉ mới vượt mức cho phép không nhiều nhưng đa số người dân đã cảm thấy mệt mỏi!

° Trước đây, nhiều chỉ tiêu trong tiêu chuẩn chất lượng không khí Việt Nam thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn chất lượng không khí của thế giới nói chung. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã điều chỉnh lại. Nhiều chỉ tiêu trong tiêu chuẩn chất lượng không khí Việt Nam đã tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới, ví dụ như các thông số NO2, CO trong không khí xung quanh theo TCVN 5937: 2005 có giá trị cho phép trung bình 1 giờ là 2005µg/m3 và 30000 5µg/m3, thì theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các giá trị tương ứng cũng là 2005µg/m3 và 30000 5µg/m3.

* Như vậy theo ông, người dân TP vẫn có thể an tâm về bầu không khí quanh mình?

° Không nên lạc quan như vậy. Để chất lượng không khí của TP không xấu đi, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân, TP nên có các biện pháp đồng bộ để giảm bớt lượng xe lưu thông trên đường, vận động mọi người sử dụng các phương tiện giao thông sạch như xe đạp, xe đạp điện song hành với phát triển vận tải hành khách công cộng, nhất là những loại phương tiện hiện đại chở được nhiều người mà ít gây ô nhiễm như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao…

° Cảm ơn ông!

NGUYỄN KHOA

Môi trường không khí ở TPHCM khá tốt

Tại cuộc họp của Hội đồng hợp tác thuộc Chương trình không khí sạch châu Á  (CAI-Asia) tổ chức tại Manila, Philippines vào ngày 23-7 vừa qua, CAI-Asia đã giới thiệu bảng xếp hạng năng lực quản lý chất lượng không khí (AQM) tại các thành phố châu Á như sau:

Xếp loại                   Điểm                     Thành phố
năng lực AQM
Xuất sắc I               91-100                     Hong Kong, Singapore, Taipei và Tokyo
Xuất sắc II              81-90                       Bangkok, Seoul và Shanghai
Tốt I                       71-80                       Beijing và Busan
Tốt II                      61-70                        New Delhi
Tương đối I            51-60               TP Hồ Chí Minh, Jakarta, Kolkata, Manila và Mumbai
Tương đối II           41-50                        Colombo
Hạn chế I               31-40                        Hà Nội và Surabaya
Hạn chế II               21-30                       Dhaka và Kathmandu
Tối thiểu                 0-20 - 

Như vậy, chúng ta thấy TP Hồ Chí Minh được xếp loại trên trung bình,  cùng nhóm với một số thành phố khác như Manila, Jakarta… và cao hơn thủ đô Hà Nội 2 bậc.

Kết quả tuy còn khiêm tốn nhưng đối với TP Hồ Chí Minh, nơi có khoảng 30.000 cơ sở sản xuất công nghiệp trong đó nhiều cơ sở nằm trong nội thành và số lượng phương tiện vận tải cao nhất nước: trên 3 triệu xe gắn máy và khoảng 300.000 xe ô tô các loại thì kết quả đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng.  

Tin cùng chuyên mục