Đoạn đường phía sau

Tuần sau đã là giỗ đầu của ba chị. Trong gần một năm ấy, bao điều đã diễn ra, bao thứ đã đổi thay, nhưng chị hầu như vẫn chưa thể chấp nhận suy nghĩ: đời này mình chẳng bao giờ còn có dịp gặp lại ba...

Trước, chị có quen một cô bạn nhỏ tuổi hơn, mất mẹ đột ngột vào ngày mừng nhà mới. Cô ấy thường xuyên kể lể khóc lóc với chị về nỗi đau mồ côi mẹ. Và chị, dù hết sức chia sẻ và cảm thông, nhưng thi thoảng vẫn thầm lén tự hỏi một câu rằng, trời ơi sao cái con nhỏ đó nó cứ nói hoài nói mãi về cái đề tài phiền muộn này cơ chứ!

Cho tới khi ba chị mất. Không phải quá bất ngờ như mẹ cô ấy, nhưng vẫn là một cú sốc. Bởi từ ngày ba phát hiện ra bị K cho tới lúc rời khỏi, vỏn vẹn chưa tới một tháng. Những ngày cuối cùng của ba nhiều khổ sở khi phải ra vô bệnh viện, chịu nỗi đau đớn bệnh tật, mổ xẻ giày vò… Chị chưa bao giờ nghĩ rằng ba mình sẽ đi nhanh tới vậy. Nên chị vẫn cố gắng giữ nhịp sống hàng ngày, đi làm, đi gặp khách hàng, đi giao thiệp chỗ này chỗ khác. Đêm hôm trước ba mất, chị vẫn còn dự đám cưới, ăn mấy cái bánh ngọt, cười nói hỉ hả…

Để sau này, chị ước giá như mình dành nhiều thời gian hơn để ngồi bên ba, nói chuyện, hỏi han. Kể với ba những điều vụn vặt ngoài kia. Nhắc với ba về gian nhà dưới quê ngày xưa, có cây xoài mọc bên hông bếp, trái ngọt lịm. Về mấy con bồ câu ra ràng và lớn nhanh như thổi bên đầu hồi. Về những chiều tối ba đi làm về hay mua túi bánh bao bánh cóng, có hôm là phần lẩu dê kèm theo trứng vịt lộn ngon lành.

Mà thuở đó, chị ít biết ghi nhận, chưa kịp lớn khôn để hiểu rằng, bản thân mình đã may mắn biết bao…

Tuần sau là giỗ đầu của ba rồi. Trong gần một năm ấy, chị hầu như chẳng ngày nào không nghĩ tới người đã khuất. Ngày trước, khi ba ở cùng gia đình chị, có khi ba về quê chơi vài tuần, cả tháng, cũng là bình thường. Chị dăm ba bữa mới gọi cho ba, mấy hôm thì nhắn tin hỏi thăm tình hình dưới quê. Nhưng không phải chị luôn nhớ tới ba đang xa nhà, về thăm quê xứ một mình. Công việc, con cái và những mối quan tâm ngoài xã hội cuốn chị bộn bề vào đấy. Thế nên khi ba mất, chị không thể nào thôi đau đáu với những ý nghĩ, kiểu hồi ba mình còn thì thế này, thế khác...

Đó là lúc cả nhà chị ghé quán cơn niêu quen thuộc, con trai chị buột miệng: ông ngoại thường hay ngồi ở chỗ này nè mẹ! Đó là khi chị ngang qua đoạn đường cùng ngồi với ba trên xe cứu thương, chị từng nói với ba qua làn nước mắt: Ba đừng sợ, có con đây. Dù ba đã chẳng thể nghe được lời dỗ dành của con gái nữa. Lần cuối cùng ba nói chuyện, cũng là với chị. Ba luôn nghe lời và hợp tác, như nào giờ, ngoan ngoãn nghe con gái dặn dò. Như những năm cuối đời, ba luôn theo sự sắp xếp của chị, từ bữa cơm, giấc ngủ, thuốc thang, cho tới những chuyến đi chơi, mua sắm… này nọ.

Có lẽ vì thế nên lòng chị chưa từng yên với những tự vấn. Rằng mình tính như thế đã đúng chưa? Mình có quyết sai gì không, mình có phạm phải điều gì chưa tốt mà ba mình phải từ biệt nhân gian vội vàng đến thế? Bởi hành trình cuối cùng của ba, mọi thứ đều do chị chủ động. Chọn bệnh viện nào điều trị, gửi gắm bác sĩ ra sao, tái khám ở đâu, thuê ai về hỗ trợ… chị chính là người ra quyết định. Nên chị cứ dằn vặt bản thân với câu hỏi: Nếu như mình làm khác đi, nếu như mình biết ba chẳng còn được bao nhiêu ngày tháng thì mình đã không để ba phải chịu đựng dao kéo mổ xẻ, ra vào bệnh viện vất vả sợ hãi như vậy…

Tiếc thay, thế gian mấy ai thấu được chữ ngờ.

Chị tỉ mẩn lau dọn bàn thờ. Trên sân thượng vừa nở ra vài bông hoa nhài trắng muốt, chị cắt một đóa chưng vô bình bé xíu. Rồi vừa thắp hương vừa kể với ba về cái cây thơm nức ngày xưa có một bụi trước sân nhà mình, ba còn nhớ chứ? Nay ít thấy ở đâu trồng, nhưng con vẫn gắng kiếm được một chậu nho nhỏ. Con có nấu canh chua cá với bắp chuối bào, món ba ưa thích đây. Thằng Bin nhà con đợt này vừa thi cờ vua đoạt giải nhì cấp quận đấy ba à…

Chị nói với ba mà như nói với chính mình. Hoang mang với câu hỏi, liệu ba có ở quanh đây, dưới mái gia đình này cùng chị, như mấy năm qua đã từng? Sao chị vẫn cứ thấy bản thân trống trải, hụt hẫng, chới với khi trở thành đứa con không ba thế này?

Chị nói với con gái mình, rằng nếu ông trời cho mẹ sống bằng tuổi ông ngoại, tức là còn chưa tới bảy mươi, thì hơn hai mươi năm nữa, mẹ chẳng có ba bên đời… Con bé nắm lấy tay mẹ và khẽ khàng nói nói, như vỗ về an ủi, là mẹ còn có con đây, mẹ vui hơn đi nhé! Chị thấy mình muốn bật khóc, nhưng lại sợ bản thân quá yếu đuối. Từ ngày ba mất, chị hiểu mình đã thành chỗ dựa cho cả nhà, thay ba lo cho má, cho bà nội vẫn còn, quan tâm hơn những đứa em đứa cháu…

Một anh đồng nghiệp từng chia sẻ về nỗi đau sinh ly tử biệt: “Sự mất mát ấy quả thực là sự trừng phạt của kiếp người. Chẳng biết lúc nào chúng ta bị trừng phạt”. Chị nghe và thấm thía. Bởi nỗi đau của người ở lại thật quá khủng khiếp, dai dẳng, kéo dài, âm ỉ. Dù đã tìm nhiều cách để ủi an chính mình. Kiểu như, ba cũng muốn chị sống vui vẻ, nhẹ lòng. Rằng ba chẳng trách cứ gì đâu, chị đã làm quá tốt, đã dốc cạn mọi yêu thương chăm chút ba rồi. Đừng áy náy gì thêm nữa. Đây là lời mấy đứa em động viên người chị gái hay nghĩ, cứ chìm mãi trong những dằn vặt loay hoay của sự chia lìa.

Chị thắp một nén nhang thơm. Qua làn khói nhẹ, chị như thấy ba mình đang mỉm cười.

Tin cùng chuyên mục