Cuối năm ngồi nhớ
Cuối năm là thời điểm người ta ngồi nhớ lại chuyện cũ. Đó là những sự việc đã ghi đậm dấu ấn trong tâm trí không thể nào quên. Có thể đó là chuyện làm ăn thành công hay thất bại, chuyện va chạm trong cuộc sống, chuyện hỉ nộ ái ố… Thật không thể nào điểm danh hết những loại “chuyện cũ” đã xảy ra đã được đưa vào “file nén” của bộ nhớ nằm im đó, đợi đến dịp cuối năm không cần ấn nút mở cũng tự động phát ra như một bộ phim. Đã là một bộ phim thì có đủ thể loại: tư liệu, lịch sử, xã hội, bi hài… mỗi người đều có một kho phim và cứ thế mà ngồi coi hết những bộ phim nói về mình.
Mấy ngày cuối năm này, lúc rảnh rỗi tôi cũng ngồi buồn coi phim quay chậm về mình. Có những con người, hình ảnh, đậm nhạt, vui, buồn, nhớ, thương, ngậm ngùi… Nhưng gì thì gì, tôi vẫn nhớ về thời thơ ấu của mình và đó là nơi chốn bình yên nhất, êm đẹp nhất, thanh khiết nhất. Tuổi thơ luôn gắn bó với quê nhà, với triền đê, bãi sông, cây cầu, bến nước, những trò chơi thời tuổi nhỏ. Thật lạ lùng, sao tôi vẫn nhớ như in, không quên chi tiết nào, kể cả màu trời, vạt cỏ, tiếng chim, tiếng dế, tiếng trâu gọi đồng, một cánh chuồn kim, một chú ếch kêu mưa trong ao nhà…
Một người có trí nhớ tốt thì ít quên chuyện cũ. Nhưng chắc chắn anh ta không phải là người sung sướng, hạnh phúc mà là một người thật sự đau khổ. Hạnh phúc là người phải biết quên, biết buông bỏ mọi thứ trên đời.
Đôi cánh thời gian
Thời gian tuy vô hình nhưng lại hiển hiện rất rõ bằng ngày tháng in dấu ấn trên tờ lịch mỏng treo trên tường. Nhà nào cũng có một tấm lịch treo tường, một blốc lịch dày cộm để xé từng ngày và mỗi một ngày qua đi thì không thể kéo lại được, dù tờ lịch đã xé bị vò nát, vứt vào giỏ rác hay để trên bàn lưu giữ như một thứ kỷ niệm, một dấu ấn thời gian không thể lãng quên.
Như vậy thời gian tuy vô hình nhưng có đôi cánh bay rất nhanh, mỗi ngày đôi cánh thời gian vèo qua giống như cơn gió thoảng nên ít ai để ý, tới chừng giật mình nhìn lại thì mới hay thời gian đã chất chồng, ta không xô ngã, kéo lại được cái đống thời gian chất chồng ấy đang vây hãm ta trước mặt, sau lưng nhưng nó lại kéo được ta đi về chân dốc đời người rất nhanh.
Ngày nhỏ, mỗi năm tết đến tôi được mặc bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, tôi không chạy chơi cùng chúng bạn trong xóm để khoe áo mới mà ra cây vú sữa sau nhà đứng dựa lưng vào thân cây to xù xì, có chỗ gồ lên mốc trắng màu thời gian để đo chiều cao của mình. Không hiểu sao tôi cứ mong mình cao hơn thế nữa, có lẽ đầu óc ngây thơ của một đứa trẻ con cứ nghĩ hễ mình cao lên thì đã thành người lớn. Nhưng lớn lên để làm gì thì tôi không biết.
Bây giờ tôi đã biết thì mỗi năm tết đến tôi không muốn làm người lớn nữa mà muốn trở về làm một đứa trẻ con. Nhưng làm sao để xô ngã cái đống thời gian đã chồng chất trước mặt, sau lưng, tuy vô hình nhưng rất kiên cố không có phép màu nào hô biến nó mất đi được? Tất cả loài nào có cánh đều bay đi và đều bay được trở về kể cả thiên thần. Chỉ có thời gian là không thể.
Gió khô
Buổi chiều nắng ong ong. Gió khô thổi qua vườn mang theo chút hơi mát từ con sông làng nước đang lớn. Trong gió không có tiếng sóng, nhưng sao tôi nghe có thứ âm thanh bờ bãi đượm mùi phù sa. Tiếng con bìm bịm kêu chiều lẻ bạn. Tôi về đây đã được hai hôm, tạm trốn cái nóng của Sài Gòn, rong chơi miền cây trái, sống lẫn với thiên nhiên coi như một giải pháp thanh lọc ô nhiễm không khí, nặng nề trong công việc, sầu muộn trong lòng để lấy lại sự trong trẻo những ngày cuối tuần.
Sửa sách của mình bao giờ cũng rất khó. Khó hơn viết một tác phẩm mới, vì sửa là coi như viết lại lần thứ hai. Vì thế, tôi cần sự yên tĩnh, thanh bình, tâm hồn lắng lại như mặt nước hồ đã qua gạn đục khơi trong, bụi bặm đã chìm sâu dưới đáy. Một mình tôi trong ngôi nhà rộng, với những đồ vật quen thuộc, ngoài kia là khu vườn suốt ngày rộn rã tiếng chim. Đây là một dịp để tôi đọc lại những cuốn sách của mình mà trước kia cứ lo viết, viết xong giao cho nhà xuất bản in, phát hành. Hầu như tôi chưa một lần đọc lại sách của tôi đã in, có khi còn quên mất là đã viết cuốn đó.
Chiều nay gió nhiều hơn mọi hôm. Một thứ gió khô quê nhà, gió khô mùa hạ. Và tôi đang chuẩn bị tái bản một loạt sách khi mùa hạ tới.
Trâm ổi thơm xa
Trong các loài hoa dân dã mọc hoang ven đường lộ, dưới chân rào, nơi người sống bước ngang qua không đếm xỉa tới, chỗ người chết nằm nhớ hay quên cuộc đời mình đã bỏ lại đâu đó để trở về, tôi vẫn thích nhất hoa trâm ổi. Trâm hẳn là tên con gái, một cái tên dịu dàng, quê mùa, rất đời thường, có vẻ như chịu đựng, khiêm nhường. Tôi biết từ lúc còn nhỏ, tháng ngày thơ ấu ở quê có một loại cây tên Trâm, có trái chín màu tím đen, con nít thích ăn, nhất là con gái, ăn xong cái miệng tím rịm, nụ cười tím rịm, chót lưỡi đầu môi tím rịm.
Đó là trái trâm, có vị vừa ngọt vừa chát, một thứ trái hút hồn con nít ở quê, tôi rất nhớ những cô bạn gái thuở nhỏ chơi đánh đũa, thảy banh, nhấm pháp trái trâm hồn nhiên cười, nụ cười tím hết cả thời thơ ấu ma mị. Rồi cũng có một loại cây mọc hoang bờ ruộng sống bền bỉ, xác xơ, héo tàn nắng hạ, mưa đông, bất chấp mùa màng thời tiết, đó là cây trâm bầu. Cây cao, xòe tán rộng, có thể che mát cho người lỡ đường ngồi nghỉ chân, tìm chút gió mát đồng nội. Nhưng cây trâm bầu lại có rất nhiều sâu, những con sâu lông đen to như đầu đũa, gớm ghiếc bị gió đưa từ trên tán lá bay xuống bám vào quần áo, da thịt rất ngứa.
Nhưng hoa trâm ổi thì khác, đây là loại hoa bụi, hoa nhiều cánh xoe tròn như cúc, có năm màu nên còn gọi là hoa ngũ sắc. Hoa không chỉ đẹp mà có mùi thơm ổi chín bay rất xa khỏi chân rào, ven đường lộ, dọc lối mòn. Mùi thơm của hoa bay từ phía tuổi thơ, một góc trời kỷ niệm, làm gợi thương, gợi nhớ của tình đầu khi nắm tay nhau lên dốc đầy hoa trâm ổi. Chỉ tiếc rằng ở quê tôi bây giờ ít thấy hoa trâm ổi, thuở ấy, có một lần tôi thấy rất nhiều hoa trâm ổi ở những con dốc Đà Lạt, ven chân rào những ngôi biệt thự im lìm, trầm mặc trên đường dẫn tới nhà em. Một ngôi nhà phía sau những hàng thông cổ thủ cao vút, màu trắng như khói mây.